Thăm “Góc Quốc hội” của gia đình nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

Những kỷ vật không hề xưa cũ

- Thứ Sáu, 01/01/2021, 08:29 - Chia sẻ
“Gia đình chúng tôi luôn tâm niệm, rồi đây, khi có điều kiện, sẽ lập một phòng lưu niệm về chồng và cha mình. Khi đó chúng tôi sẽ có thể trưng bày các hiện vật giúp tái hiện cuộc đời hoạt động văn học và cách mạng của ông, đương nhiên trong đó có một góc liên quan đến quãng đời 14 năm cha tôi làm đại biểu Quốc hội, từ 1946 - 1960. Còn tạm thời, ‘Góc Quốc hội’ này vẫn nằm lẫn trong các cặp tài liệu, các tập album, trên giá sách... bên cạnh các chủ đề khác như Văn hóa cứu quốc, báo chí, thư từ, cuộc sống gia đình...”.

Trong một bài viết trên Báo Đại biểu Nhân dân, ông Nguyễn Huy Thắng - con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, đại biểu Quốc hội Khóa I - từng giới thiệu như vậy về những tư liệu liên quan đến hoạt động Quốc hội của cha mình đang được nâng niu gìn giữ trong gia đình. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn đến thăm gia đình ông để tìm hiểu, thông qua “góc Quốc hội” đó, không khí cuộc tổng tuyển cử đầu tiên cũng như hoạt động Quốc hội Việt Nam những ngày đầu, ông đồng ý ngay, tuy còn chút băn khoăn, “không có gì nhiều lắm đâu”.

Tờ áp phích kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
Ảnh: Lê Thủy

Cố gắng “giải mã” tài liệu, hiện vật

Mặc dù “không có gì nhiều lắm đâu”, nhưng ngoài một số hiện vật trưng bày trong 2 tủ kính, còn có tới 3 cuốn album ảnh, tài liệu, trang viết được sắp xếp cẩn thận, chưa kể những trang nhật ký hay kỷ yếu kỳ họp... Tuy vậy, ông Nguyễn Huy Thắng chia sẻ, ông không thực sự quan tâm tới số lượng, mà “cố gắng để hiểu đằng sau những tư liệu, hiện vật đó, nói được điều gì về cha mình, về các sự kiện lịch sử của đất nước, trong trường hợp này là Quốc hội mà nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là một đại biểu”.

Trong số này, tài liệu sớm nhất đề ngày 3.12.1945, khi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng gửi thư cho Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh đề nghị đưa ông vào "danh sách những người ra ứng cử vào Quốc dân đại hội". Tiếp đến là một quá trình dồn dập nhà văn tham gia vận động cử tri, viết bức thư "cùng Nhân dân Bắc Ninh", trả lời phỏng vấn các báo... để giới thiệu cho mọi người biết về mình.

Một tài liệu được ông Thắng cho “rất thú vị”, là tờ áp phích (poster), kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Tờ áp phích khổ khoảng 50x65cm, với nội dung: “Đồng bào Bắc Ninh nhất định bầu cho Nguyễn Huy Tưởng - Người chiến sĩ cách mạng chân chính của nền độc lập Việt Nam và của dân chúng”. Bà Ngô Thị Thanh Lịch, con gái nhà văn Ngô Tất Tố từng kể rằng, khi tờ áp phích được đưa về quê bà, dân làng tìm mãi không có chỗ dán, cuối cùng ốp nó lên cột đình làng rồi lấy lạt buộc lại.

Hay các bài trả lời phỏng vấn của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trên tờ Quốc hội - ấn phẩm ra phục vụ cuộc Tổng tuyển cử, và báo Cứu quốc - cơ quan của Tổng bộ Việt Minh, trong đó ông đều khẳng định trách nhiệm lớn lao của đại biểu Quốc hội đối với việc ban hành bản Hiến pháp của nước Việt Nam theo nguyên tắc “độc lập, tự do, hạnh phúc”, song ông cũng không quên chuyện “cơm gạo” vốn quan thiết với mọi người dân. Trên tờ Quốc hội, ông nói rõ quan điểm của mình: “Vì ra ứng cử làm đại biểu Bắc Ninh, tôi chú trọng về nông nghiệp hơn cả”; và “cần phải điều hòa dân cày và địa chủ, làm lợi cho cả hai bên và nâng cao mực sống cho cả hai bên”…

Hiện vật đặc biệt

Ba tuần sau ngày tổng tuyển cử 6.1.1946, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nhận được thông báo của tỉnh Bắc Ninh cho biết đã trúng cử, đồng thời được yêu cầu sớm tham gia vào những việc làm cấp bách với tư cách một đại biểu Quốc hội của tỉnh. Ngày 29.2.1946, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được cấp tấm thẻ đại biểu Quốc hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, mang số 162, “chứng nhận ông Nguyễn Huy Tưởng là đại biểu tỉnh Bắc Ninh tại Toàn Quốc Đại Biểu Đại Hội”.

Trong nhật ký nhà văn Nguyễn Huy Tưởng không hề ghi về sự kiện này, mặc dù đây là điều gì đó đặc biệt có ý nghĩa với ông. Phải đến hơn một năm sau, tháng 10.1947, Pháp nhảy dù Bắc Kạn, mở màn trận Việt Bắc, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mới viết về hiện vật đặc biệt này. Khi đó, ông và những cộng sự trong Hội Văn hóa cứu quốc đang ở Tam Đảo vội vàng phải rút sâu và trong rừng, quan sát thấy máy bay của Pháp quần thảo, cảm giác mình có nguy cơ rơi vào tay giặc bất cứ lúc nào.

Đối mặt với thực tế đó, một số tài liệu mà các ông mang theo đã phải hủy, nhưng bức thư nhà văn Nguyễn Huy Tưởng gửi Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh đề nghị được ứng cử, hay poster tranh cử, các số báo Quốc hội, thư Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố gửi các đại biểu Quốc hội… tất cả vẫn nguyên vẹn. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết trong nhật ký: Hủy đi một số tài liệu, nhưng không nỡ hủy thẻ TP (Tiên Phong), lại càng không nỡ hủy thẻ đại biểu Quốc hội.

“Đây là chi tiết cho thấy những hiện vật có thể nói được nhiều điều. Không chỉ giá trị tự thân của tấm thẻ (vốn đã rất quý), câu chuyện đằng sau đó cho thấy một người thiết tha với sự nghiệp của mình, của Đảng, cách mạng mà mình theo, và thiết tha với Quốc hội mà mình là một đại biểu đại diện cho cử tri Bắc Ninh, phấn đấu cho một đất nước Việt Nam tươi đẹp” - ông Thắng nói.

Cho mình và chia sẻ

Đến nay những tài liệu, hiện vật trong gia đình vẫn tiếp tục được ông Thắng mở ra nghiên cứu và giải mã, nhất là những bản thảo, nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Ông làm việc này, “trước hết là cho bản thân, để hiểu vấn đề, hiểu về cha mình, sau là có thể chia sẻ với xã hội, chắt trong đó đôi điều ý nghĩa để nói với người đọc hôm nay”; và “những gì tôi may mắn được lưu giữ là những cái gắn bó máu thịt với cha mẹ tôi. Đầu tiên là bố sau đến mẹ tôi, mọi tư liệu liên quan đến cụ ông đều được cụ bà giữ lại, kể cả lá thư bị mối xông ai đó viết gửi đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Tưởng. Tôi thấy, những hiện vật, sự kiện đó ẩn chứa những câu chuyện rất đẹp”. 

Cần mẫn, từng chút từng chút, qua thời gian, ông Thắng đã tìm kiếm, phát hiện được nhiều “câu chuyện rất đẹp” đó, bổ sung tư liệu tổng hợp cho các tài liệu, hiện vật mà gia đình đang lưu giữ. Chẳng hạn như sự gắn bó lâu bền giữa nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và nhà thơ Cù Huy Cận nhờ các cuộc họp Quốc hội, thông qua những bức ảnh chụp chung kèm lời đề tặng rất đỗi thân tình.

Trong cuộc sống của mỗi người đều có buồn - vui, và trong cuộc đời nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, 14 năm ông tham gia hoạt động với tư cách đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, chắc chắn ông cũng có nhiều niềm vui, phấn khởi. Như khi ông giơ tay thông qua Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà ông viết trong bài “Quốc hội” đăng trên tạp chí Tiên Phong thể hiện lòng đầy tự hào. “Tôi yêu niềm tự hào này, nó ngụ một ý chí quật cường, một lòng tự tin vô biên. Hiến pháp của nước Việt Nam như thế đấy! Niềm tự hào chả có gì là quá đáng, vì Hiến pháp Việt Nam là kết tinh cuộc tranh đấu của dân tộc Việt Nam, là phản ảnh tinh thần tự do, dân chủ Việt Nam; là bản tuyên ngôn rực rỡ, nêu cao ý chí độc lập và thống nhất của giống Việt Nam. Cả dân tộc Việt Nam là ở đấy. Ở đấy, một dân tộc đã khẳng định trước thế giới sức sống và ý chí muốn sống của mình”.

Nhưng trong quá trình hoạt động Quốc hội, theo ông Thắng, có lẽ cha ông  nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - rất ý thức được vai trò, vị trí và sứ mệnh của mình. Ông luôn tâm niệm mình là một nhà văn, là người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, và ông chú trọng phát huy mình trong lĩnh vực này. “Đây thực sự là điều tôi thấy trân trọng nhất, yêu quý cha mình nhất”.

“3/4 thế kỷ sau các sự kiện kể trên, 60 năm sau khi cha tôi qua đời, các tư liệu về Quốc hội trong 14 năm ông là đại biểu Khóa I vẫn tiếp tục được quan tâm và xem ra không hề xưa cũ!” - ông Nguyễn Huy Thắng nói đầy tự hào.

Hương Linh