Những ngôi chùa độc đáo ở Sóc Trăng

- Thứ Tư, 24/11/2021, 06:42 - Chia sẻ
Sóc Trăng là một trong những địa phương có nhiều chùa nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chỉ riêng ở thành phố Sóc Trăng đã có hơn 20 ngôi chùa, đa số mang kiến trúc của dân tộc Khmer. Với đồng bào Khmer, ngôi chùa mang ý nghĩa rất thiêng liêng, là nơi cử hành các nghi lễ tôn giáo, nơi lưu giữ các giáo lý nhà Phật, các tác phẩm văn học nghệ thuật, nơi diễn ra các lễ hội mang tính văn hóa đặc trưng của dân tộc Khmer.
Chùa Dơi- một điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch Sóc Trăng

Ấn tượng chùa Dơi

Đến Sóc Trăng, du khách thường ưu tiên cho lịch trình đến thăm chùa Dơi, tọa lạc tại phường 3, thành phố Sóc Trăng. Theo thư tịch cổ còn lại có ghi chép: Chùa được khởi công xây dựng vào từ năm 1569, cách nay đã hơn 440 năm. Ban đầu, chính điện của chùa chỉ được xây dựng bằng tre lá, sau đó được xây lại bằng gạch, mái lợp ngói. Năm 1960, chùa được sửa chữa lớn ở chánh điện và cho đến khi có được vẻ khang trang, đẹp đẽ như hiện nay, chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo. Chùa Dơi là một tổng thể kiến trúc gồm có: Ngôi chánh điện, Sala, nhà hội của sư sãi và tín đồ, phòng ở của sư sãi và trụ trì, các tháp để tro người chết, phòng khách… Toàn bộ các công trình toạ lạc trong một khuôn viên rộng có nhiều cây cổ thụ, diện tích khoảng 4 hecta. Chùa có mái được lợp ngói, bốn đầu mái cong vút chạm trổ hình rắn Naga, trên đỉnh mái có một ngọn tháp nhọn. Bao quanh chánh điện là các hàng cột đỡ, mỗi cột có một tượng tiên nữ Kemnar chắp hai tay trước ngực… Ở chánh điện là pho tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối đặt trên một tòa sen cao khoảng 2m. Ấn tượng không kém ngay gần đó là một pho tượng miêu tả Đức Phật cưỡi trên rắn thần Muchalinda. Đặc biệt, không hiểu vì sao trong khuôn viên chùa thu hút hàng ngàn con dơi về trú ngụ. Từ năm 1999, chùa Dơi đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Độc đáo chùa Chén Kiểu

Một trong những ngôi chùa độc đáo của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng là chùa Chén Kiểu, nằm trên quốc lộ 1A, cách thành phố Sóc Trăng khoảng 12km, hướng về tỉnh Bạc Liêu. Chùa Chén Kiểu gây ấn tượng trong lòng du khách bởi nét kiến trúc lạ lẫm từ những chiếc chén và mảnh vỡ từ chén kiểu độc đáo. Người xưa truyền miệng, trong thời chiến tranh ác liệt, chùa nhiều lần bị bắn phá nhưng không có kinh phí tu sửa, người dân địa phương đã mang những chiếc chén, tô, dĩa kiểu quý giá của mình ra quyên góp, sửa sang lại ngôi chùa, từ đó, cái tên “Chén Kiểu” ra đời. 

Chùa được xây dựng theo kiến trúc của chùa Khmer, trước cổng có hai con sư tử uy vũ ngồi trên bệ cao, giữa sân chùa là cột cờ với tượng rắn thần Nagar 5 đầu. Đặc biệt, phía sau ngôi chùa là khu vườn tiểu cảnh, nơi tái hiện những câu chuyện về Phật Thích Ca. Chánh điện là một tòa nhà lớn ốp gạch men láng bóng. Phía trong chánh điện là nơi thờ Phật Thích Ca và du khách có thể nhìn lên trần chánh điện để chiêm ngưỡng những hình vẽ tái hiện hành trình của Phật Thích Ca từ khi  sinh ra đến khi nhập niết bàn thành Phật.

Cũng như những ngôi chùa ở Sóc Trăng, chùa Chén Kiểu nằm gần nơi cộng đồng người Chăm, Hoa và Kinh sinh sống ,vì thế ngôi chùa cũng hội tụ văn hóa của cả ba dân tộc và chứa đựng nhiều câu chuyện kỳ bí. Trên 16 cây cột to chạm nổi những hình ảnh và truyền thuyết của văn hóa Khmer, các bức tường được trang trí bằng mảnh vỡ chén dĩa vừa hài hòa vừa sinh động, đặc biệt, những thần Kâyno với những đôi cánh mềm mại mà mạnh mẽ vươn mình đỡ lấy mái chùa mang đến cho du khách những ấn tượng khó quên.

Những chiếc chén kiểu góp phần kiến tạo nên ngôi chùa độc đáo

Những cặp nến cháy 50 năm chưa tắt

Là ngôi chùa tam giáo đồng nguyên ở Sóc Trăng, chùa Đất Sét hấp dẫn du khách bởi rất nhiều kỷ lục trong sách Guinness Việt Nam. Ngôi chùa này ngự tại phường 5 TP. Sóc Trăng. Đây là ngôi chùa có trên 200 năm tuổi, trước khi có dịch Covid-19, trung bình mỗi ngày chùa Đất Sét đón tiếp  200 lượt khách đến thăm. 

Được xây dựng theo lối kiến trúc chùa xưa ở Việt Nam, chùa Đất Sét nổi tiếng với 1901 pho tượng Phật, trên 200 linh thú, bảo tháp, lư hương... làm bằng đất sét với 4 cặp nến khổng lồ cháy xuyên suốt 50 năm chưa tắt. Đi sâu vào bên trong, bạn sẽ nhìn thấy 24 cây cột trang trí hình rồng uốn lượn trên thân là điểm nhấn. Kế đến là tượng “Bảo tòa thỉnh Phật trụ thế truyền tháp luận” được xây dựng với khoảng 1000 cánh sen, mỗi cánh sen là một vị thần ngự. Phía dưới đài sen lại có “Bát quái Thiên tiên” gồm 8 cung (Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài)”. Mỗi cung có hai tiên nữ đứng hầu; dưới đài sen và Bát quái có Tứ Đại Thiên vương trấn giữ. Tháp Đa Bảo cao 3,5m, có 13 tầng với 208 cửa với 126 con rồng nâng đỡ chân tháp. Ngoài ra, còn có lục long đăng (với 3 chóp đỉnh lớn), 7 lư hương nhỏ; và các cặp Kim Lân, Thanh Sư, Bạch Tượng, Bạch Hổ, Long Mã… đều là những hiện vật được tạo tác rất tinh xảo.

Ngoài 3 ngôi chùa tạo nên sự nổi tiếng riêng biệt cho du lịch Sóc Trăng là chùa Dơi, chùa Chén Kiểu và chùa Đất Sét, nhiều du khách sẽ đến thăm bằng được chùa Kh’leang. Đây là một trong những chùa Khmer lâu đời và cổ kính nhất tại địa phương này. Trong khuôn viên chùa còn có cả một ngôi trường dạy tiếng Khmer bậc trung cấp nên đây được xem như một trung tâm giáo dục lớn đối với đồng bào Khmer trong vùng. Giữa các mẫu trang trí nghệ thuật Khmer, du khách còn bắt gặp tác phẩm của người Kinh ở bức cửa võng và của người Hoa trên các thân cột trụ. Điều này phản ánh sự giao thoa văn hóa giữa 3 dân tộc, trong quá trình cộng cư lâu dài đã kết hợp các yếu tố tinh hoa trong nghệ thuật, học hỏi lẫn nhau để cùng phát triển.

Vũ Châu