Kỷ niệm 60 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển (1961 - 2021)

Những ngày mở đường

- Thứ Hai, 18/10/2021, 06:30 - Chia sẻ
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đường Hồ Chí Minh trên biển là tuyến vận tải quân sự đặc biệt, tham gia thực hiện nhiệm vụ chi viện từ hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam, góp phần vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng. Theo Chủ tịch Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam Trần Văn Hữu, quá trình chuẩn bị mở con đường này diễn ra trong thời gian rất ngắn và thực sự gian nan, thể hiện sự sáng tạo chiến lược của Đảng, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trước thử thách ngặt nghèo từ lịch sử.
Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ sĩ tại Bến K15 Đồ Sơn, Hải Phòng - Ảnh: Hải Hà
Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ sĩ tại Bến K15 Đồ Sơn, Hải Phòng
Ảnh: Hải Hà

Gian nan trinh sát mở đường

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, đế quốc Mỹ và tay sai ngang nhiên xóa bỏ Hiệp định Geneve, hòng biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Trước tình hình đó, đầu năm 1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa II) họp tại Hà Nội xác định con đường giải phóng miền Nam là con đường cách mạng bạo lực; chủ trương nhanh chóng tổ chức chi viện sức người, sức của, vũ khí từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

Tháng 5.1959, Đoàn Công tác quân sự đặc biệt (Đoàn 559) được thành lập với nhiệm vụ mở tuyến vận tải xuyên Trường Sơn để chi viện vũ khí, trang bị, lực lượng cho chiến trường miền Nam. Đến tháng 7.1959, tuyến vận tải chi viện chiến lược bằng đường biển cũng ra đời, quyết định thành lập Tiểu đoàn vận tải thủy 603, biên chế thành 2 đại đội, đóng quân tại thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Để giữ bí mật, Tiểu đoàn lấy tên là “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”, với phương tiện vận tải ban đầu là 4 chiếc thuyền gỗ, trọng tải từ 15 - 20 tấn. Thuyền có 2 đáy, phía dưới để vũ khí, phía trên để lưới và dụng cụ đánh cá nhằm đánh lạc hướng địch.

Bấy giờ, ở ngoài Bắc, dọc vùng biển từ Hải Phòng vào đến sông Gianh, nhiều địa điểm được nghiên cứu, trinh sát để thuận tiện cho việc đưa hàng xuống thuyền. Anh em lo lắng vì thuyền nhỏ, sóng gió to lại ít kinh nghiệm đi biển, không có nhiều điều kiện cần thiết để vận chuyển an toàn. Tuy nhiên, cuối năm 1959, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành. Đại đội 1, Tiểu đoàn 603 tổ chức chuyến thuyền vượt biển đầu tiên chở 5 tấn vũ khí và thuốc chữa bệnh cho chiến trường Khu V, địa điểm cập bến là chân đèo Hải Vân. Chuyến đi có 6 người, đồng chí Nguyễn Bất, Đại đội trưởng Đại đội 1 làm thuyền trưởng; đồng chí Trần Mức làm thuyền phó; 4 thành viên còn lại là Huỳnh Ba, Nguyễn Sanh, Huỳnh Sơn và Nguyễn Nữ.

Lợi dụng lúc thời tiết xấu, gió mùa đông bắc, chiều tối 27.1.1960 (tức 30 Tết Canh Tý) thuyền nhổ neo. Đêm đầu tiên, thuyền chạy thẳng ra vùng biển quốc tế, với ý định từ đó sẽ đi dần vào chân đèo Hải Vân. Hôm sau, gió to, sóng lớn, thuyền có nguy cơ bị lật, 6 người kiên trì chèo chống nhưng thuyền vẫn dạt về phía Nam và bị gãy một tay lái. Ngày thứ 3, thuyền trôi vào Cù Lao Ré (Quảng Ngãi) thì gãy nốt tay lái còn lại. Lúc này, tàu tuần tiễu của địch và tàu đánh cá của dân ra biển rất đông, nếu ở vùng biển này lâu sẽ bị lộ, thuyền trưởng quyết định thả 5 tấn súng đạn và thuốc chữa bệnh xuống biển để xóa dấu vết. Tuy không có chứng cớ rõ ràng nhưng 6 thủy thủ trên thuyền vẫn bị địch giam và tra tấn để khai thác thông tin. 5 thủy thủ đã hy sinh, duy nhất đồng chí Huỳnh Ba còn sống và được trao trả năm 1974.

Chuyến đi đầu tiên không thành công. Nhận thấy việc dùng thuyền buồm gỗ chở vũ khí vào chiến trường bằng đường biển rất khó khăn và không an toàn, Quân ủy Trung ương quyết định cho Tiểu đoàn 603 ngừng hoạt động. Trong khi chờ đợi phương án mới, Tiểu đoàn 603 giải thể, các đại đội chuyển về Tiểu đoàn 301 làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn.

Đáp ứng nhiệm vụ chiến lược

Đầu năm 1960, phong trào đấu tranh cách mạng tại các tỉnh đồng bằng Nam Bộ chuyển mạnh lên thế tiến công và trở thành cao trào rộng khắp. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu và phát triển lực lượng của các tỉnh Nam Bộ và Nam Trung Bộ, yêu cầu cấp bách là phải nhanh chóng vận chuyển vũ khí, hàng hóa để chi viện cho chiến trường. Lúc này, tuyến đường bộ trên dãy Trường Sơn đã mở và hoạt động hiệu quả nhưng chưa vươn tới các địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng. Tổng Quân ủy tiếp tục chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu nghiên cứu đề án mới về xây dựng và tổ chức lực lượng vận tải biển chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Khu V.

Trong khi chưa có lực lượng này, Bộ Chính trị chỉ thị cho Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo các tỉnh ven biển ở miền Trung và Nam Bộ chủ động chuẩn bị bến, bãi và tổ chức đưa thuyền vượt biển ra miền Bắc, vừa thăm dò, nắm tình hình địch, nghiên cứu tuyến vận chuyển trên biển vừa nhận vũ khí để kịp thời cung cấp cho phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam đang phát triển.

Giữa năm 1961, tỉnh Bạc Liêu điều 2 thuyền ra Bắc. Thuyền thứ nhất do đồng chí Bông Văn Dĩa (Hai Dĩa) phụ trách, rời rạch Cá Mòi (mũi Cà Mau) và cập bến tại cửa sông Nhật Lệ (Quảng Bình) ngày 7.8.1961. Thuyền thứ hai do đồng chí Nguyễn Thanh Trầm (Tư Lưới) phụ trách, xuất phát ngày 3.8.1961, khi đi ngang qua Huế thì bị thủng, phải quay trở lại Cà Mau để sửa chữa.

Tỉnh Trà Vinh cũng điều một thuyền ra Bắc, do đồng chí Hồ Văn In (Bảy Thắng) làm thuyền trưởng, đồng chí Nguyễn Thanh Lồng (Hai Tranh) làm chính trị viên. Ngày 3.8.1961, thuyền xuất phát, ra tới Nha Trang gặp bão, bị trôi dạt sang Ma Cao (Trung Quốc); sau đó đi trở lại hướng Tây Nam. Ngày 15.8.1961, thuyền bị Trung Quốc giữ và đưa về Du Hải - Quảng Châu. Ngày 16.8.1961, đại diện Đại sứ quán Việt Nam đón và đưa anh em về Hà Nội, còn thuyền được chở về bàn giao cho Ty Thủy sản Hải Phòng.

Tỉnh Bến Tre tổ chức 2 thuyền ra Bắc. Thuyền thứ nhất do đồng chí Đặng Bá Tiên (Sáu Giáo) làm thuyền trưởng. 16 giờ ngày 17.8.1961 thuyền xuất phát. Sau 8 ngày đêm hành trình, vật lộn với sóng, gió và né tránh sự kiểm soát của địch, thuyền đã cập bến Hà Tĩnh. Thuyền thứ hai do đồng chí Lê Công Cẩn (Năm Công) phụ trách, ngày 28.8.1961 cập bến Thanh Hóa.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, bất trắc nhưng thuyền của tỉnh Bà Rịa do đồng chí Nguyễn Sơn (Nguyễn Văn Phe) làm thuyền trưởng ngày 15.5.1962 cũng ra đến miền Bắc an toàn.

Như vậy, từ giữa năm 1961, 5/6 thuyền của Nam Bộ đã rời cảng ra Bắc và thuyền cuối cùng cập bến an toàn vào giữa năm 1962. Những chuyến vượt biển thành công ấy là một trong những cơ sở quan trọng cho việc thành lập đoàn vận tải thủy tiếp tế vũ khí cho miền Nam. Vì vậy, ngày 23.10.1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định số 97/QP thành lập Đoàn Vận tải quân sự 759 với mật danh “Đoàn tàu không số” có nhiệm vụ mua sắm phương tiện, vận chuyển tiếp tế cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Sự ra đời của Đoàn 759 đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển.

Hồng Hà ghi