Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Văn phòng Quốc hội (2.3.1946 - 2.3.2021)

Những kỷ niệm không quên

- Thứ Bảy, 27/02/2021, 07:28 - Chia sẻ
Cách đây 75 năm, ngày 2.3.1946 đã đi vào lịch sử là ngày mở đầu truyền thống hoạt động của Văn phòng Quốc hội - tiền thân là Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội. Nghị quyết số 751/2005/NQ-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể xem là một nghị quyết mang tính lịch sử đối với Văn phòng Quốc hội.

Chưa đầy một năm sau, ngày 26.2.2006, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Nước Trần Đức Lương đã ký Quyết định số 222 về việc tặng Huân chương Sao vàng cho Văn phòng Quốc hội vì “đã có công lao to lớn đặc biệt xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc”. Đây là phần thưởng cao quý đánh giá chặng đường dài không ngừng phát triển và trưởng thành của Văn phòng Quốc hội, là vinh dự, tự hào của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Văn phòng Quốc hội.

		Tổ biên tập nghị quyết của Quốc hội làm việc thâu đêm để kịp thông qua tại phiên bế mạc - Ảnh tư liệu
Tổ biên tập nghị quyết của Quốc hội làm việc thâu đêm để kịp thông qua tại phiên bế mạc
Ảnh tư liệu

Đầu thập kỷ 1990, tôi được điều động từ Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội về công tác tại Vụ Tổng hợp, Văn phòng Quốc hội. Biết tôi học chuyên ngành ngôn ngữ, Đại học Tổng hợp Hà Nội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội đã phân công tôi vào bộ phận dự thảo Nghị quyết nhiệm vụ kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm của Quốc hội. Những kỷ niệm trong khoảng thời gian làm nhiệm vụ này đối với tôi đến nay vẫn nhớ mãi không quên. 

Bộ phận dự thảo Nghị quyết (thường gọi là Tổ Biên tập) do Vụ Tổng hợp, Văn phòng Quốc hội làm đầu mối, phối hợp cùng các vụ chuyên môn phục vụ Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và một số đơn vị bên Văn phòng Trung ương, Văn phòng Chính phủ hàng ngày tập trung nghiên cứu các nghị quyết của Đảng, báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội để xây dựng dự thảo ban đầu rồi xin ý kiến của các cấp có thẩm quyền tới 5 - 7 vòng, sau đó mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình ra Quốc hội. Mỗi lần xin ý kiến là một lần chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung rất kỳ công, tỷ mỉ, khoa học, chính xác, cầu thị để các cấp, các ngành các địa phương làm căn cứ triển khai thực hiện. Kết cấu của Nghị quyết nhiệm vụ hàng năm và 5 năm được bổ sung để dần hoàn thiện gồm: Căn cứ xây dựng nghị quyết, đánh giá tình hình năm qua, phương hướng nhiệm vụ năm tới, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu, hệ thống các giải pháp, cuối cùng là tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết. Đó là kết cấu “cứng” còn “phần mềm” thì tùy tình hình thực tế của đất nước và thế giới để bổ sung thêm cho nghị quyết mang “hơi thở” của đời sống xã hội. Đó cũng là "nghệ thuật" xây dựng nghị quyết của Quốc hội. 

Giai đoạn xin ý kiến vào dự thảo nghị quyết là giai đoạn “cam go” nhất vì trăm người trăm ý, tiếp thu hay không tiếp thu, giải trình thế nào cho thuyết phục trước khi báo cáo Quốc hội là vấn đề không đơn giản. Đây là công việc của người “làm dâu trăm họ”. Hồi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân, Trưởng đoàn Thư ký kỳ họp Vũ Mão được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công trực tiếp chỉ đạo xây dựng nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Các anh thường dặn chúng tôi: “Nghị quyết cần cô đọng, tránh dàn trải, bớt những từ khẩu hiệu, hô hào chung chung như tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao... thay vào đó là các chỉ tiêu pháp lệnh và những giải pháp mạnh mẽ, khả thi”.

		Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, TN, TN, NĐ Lê Như Tiến phát biểu góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội  Ảnh tư liệu
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, TN, TN, NĐ Lê Như Tiến phát biểu góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội
Ảnh tư liệu

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân, Trưởng đoàn Thư ký kỳ họp Vũ Mão, trong lúc giải lao mấy anh em trong Tổ soạn thảo chúng tôi ứng khẩu ngay: "Nghị quyết năm nay ngắn gọn thôi/ Không nên dàn trải đồng chí ơi/ Chú trọng chỉ tiêu và giải pháp/ Khẩu hiệu chung chung sẽ khó xuôi". Còn nhớ có đồng chí trong Thường trực một Ủy ban góp ý một số vấn đề rất nhạy cảm liên quan đến vấn đề quốc tế và khu vực nhưng chưa thể đưa ngay vào dự thảo nghị quyết được, thấy ý kiến của mình không được tiếp thu đồng chí có vẻ “giận” anh em trong Tổ Biên tập. Cuối tuần, nhân lúc vui, Trưởng đoàn Thư ký kỳ họp Vũ Mão “hòa giải” với đồng chí đó bằng thơ: "Ý kiến của anh rất hay/ Chúng tôi xin ghi nhận/ Nhưng mong anh bớt giận/ Tuy ý kiến rất hay/ Song đưa vào Nghị quyết sẽ... gay!". Nghe xong, tất cả đều thông cảm, cười xòa. 

Việc xây dựng nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2002 có lẽ là một trong những lần gian nan nhất. Ngày hôm sau dự thảo nghị quyết đã phải trình Quốc hội thông qua mà 11 giờ tối nay, ý kiến đóng góp vào dự thảo nghị quyết của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt mới được hỏa tốc gửi đến. Tối hôm đó, Trưởng đoàn Thư ký kỳ họp đề nghị không ai về nhà, tất cả Tổ soạn thảo ở lại Hội trường, mua bánh mỳ về ăn để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết thâu đêm. Đến 5 giờ 30 sáng thì cơ bản hoàn chỉnh văn bản kịp trình dự thảo nghị quyết để Quốc hội biểu quyết, thông qua tại phiên bế mạc kỳ họp.

Công việc xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội tuy vất vả, nhọc nhằn, nhiều lúc như đánh vật với từng con chữ song chúng tôi có niềm vui lớn là chắt lọc được ý chí, nguyện vọng của các đại biểu Quốc hội, của cử tri, của các cơ quan Đảng, Nhà nước vào một văn bản pháp quy để toàn dân thực hiện. Mỗi phiên bế mạc kỳ họp, Quốc hội thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với tỷ lệ nhất trí cao gần như tuyết đối thì với chúng tôi, đó như phần thưởng tinh thần to lớn, quý giá. 

Trong cuộc đời mình, tôi đã trải qua nhiều môi trường công tác khác nhau, song hơn 2 thập kỷ được “đắm mình” trong hoạt động của Quốc hội. Trên 10 năm đầu công tác tại Văn phòng Quốc hội, 10 năm sau làm người đại biểu Nhân dân là thời gian ghi nhớ nhất, ấn tượng nhất. Có thể nói, Văn phòng Quốc hội nói riêng và Quốc hội nói chung vừa là “cái nôi” vừa là “bệ phóng” để chúng tôi trưởng thành về mọi mặt. Văn phòng Quốc hội thực sự là mái nhà chung đầm ấm, thân thương nâng bước cho cán bộ, công chức chúng tôi vững vàng qua mỗi chặng đường phát triển đầy thử thách nhưng rất đỗi tự hào.

Hà Nội, đầu xuân Tân Sửu 2021

Lê Như Tiến ĐBQH Khóa XII, XIII - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ