Theo dòng sự kiện

Những dấu ấn đậm sâu

- Thứ Sáu, 26/03/2021, 06:59 - Chia sẻ
Phiên thảo luận tổ chiều qua của Quốc hội để lại nhiều cảm xúc khi các đại biểu Quốc hội đã tự “soi lại mình” với sự nghiêm cẩn và khách quan, có niềm vui và tự hào trước những việc đã làm được, có sự tiếc nuối trước một số việc còn dang dở và cả niềm tin, sự kỳ vọng được gửi gắm tới Quốc hội Khóa XV, để Quốc hội luôn trọn vẹn lời hứa với Nhân dân.

Được “ưu tiên” phát biểu trước, Phó Trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ, “với sự khách quan, tôi phải đánh giá rất cao hoạt động của Quốc hội, bởi qua hoạt động của Quốc hội đã tạo nên xung lực mới, thậm chí tạo ra áp lực để các cơ quan nhà nước phải thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”. Ông cho rằng, báo cáo tổng kết của các cơ quan nhà nước đều có bóng dáng, công lao, sự cố gắng của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội. Hoạt động của Quốc hội để lại dấu ấn sâu đậm, lan tỏa trong xã hội, trong lòng cử tri và Nhân dân cả nước, thể hiện rất rõ ở việc cử tri và Nhân dân luôn chờ đợi, khát khao được chứng kiến các hoạt động của Quốc hội. Nhiều nhóm cử tri tụ họp với nhau trước màn hình ti vi để theo dõi, bình luận về các phiên họp của Quốc hội, tin tưởng ở Quốc hội.

Một dấu ấn khác theo ông Lưu Bình Nhưỡng là, hoạt động của Quốc hội đã giúp Đảng, Chính phủ và các cơ quan nhà nước đánh giá lại chính sách và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ và các cơ quan nhà nước nhưng đó không phải là sự đồng hành “xuôi chiều”, càng không “xuê xoa”, dễ dãi mà luôn thể hiện rõ chính kiến, “tạo áp lực cần thiết, đủ độ” để các cơ quan này điều chỉnh hoạt động. “Quốc hội đã thực hiện được vai trò là cơ quan đại diện của Dân, phát huy dân chủ, đại biểu Quốc hội đã thực hiện được vai trò trung tâm trong hoạt động của Quốc hội, tạo dấu ấn và hiệu quả, một Quốc hội dân chủ và nhân văn”, Phó trưởng Ban Dân nguyện nói.

Có cùng cảm nhận này, Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (NT - PTNT), đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Phùng Đức Tiến cho biết, ông tham gia Quốc hội và hoạt động chuyên trách từ Khóa XIII, giữa Khóa XIV mới chuyển sang cơ quan hành pháp. Vì đã làm việc ở cả “hai vai” như vậy nên càng thấm thía khối lượng công việc khổng lồ mà Quốc hội Khóa XIV làm được, từ đó càng thấy rõ hơn vai trò của Quốc hội đối với sự phát triển đất nước.

Chỉ riêng về lập pháp, Quốc hội đã ban hành tới 72 luật, 2 pháp lệnh và rất nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường... Trong đó có những nghị quyết hết sức ấn tượng, như ngay đầu nhiệm kỳ, Quốc hội đã ban hành nghị quyết tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý căn bản nợ xấu - “cục máu đông” gây tắc nghẽn nền kinh tế bao năm trước. Thực tế cho thấy, nghị quyết này rất “trúng và đem lại hiệu quả rõ nét”. Cùng với đó là các nghị quyết về cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù, tổ chức mô hình chính quyền đô thị cho các “đầu tàu” phát triển của đất nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... “Những nghị quyết rất quan trọng đó đã tạo hành lang pháp lý và động lực để phát triển đất nước”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT nhắc lại một chuyên đề giám sát tối cao điển hình của Quốc hội năm 2017 là giám sát về an toàn thực phẩm. Sau giám sát này, Quốc hội đã ban Nghị quyết số 43, cùng với đó là Luật An toàn thực phẩm và Chỉ thị số 13 của Thủ tướng đã làm chuyển biến căn bản thực trạng an toàn thực phẩm, tạo đà cho tăng trưởng xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. “Tôi nhớ mãi Khóa XIII, anh Trần Ngọc Vinh đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng phát biểu trước Quốc hội là đường đi từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ gần đến thế. Thời điểm đó, thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc tràn lan. Khi chúng tôi đi giám sát, nếu cứ cộng mỗi tỉnh phát hiện bao nhiêu tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc thì cả nước thực sự là con số vô cùng lớn... Sau khi Quốc hội giám sát tối cao thì chuyển biến rất rõ. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phụ trách lĩnh vực an toàn thực phẩm đã nói không dưới 10 lần rằng nghị quyết giám sát của Quốc hội rất hay và thực sự đi vào cuộc sống”, ông Phùng Đức Tiến nhớ lại.

Cũng từ giám sát tối cao này, Chủ tịch Quốc hội đã giao cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường giám sát về tạm nhập tái xuất. Lúc đó, một năm chúng ta nhập tới 2,58 triệu tấn thực phẩm, bên phía nước bạn cũng có ý kiến cho rằng chúng ta tiếp tay cho buôn lậu. “Sau khi Ủy ban giám sát, Thường trực Chính phủ họp, tôi phát biểu ý kiến, nêu các số liệu, chưa phát biểu xong Thủ tướng đã quyết định ngay: Dừng, không tạm nhập tái xuất nữa... Thống kê gần đây cho thấy chăn nuôi đã chiếm 24,35%, thủy sản 25,1%, riêng hai lĩnh vực này đã chiếm 49,45%. Nói như vậy để thấy rằng giám sát của Quốc hội đã có hiệu quả lớn như thế nào, tháo gỡ những vướng mắc cho phát triển kinh tế - xã hội rất rõ”, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT nhấn mạnh.

Còn rất nhiều câu chuyện, minh chứng sinh động như thế đã được các đại biểu Quốc hội chia sẻ trong phiên thảo luận tổ chiều qua. Những trải nghiệm và bài học quý giá được đúc kết trong gần 5 năm của các đại biểu không chỉ làm đầy đặn hơn Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Khóa XIV của Quốc hội mà ở đó còn có niềm tin, sự kỳ vọng được trao gửi tới Quốc hội Khóa XV sẽ “viết tiếp những trang sử tuyệt vời” về một Quốc hội luôn hành động vì lợi ích của Nhân dân và đất nước.

Quỳnh Chi