Những cụm từ định hình năm 2020

- Thứ Sáu, 01/01/2021, 08:45 - Chia sẻ
2020 là năm mà một số cụm từ đã trở nên quen thuộc đến mức khi nhắc tới chúng, cả một rừng sự kiện liên quan đi cùng, đan xen với nhau tạo thành những dấu mốc khó quên trong một năm đầy biến động chưa từng có đối với thế giới.

Thảm họa, dịch bệnh khó lường

“Cháy rừng ở Australia” là cụm từ mở màn cho năm 2020 cho dù thảm họa này, còn gọi là “mùa hè đen” thực chất đã xuất hiện từ năm 2019. Có thể nói đây chính là mùa cháy rừng khốc liệt nhất trong lịch sử đất nước chuột túi và kinh động cả thế giới khi hậu quả của nó còn kéo dài nhiều năm sau. Đợt cháy rừng đã khiến 19 triệu ha đất bị tàn phá, với 12,6 triệu ha chủ yếu là rừng và vùng đất nhiều cây bụi; phá hủy 3.094 ngôi nhà, cướp đi mạng sống của 33 người và tiêu diệt 1,25 triệu động vật hoang dã. Những đám cháy rừng gây kinh hoàng này dường như dự báo một năm không bình yên với nhiều sự kiện cực đoan đối với môi trường toàn cầu trong năm 2020, khi mà nhiều cảnh tượng tàn khốc tương tự cũng diễn ra với các trận cháy rừng kỷ lục thiêu rụi lãnh nguyên Siberia, các vùng đầm lầy nhiệt đới ở Nam Mỹ hay miền Tây nước Mỹ.

Tuy nhiên, cụm từ “Covid-19” mới chính là kẻ thù của năm 2020, phủ bóng đen u ám lên mọi ngóc ngách của thế giới. Virus SARS-CoV-2, thủ phạm gây bệnh Covid-19 (một căn bệnh suy đường hô hấp cấp có sự lây lan mạnh), bùng phát đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc từ cuối năm 2019, đã khiến số ca nhiễm trên khắp thế giới tính đến cuối năm 2020 vượt quá mức 78 triệu người, trong đó hơn 1,7 triệu người tử vong. Không chỉ cướp đi tính mạng, Covid-19 còn tước mất cuộc sống bình thường của hàng tỷ người. Trong bối cảnh đại dịch hoành hành, người ta buộc phải làm quen với vô vàn cụm từ mới không mang lại nhiều cảm xúc vui vẻ, từ “cách ly”, “phong tỏa”, “đóng cửa” đến “giãn cách xã hội”, phải “học trực tuyến”, “làm việc từ xa” để thích nghi với “trạng thái bình thường mới”… Nỗ lực đưa cuộc sống trở lại với quỹ đạo vốn có trước khi Covid-19 xuất hiện đã khiến “vaccine” nổi lên thể hiện nỗi khát khao về khả năng chiến thắng đại dịch. Vaccine Sputnik V của Nga (loại vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên được đăng ký trên thế giới),  Pfizer của Mỹ…, vốn đã được đưa vào tiêm chủng đại trà, cùng nhiều loại vaccine khác đang được phát triển và sắp được phê duyệt trên thế giới là những tín hiệu tích cực cuối năm 2020, báo hiệu tình hình lạc quan hơn cho năm 2021.

Thương mại toàn cầu - ấm lạnh đan xen

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới hắt hiu vì những tác động tiêu cực của Covid-19 khiến hàng loạt các nước phải nhanh chóng đưa ra các gói cứu trợ khẩn cấp khi giao thương bị đình trệ thì cụm từ “RCEP” là tia sáng ấm áp cho thương mại quốc tế. Vào ngày 15.11.2020, RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực) đã được 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương ký kết trực tuyến trong phiên họp thuộc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, diễn ra từ ngày 12 - 15.11 tại Hà Nội, Việt Nam để hình thành nên khối thương mại lớn nhất thế giới, bao phủ tới 1/3 dân số thế giới.

Cũng liên quan đến vấn đề thương mại và kinh tế, một cụm từ vẫn được truyền thông thế giới nhắc liên tục đến tới tận cuối năm 2020 chính là “thỏa thuận thương mại Brexit”, chủ đề đau đầu và gây bế tắc nhất cho các nhà đàm phán của xứ sở sương mù và Liên minh châu Âu (EU) thời kỳ hậu “chia tay”, sau khi Vương quốc Anh chính thức rời khỏi EU vào ngày cuối cùng của tháng 1.2020. Một Brexit “không thỏa thuận” thương mại với EU là viễn cảnh không hề được mong muốn bởi nó có thể tạo ra nhiều bất lợi với cả hai. Nhưng tin vui đã đến vào những ngày cuối năm khi mà hai bên cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận.

Quan hệ quốc tế - bất ổn nhiều nơi

Không chỉ phải sống chung với Covid-19, một loạt sự kiện quốc tế căng thẳng trong quan hệ giữa các nước càng khiến năm 2020 thêm bất ổn. Các cụm từ như “đụng độ biên giới Ấn - Trung”, “chiến sự Armenia - Azerbaijan”, “căng thẳng Mỹ - Trung” là những cụm từ được nhắc đi nhắc lại trong năm 2020.  

Suốt 45 năm qua, một loạt thỏa thuận giữa Trung Quốc và Ấn Độ, bằng văn bản hoặc phi văn bản, được duy trì như một lệnh ngừng bắn dọc theo đường biên giới ở rìa phía Đông của khu vực Kashmir thuộc dãy Himalaya. Tuy nhiên, vào tháng 5.2020, căng thẳng đã bùng nổ sau cuộc đụng độ gây thương vong đầu tiên trong ít nhất 45 năm qua giữa binh sĩ hai nước ở khu vực biên giới tranh chấp này. Sau vụ ẩu đả, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đều điều quân lượng lớn cùng khí tài hạng nặng tăng viện cho khu vực biên giới. Điều này từng khiến thế giới lo ngại, căng thẳng có thể dẫn đến xung đột vũ trang toàn diện giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tương tự, căng thẳng  Armenia - Azerbaijan bắt nguồn từ tranh chấp vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan. Nó biến thành xung đột vũ trang hôm 27.9.2020 và nhanh chóng leo thang thành chiến sự quy mô lớn, khiến hơn 5.000 binh sĩ hai bên thiệt mạng, gây nguy cơ xảy ra chiến tranh khu vực. Tuy nhiên, sau 3 nỗ lực đình chiến thất bại, ba nước gồm Arrmenia, Azerbaijan và Nga thông báo đã ký thỏa thuận để chấm dứt xung đột vào ngày 9.11.2020 và Nga sẽ triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại khu vực này. Sở dĩ, cục diện chiến sự nhanh chóng được định đoạt là vì Azerbaijan triển khai máy bay không người lái (UAV) hiện đại mua của Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, gây thiệt hại nặng nề cho lực lượng Armenia, buộc họ phải chấp thuận ký thỏa thuận đình chiến do Nga làm trung gian. Thực tế, mâu thuẫn giữa Armenia và Azerbaijan về Nagorno-Karabakh đã diễn ra từ trăm năm trước, không ít lần bùng phát xung đột và thậm chí xảy ra chiến tranh. Nguyên nhân là do bất đồng giữa hai cộng đồng dân cư chính, vấn đề chủ quyền lãnh thổ và ý chí chính trị của lãnh đạo Armenia và Azerbaijan. Xét về địa lý, Nagorno-Karabakh nằm gọn trong lãnh thổ Azerbaijan nhưng ở đây người gốc Armenia lại chiếm đa số. Sau cuộc chiến 1988 - 1994, Armenia kiểm soát Nagorno-Karabakh, trong khi Azerbaijan, với sự hậu thuẫn về chính trị và vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ, quyết tâm giành lại vùng lãnh thổ này.

Trong khi đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục là chủ đề nóng kéo dài từ 2019 sang 2020 với mức độ căng thẳng được gia nhiệt gấp bội, đến mức nhiều người còn cho rằng sắp tiếp cận ngưỡng “Chiến tranh lạnh mới”. Năm nay, thế giới dường như quá quen với những màn chỉ trích gay gắt Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Donald Trump từ việc xử lý sai dịch Covid-19 đến loạt vấn đề như Biển Đông, Đài Loan, Tân Cương hay công nghệ. Mỹ lần đầu tiên bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, trừng phạt các công ty công nghệ Trung Quốc, trong đó cấm sử dụng TikTok, cùng đồng minh “tẩy chay” công nghệ 5G Trung Quốc…

Trong bối cảnh đen tối của chiến sự, bất ổn, căng thẳng khắp nơi, cụm từ “hiệp định hòa bình” giữa Israel và một số quốc gia Ảrập được ví như một trong những điểm nhấn hiếm hoi, đánh dấu sự thay đổi đáng kể cục diện chính trị khu vực Trung Đông trong năm 2020. Đây có thể coi là bước đột phá vượt bậc trong vòng 26 năm qua, tính từ lúc nhà nước Do Thái ký hiệp định hòa bình với Jordan năm 1994, từng bước giúp chính quyền Tel Aviv phá vỡ thế bị cô lập trong khu vực hàng chục năm qua. Tuy nhiên, cái bắt tay của Israel với một số nước như Ảrập Xêút, UAE hay Barain lại khiến Palestine và Iran bất bình vì lo rằng “việc kéo bè, kéo cánh” của Israel sẽ khiến xung đột Israel-Palestine trở nên khó giải quyết hơn, đe dọa đến giải pháp hai nhà nước.

Nước Mỹ trong năm bầu cử: Chưa từng có tiền lệ

Lâu nay, các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ luôn là những sự kiện được đặc biệt quan tâm theo dõi, bởi “nhà lãnh đạo quyền lực hàng đầu” này sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến các chính sách và cách “đối nhân, xử thế” của nhiều phần còn lại của thế giới. Năm nay, cụm từ “bầu cử tổng thống Mỹ” càng được chú ý hơn bao giờ hết bởi hàng loạt cáo buộc gian lận bầu cử cùng cuộc chiến pháp lý đảo ngược kết quả mà đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết tiến hành. Ông nhất định không chịu thừa nhận thất bại trước đối thủ, thậm chí ngay cả khi kết quả bỏ phiếu của các đại cử tri cho thấy Tổng thống đắc cử chính thức là ông Joe Biden. Sau các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc bắt nguồn từ vụ một người da đen tử vong do bị cảnh sát dùng bạo lực quá mức thể hiện một nước Mỹ đầy chia rẽ, nhiều người cho rằng những tranh cãi hậu bầu cử càng khiến xứ sở cờ hoa thêm chia rẽ và xấu xí trước con mắt của thế giới.

Từ đầu 2020 đến nay, Tổng thống Donald Trump luôn có những quyết định “sốc”, khuấy động toàn cầu, khiến những cụm từ như “ám sát tướng Iran Qassem Soleimani”, “Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới”, “Mỹ rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris”, “Mỹ rút khỏi Hiệp định Bầu trời mở"... trở thành những tít lớn “nổ tung” trên các phương tiện truyền thông.

Năm 2020 đã khép lại với những mảng tối chiếm chủ đạo, nhưng bất cứ ai cũng đều mong rằng “qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai”, năm 2021 sẽ giúp những mảng màu tươi sáng, tràn đầy niềm tin và hy vọng, trở lại.

Linh Anh