Nhu cầu tuyển dụng lao động sau Tết sẽ tăng cao

- Thứ Năm, 27/01/2022, 06:15 - Chia sẻ
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp các khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết, qua Tết Nguyên đán, doanh nghiệp sẽ tăng tốc sản xuất vì còn nhiều đơn hàng tồn. Các nhà máy tại thành phố lớn có thể thiếu hụt lao động do nhu cầu tuyển dụng tương đối cao và nhiều địa phương đã đầu tư khu công nghiệp để tạo việc làm cho người dân.

98% lao động đã quay lại làm việc

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý IV.2021, sau khi phủ rộng vaccine mũi 2 và các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, nền kinh tế đã có tín hiệu phục hồi, kéo theo đó là diễn biến tích cực trên thị trường lao động. Cụ thể, số lao động có việc làm quý IV.2021 là 49,1 triệu người, tăng 1,8 triệu người, tương ứng tăng 3,9% so với quý trước. Như vậy, sau cơn bão đại dịch, nhiều người lao động đã quay trở lại thị trường và có việc làm.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp các khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Bé cho biết, thời điểm cuối năm hiện nay hầu hết doanh nghiệp đều hoạt động 100% năng suất, thậm chí phải tăng ca để bảo đảm cung ứng hàng hóa dịp Tết và sản xuất tiếp những đơn hàng tồn của hợp đồng ký từ năm 2021. Tình hình lao động quay trở lại làm việc khá ổn định, đạt tỷ lệ khoảng 98%.

Đáng chú ý, năm nay nhiều lao động ở lại ăn Tết, chỉ khoảng 30% lao động hồi hương. Ông Bé cho biết, lý do là đa phần lao động mới quay lại nhà máy sau những tháng nghỉ dịch nên thu nhập bị ảnh hưởng. Hiệp hội sẽ cùng Nhà nước và các doanh nghiệp hỗ trợ người lao động đón Tết tại khu công nghiệp; thăm nom những hoàn cảnh khó khăn, nhất là những gia đình bị thiệt hại bởi Covid-19 và 34 trường hợp trẻ em mồ côi do cha mẹ tử vong vì Covid-19.

Thị trường lao động đang dần khởi sắc
Nguồn: ITN

Có thể thiếu hụt lao động tại thành phố lớn

Dự báo thị trường lao động năm 2022 trên địa bàn thành phố, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh (FALMI) đưa ra hai kịch bản.

Ở kịch bản thứ nhất, tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng phức tạp, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế xã hội, dự kiến nhu cầu nhân lực cần 255.000 - 280.000 chỗ làm việc. Kịch bản thứ hai, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, diễn biến theo chiều hướng tích cực, dự kiến nhu cầu nhân lực cần 280.000 - 310.000 chỗ làm việc. 

TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội  rằng năm 2021 tác động của dịch Covid-19 lên thị trường lao động rất nặng nề. Tuy nhiên hiện nay, chiến dịch bao phủ vaccine của Chính phủ đã đạt được kết quả tốt. Tính đến hết ngày 18.1, tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine cho người 18 tuổi trở lên đạt 100% và tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản hơn 94% và tỷ lệ tiêm liều nhắc lại là 13,1%. Đồng thời, mặc dù dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến mới với các biến chủng mới trên thế giới nhưng cũng nhiều dấu hiệu cho thấy dịch bệnh sẽ sớm kết thúc và các hoạt động sản xuất, thương mại tại các quốc gia đã dần trở lại bình thường mới.

Khi kinh tế phục hồi, “sức khỏe” của doanh nghiệp tốt hơn thì thị trường lao động cũng sẽ ổn định. Như vậy, thị trường lao động nhiều khả năng khởi sắc nhanh trong thời gian tới, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ tăng cao nhất là trong quý đầu năm. Nhìn chung năm 2022 chắc chắn thị trường lao động sẽ có nhiều điểm sáng hơn so với năm trước, bà Hương nhấn mạnh.

Chung ý kiến, ông Nguyễn Văn Bé cho biết thêm, qua Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp sẽ tăng tốc sản xuất vì còn nhiều đơn hàng tồn từ năm 2021 nên nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng cao. Tuy nhiên, các tỉnh thành khác hiện nay cũng rất chú trọng đầu tư cho các khu công nghiệp, tạo việc làm cho người dân ngay tại địa phương. Do đó các nhà máy tại thành phố lớn có thể đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động.

Muốn tạo được “cú huých” với thị trường lao động, TS. Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, phải tập trung hơn nữa vào những chính sách giúp duy trì hoạt động của doanh nghiệp vì doanh nghiệp làm ăn tốt mới có việc làm cho người lao động. Cùng với đó, phải triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế Quốc hội quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15. Ví dụ, với chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm, để hỗ trợ đúng, trúng phải thực hiện thông qua doanh nghiệp vì đây là đơn vị quản lý trực tiếp. Đồng thời phải có những giải pháp mới hơn, chẳng hạn tạo ra những hạ tầng về dịch vụ xã hội, Nhà nước kết hợp với các địa phương thành lập khu nhà ở dành cho công nhân với giá thấp.

Về phía doanh nghiệp, để thích ứng với những thay đổi không ngừng của thị trường lao động, cần tạo sự yên tâm cho người lao động thông qua những chính sách đãi ngộ hợp lý, xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, an toàn. Bên cạnh đó, đưa công nghiệp 4.0 vào các quy trình sản xuất, số hóa hoạt động kinh doanh, ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ để giảm phụ thuộc vào yếu tố con người và không bị động trong trường hợp thiếu hụt lao động.

Minh Trang