​​​​​Nhìn về hai hướng

- Thứ Tư, 05/05/2021, 06:53 - Chia sẻ
Cách đây vài ngày, ngay sau khi người phát ngôn Nhà Trắng cho biết chính quyền đã xem xét xong chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã ra cảnh báo dưới tuyên bố của người đứng đầu Vụ Các vấn đề Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kwon Jong Gun. Theo đó, nước này sẽ tìm kiếm “các biện pháp tương ứng” sau bài phát biểu của Tổng thống Joe Biden tại Đồi Capitol tuần trước rằng Mỹ có kế hoạch đối phó với mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên thông qua “ngoại giao và răn đe nghiêm khắc”.
Nguồn: ITN

Phản đối mang tính chiến lược

Theo The Diplomat, trong tuyên bố, ông Kwon khẳng định, nếu Mỹ cố gắng tiếp cận mối quan hệ Triều Tiên - Mỹ thông qua các chính sách “cũ kỹ và lỗi thời” từ quan điểm của Chiến tranh lạnh, Mỹ sẽ ngày càng phải đối mặt với khủng hoảng không thể giải quyết trong tương lai gần.

Cuối tháng trước, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki tiết lộ chính sách mới của chính quyền Tổng thống Biden đối với Triều Tiên sẽ không tập trung vào việc đạt được “món hời lớn, cũng như không dựa vào sự kiên nhẫn chiến lược”. Bà Psaki nói thêm, mục tiêu của Washington vẫn là “phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”, đồng thời nhấn mạnh chính sách trên được đưa ra tham vấn chính quyền Seoul, Tokyo và các đồng minh khác.

Cùng với việc lên án chính sách mới của Mỹ và bình luận của Tổng thống Biden, Bình Nhưỡng cũng lên tiếng phản đối gay gắt nhận xét của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price về vấn đề nhân quyền của Triều Tiên. Trước đó, ngày 28.4 ông Ned Price đã ra tuyên bố chỉ trích Triều Tiên là một quốc gia độc tài. Phía Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho đây là bình luận xúc phạm Chủ tịch Kim Jong Un.

Trong bối cảnh chính quyền Bình Nhưỡng tăng cường phát tín hiệu về phía Washington những ngày gần đây với tuyên bố gay gắt, các chuyên gia phân tích nhận định phản hồi của Triều Tiên là những chỉ trích mang tính chiến lược để bắt Mỹ cung cấp những gì họ muốn, chẳng hạn như rút lui các chính sách thù địch.

Chính sách mới của chính quyền Tổng thống Biden đặt mục tiêu đạt được phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bằng cách từng bước giải quyết các vấn đề với miền Bắc, tập trung vào ngoại giao và các mục tiêu do các chính quyền trước đặt ra.

Giáo sư Park Won-gon, người chuyên nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Ewha ở Seoul cho rằng, “theo quan điểm của Triều Tiên, chính sách của chính quyền Tổng thống Biden đối với Triều Tiên được thiết lập theo cách dễ chấp nhận hơn. Quan điểm của chính quyền Mỹ đương nhiệm là tôn trọng Thỏa thuận Singapore có thể được coi là nhượng bộ của Washington đối với Bình Nhưỡng”. Thỏa thuận Singapore được Chủ tịch Kim Jung Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump ký kết tại Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử năm 2018.

Cân nhắc các lựa chọn

Giáo sư Park cũng nói rằng, chính quyền của Tổng thống Biden không có lựa chọn nào khác ngoài việc soạn thảo chính sách của mình đối với Triều Tiên thông qua xem xét các chính sách được thực hiện bởi các chính phủ trước đây. 30 năm qua, thực tế chưa có giải pháp rõ ràng nào để giúp phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Vì vậy, Giáo sư Park nhận định, mục tiêu cốt lõi của Triều Tiên trong việc mạnh mẽ lên án Mỹ gần đây là để đất nước cờ hoa rút lại chính sách thù địch đối với nước này. Bình Nhưỡng cao giọng để làm tăng căng thẳng về bán đảo Triều Tiên là “hành động chiến lược” giúp tăng khả năng thương lượng của họ đối với Washington.

“Vì chính quyền Tổng thống Biden đã tuyên bố, họ sẽ không mất 'sự kiên nhẫn chiến lược' đối với Triều Tiên, nên Mỹ sẽ cố gắng liên lạc với Triều Tiên, thậm chí cho dù Bình Nhưỡng từng kiên quyết sẽ không tham gia các cuộc đàm phán với Mỹ trước khi các yêu cầu của họ được đáp ứng”, ông Park nói.

Trước khi chính sách mới của chính quyền Tổng thống Biden được chính thức công bố, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan đã gợi ý, việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên có thể đạt được thông qua biện pháp phi hạt nhân hóa qua từng giai đoạn mà chính quyền của cựu Tổng thống Obama từng đưa ra với Iran. Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, vốn bị chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump loại bỏ, liên quan đến việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế để đổi lại những cam kết của Iran về trì hoãn phát triển vũ khí hạt nhân và cho phép quốc tế thanh tra chương trình hạt nhân của mình.

Một cách khác mà Mỹ có thể áp dụng với Triều Tiên là giống như mô hình đối với Libya, tức là cách tiếp cận “làm hết sức và đi về nhà” khi Mỹ yêu cầu Libya phải hoàn thành dỡ bỏ vũ khí hạt nhân, sau đó cung cấp bồi thường một lần theo sau hành động dỡ bỏ đó.

Theo Giáo sư Park, “nhìn trong tổng thể bức tranh lớn, sẽ là đúng đắn để đạt được phi hạt nhân hóa theo cùng một hướng với thỏa thuận hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, Triều Tiên muốn cách khác trong quá trình phi hạt nhân hóa theo giai đoạn so với cách Iran đã chấp nhận. Bình Nhưỡng không có ý định theo một kế hoạch cụ thể và lâu dài như cách Iran chấp nhận từ Mỹ”.

Không giống như Triều Tiên, Iran chưa bao giờ tiến hành các vụ thử hạt nhân hoặc vũ khí hạt nhân được sản xuất, và thỏa thuận hạt nhân được thực hiện như “Kế hoạch Hành động chung toàn diện” với Mỹ và các nước lớn khác. Tuy nhiên, với hoàn cảnh hiện nay, Bình Nhưỡng sẽ xem xét việc đạt được thỏa thuận với chỉ Washington, ngay cả khi nước này có thể được hỗ trợ từ Trung Quốc và Nga. Các chuyên gia nhận định, với cách tiếp cận giới hạn đó và môi trường xung quanh bán đảo Triều Tiên có thể khó cho chính quyền Seoul đóng vai trò của người hòa giải một lần nữa khi Washington đang căng thẳng với Bắc Kinh.

Triều Tiên muốn được chính thức công nhận như cường quốc hạt nhân của cộng đồng quốc tế, nhưng Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận điều này. Kết quả là, các nhà phân tích đã nâng khả năng xứ sở cờ hoa có thể không có nhiều lựa chọn để nối lại đối thoại với Triều Tiên vì nước này từng thề sẽ không trở lại bàn đàm phán trừ khi trừng phạt kinh tế và các chính sách thù địch phải được loại bỏ đầu tiên.

Linh Anh