Những "gợi ý" từ Bắc Giang

- Thứ Sáu, 02/07/2021, 05:28 - Chia sẻ
Theo Sở Công thương Bắc Giang, doanh thu từ vải thiều và dịch vụ phụ trợ năm 2021 đạt hơn 6.720 tỷ đồng, gần bằng vụ năm ngoái. Điều đặc biệt là nếu như những năm trước, mặt hàng này chủ yếu được xuất khẩu thì năm nay, lượng vải tiêu thụ trong nước chiếm tới 65% tổng sản lượng...

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 diễn biến hết sức phức tạp trên cả nước nói chung, Bắc Giang nói riêng, đây là kết quả "ngoài tưởng tượng". Và để có kết quả này, ngoài sự nỗ lực của Bắc Giang, còn có sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả của Trung ương, các bộ ngành, tỉnh, thành phố và sự ủng hộ tích cực của người dân cả nước.

Thực tế, từ đầu vụ vải năm nay, Bắc Giang đã xây dựng 3 kịch bản để tiêu thụ, bảo vệ quả vải ở vùng tâm dịch. Hồi đầu tháng 6, tỉnh cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các hãng hàng không trong nước hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh phân phối vải thiều từ Bắc Giang vào các tỉnh phía Nam với mức giá ưu đãi trong thời gian thu hoạch chính vụ. Đặc biệt hơn, như ý kiến của đại diện tỉnh Bắc Giang là với hơn 60% sản lượng tiêu thụ ở thị trường trong nước - là cơ hội để địa phương tính toán, nhìn nhận lại thị trường tiềm năng gần 100 triệu dân.

Nhận định này là hoàn toàn xác đáng, đồng thời cho thấy "góc nhìn" khác, là "gợi ý" hay cho các địa phương khác về việc tổ chức tiêu thụ các mặt hàng nông sản - vốn dĩ luôn gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Đó là sản xuất phải gắn với tiêu thụ, phải tìm, phải giữ được thị trường. Thực tế, việc sản xuất, tiêu thụ nông sản không chỉ mãi đơn thuần là trồng loại gì, ở đâu, theo hình thức nào mà vấn đề mấu chốt là tạo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ ra sao. Vậy nhưng cho dù việc này đã được đề cập đến nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được.

Đó còn có thể là công tác nghiên cứu, dự báo, cung cấp thông tin thị trường hạn chế dẫn đến người sản xuất thiếu thông tin hoặc không được cung cấp thông tin kịp thời. Thiếu hướng dẫn, tư vấn, khuyến cáo của các cơ quan chức năng trong quá trình sản xuất nên người dân vẫn sản xuất theo phong trào hoặc tự phát, không có định hướng, chiến lược cụ thể.

Để giải quyết tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, trước hết phải đầu tư cho chế biến sâu vì hiện nay tỷ lệ chế biến sâu của nông sản nước ta còn rất thấp, chỉ đạt khoảng 12%. Doanh nghiệp phải thực hiện "mua trước, bán sau", không nên theo kiểu "bán trước, mua sau". Đặc biệt, ngành nông nghiệp và các địa phương phải xây dựng kế hoạch phòng, chống rủi ro trong sản xuất, tiêu thụ chứ không nên chỉ tập trung vào sản xuất. Phải xây dựng và quy hoạch vùng sản xuất, hạn chế cho được tình trạng nhiều địa phương cùng cạnh tranh về một mặt hàng.

Liên kết trong sản xuất và kết nối sản xuất với tiêu thụ là yếu tố đặc biệt quan trọng để sản xuất nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, để thực hiện, trước tiên cần xóa bỏ tình trạng mua mùa, bán mùa như hiện nay. Phải có thông tin minh bạch trong thị trường mua bán nông sản, từ đó mới biết được lĩnh vực nào trồng bao nhiêu, sản lượng thế nào là đủ - ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan. Nếu không, các đợt "giải cứu" nông sản chắc chắn sẽ còn tiếp diễn.

Khánh Ninh