Nhộn nhạo thị trường thực phẩm giảm cân

- Thứ Ba, 01/12/2020, 07:35 - Chia sẻ
Mặc dù, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã nhiều lần cảnh báo việc thiếu an toàn khi sử dụng thuốc giảm cân nhưng mặt hàng này vẫn được bày bán tràn lan trên các trang mạng xã hội. Đặc biệt, người tiêu dùng rất khó xác định được chất lượng sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ.

Nhiều sản phẩm chứa chất cấm

Chỉ cần vào mục tìm kiếm trên các trang mạng xã hội như Facebook, Google, Zalo, YouTube... người tiêu dùng không khó để tìm thấy những thông tin về các sản phẩm giảm cân với những lời quảng cáo hết sức hấp dẫn như: Cơ chế ngăn hấp thụ tinh bột, ngăn hình thành mô mỡ mới, đốt cháy mỡ thừa chính xác vùng bụng, đùi, eo; duy trì khi ngưng sử dụng, không tăng trở lại, không cần ăn uống, tập luyện khắt khe; không gây mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt; thành phần 100% từ thiên nhiên; 1 liệu trình 30 ngày xuống từ 5kg - 15kg; cam kết hoàn tiền nếu không hiệu quả... Bên cạnh đó, để đánh vào tâm lý khách hàng, một số kênh bán hàng còn sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng, đội ngũ y bác sĩ làm việc tại các bệnh viện để quảng cáo sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Đáng chú ý, chỉ với 1 triệu đồng/hộp uống giảm cân kèm lời khẳng định sản phẩm cùng loại mà có giá rẻ hơn chỉ có thể là hàng giả. Thế nhưng không thiếu những sản phẩm y hệt chỉ có giá 700.000 - 800.000 đồng/hộp. Từ 1 triệu giảm xuống 700.000 đồng mà người bán vẫn có lãi. Điều này là sức hấp dẫn đối với người bán hàng, dù người đó có hiểu biết về sản phẩm này không. Chính vì thế, từ trên mạng xã hội, đến nhà thuốc, cửa hàng tạp hóa, tiệm cắt tóc, đâu đâu cũng thấy những lời quảng cáo kiểu này. 

Thuốc giảm cân cấp tốc mang lại nhiều tác dụng phụ
Thuốc giảm cân cấp tốc mang lại nhiều tác dụng phụ

Tuy nhiên, người tiêu dùng có bao giờ đặt ra câu hỏi liệu có loại thảo dược nào 100% tự nhiên, giá thành rẻ mà có hiệu quả giảm, tăng cân nhanh chóng đến vậy hay không? Một thực tế đang diễn ra, người tiêu dùng thường không quan tâm đến nguyên liệu làm ra sản phẩm cũng như không quan tâm đến nguyên liệu đó có sử dụng chất cấm hay không mà họ chỉ quan tâm đến việc sau khi uống xong một liệu trình thì họ sẽ xuống được bao nhiêu cân.

Chính vì vậy, không ít người tiêu dùng vì tâm lý muốn giữ dáng đã tin vào những lời quảng cáo nên đã phải chịu tác dụng phụ từ các loại sản phẩm giảm cân trôi nổi, chứa các chất cấm. Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị H (xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, Nghệ An) cho biết, trước đây chị từng dùng loại sản phẩm giảm cân mua trên Facebook, giá 700.000 đồng/liệu trình. Theo hướng dẫn, sáng chị uống 4 viên vào thời điểm trước bữa ăn 30 phút, tối uống 3 viên trước lúc đi ngủ. Trong quá trình sử dụng, sau 1 tuần chị giảm được gần 3kg. Tuy nhiên, trong thời gian sử dụng chị luôn có cảm giác chóng mặt, hơi buồn nôn, bị táo bón nhiều lần trong ngày khiến chị không thể làm được việc gì.

Hãy là người tiêu dùng thông minh

Để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 115/2018/NĐ - CP đã có các quy định về bảo đảm an toàn  thực phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, trách nhiệm quản lý của nhà nước... Tuy nhiên, mới đây, qua khảo sát nội bộ, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cảnh báo 5/7 sản phẩm giảm cân bị cấm lưu hành đều chứa chất cấm sibutramine. Theo đó, Cục xác định từ tháng 9.2014, các sản phẩm này chưa được cấp công bố tại cục nhập khẩu.

Có thể thấy, mặc dù Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 5678 /QLD-ĐK ngày 8.6.2010 về việc ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu sibutramine. Và, năm 2011, Cục cũng đã đình chỉ lưu hành và thu hồi các thuốc chứa hoạt chất sibutramine do có tác dụng không mong muốn; đồng thời, rút số đăng ký của tất cả thuốc có chứa hoạt chất sibutramine. Tuy nhiên, không quá khó để có thể tìm thấy các sản phẩm giảm cân chứa hoạt chất sibutramine trên thị trường.

Bác sĩ Trần Vũ Lan Hương (Viện Y dược học Dân tộc TP Hồ Chí Minh) khẳng định, thảo dược thật sự 100% thì hiệu quả giảm cân rất ít, còn nếu hiệu quả giảm cân thấy rõ nhanh mạnh thì cần tự đặt câu hỏi chất gì chứa trong đó?  

Điều đáng nói, các cơ quan chức năng chỉ mới xử lý những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm đối với hình thức bán hàng truyền thống. Còn đối với hình thức bán hàng trên các trang thương mại điện tử, việc kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc các sản phẩm dường như đang gặp rất nhiều khó khăn. Việc thiếu các quy định pháp luật về bán hàng trên các trang thương mại điện tử, cũng như chế tài mang tính răn đe đã dẫn đến tình trạng các sản phẩm giảm cân không bảo đảm chất lượng vẫn được bày bán tràn lan trên các trang mạng xã hội.

Chính vì lẽ đó, nhiều chuyên gia cho rằng, để hạn chế các sản phẩm giảm cân chứa các chất cấm đang được bày bán tràn lan, cần bổ sung các quy định liên quan đến bán hàng trên các trang thương mại điện tử. Đồng thời, tăng cường các chế tài để bảo đảm tính răn đe, kịp thời xử lý đối với những trường hợp cá nhân, tổ chức có hành vi bán thuốc giảm cân chứa các chất cấm.

Có thể thấy, giảm cân là nhu cầu chính đáng nhưng không thể vì muốn giảm cân mà bất chấp sức khỏe tính mạng của chính bản thân mình. Chính vì vậy, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương khuyến cáo người dân chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký với Bộ Công thương. Nếu mua hàng qua mạng, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu rõ nguồn gốc của sản phẩm, đã được cơ quan quản lý cấp phép chưa, đồng thời tham khảo kỹ những đánh giá của người mua trước đó. Để bảo đảm quyền lợi của mình, người tiêu dùng tuyệt đối không nên mua hàng ở những fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể. Hãy là người tiêu dùng thông minh để không phải gắn cả đời mình với bệnh viện chỉ vì nạp chất cấm vào người mà không hề hay biết.

Nguyễn Ngân