Những phát ngôn nổi tiếng về nghị trường

- Chủ Nhật, 26/01/2014, 17:04 - Chia sẻ
Trong suốt lịch sử phát triển, qua thực tiễn hàng trăm năm, đã có rất nhiều câu trích dẫn nổi tiếng và thú vị về nghị viện. Những phát ngôn này đã phần nào cho chúng ta thấy được vai trò, quyền lực của cơ quan lập pháp.

“Với tư cách là thành viên của Nghị viện, công việc của chúng tôi là lập pháp với một tầm nhìn dài hạn, nhìn xa ra chân trời, vượt qua các cuộc bầu cử tiếp theo và bảo đảm rằng những gì chúng tôi có thể làm hôm nay là sẽ giúp nước Úc trở thành một nơi an toàn hơn, tốt đẹp hơn cho các thế hệ tương lai”.
 
Câu nói trên của chính trị gia người Australia Malcolm Bligh Turnbull càng khẳng định tầm quan trọng của các quyết sách tại Nghị viện, những quết sách phải mang tầm nhìn dài hạn. Ông Malcolm Bligh Turnbull hiện đang là Bộ trưởng Truyền thông trong Chính phủ của Thủ tướng Abbott.

Ông John D.Dingell, nghị sỹ nhiều khóa, cựu Chủ nhiệm ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Hoa Kỳ đã so sánh giữa thủ tục và nội dung trong họp nghị trường như vậy. Câu nói này phản ánh tầm quan trọng đặc biệt của quy trình, thủ tục trong hoạt động của nghị viện và cá nhân nghị sỹ ở nhiều nước. Theo đó, những nghị sỹ lão luyện, bậc thầy có thể dùng thủ tục để đẩy một vấn đề lên, thúc cho nó được chấp thuận, hoặc ngược lại, trì hoãn, thậm chí “dìm chết” một điều khoản, dự luật nào đó.

“Nếu bạn cho tôi viết quy trình, tôi cho bạn chuẩn bị về nội dung của chính sách, thì tôi có thể đánh bại bạn vào bất cứ lúc nào”.

Cuốn sách Những quy tắc làm việc của Robert (Robert’s Rules of Order) là một trong những tài liệu có ảnh hưởng rất lớn đến quy trình, thủ tục hoạt động của nghị viện nhiều nước, trước hết là QH Mỹ, sau đó lan tỏa sang các nước khác. H.S. Elliot đã nhận xét về cuốn sách này như sau: “Đây là những quy tắc dành cho trận chiến của các ý tưởng; chúng nhằm ngăn ngừa lợi thế bất công và tạo cơ hội cho thiểu số được chiến đấu một cách bình đẳng”.

 “Nghị viện không thể là một con dấu”.


Đó từng là phát ngôn nổi tiếng của Samuel Sydney Silverman (1895 - 1968) một thành viên của Nghị viện Anh từ năm 1935 đến năm 1968. Con dấu là một hình ảnh ẩn dụ để chỉ những người/cơ quan được trao quyền lực rộng lớn nhưng lại không có thực quyền. Hình ảnh này bắt nguồn từ thực tế rằng, các ông sếp thường xuyên phải ký tên và đóng dấu vào những giấy tờ mà cấp dưới trình, nhưng họ chỉ việc ký và đóng dấu mà không cần phải liếc qua nội dung. Hình ảnh con dấu vừa ẩn dụ cho sự thiếu thực quyền, vừa là ẩn dụ cho sự tắc trách, qua loa. So sánh với cơ quan lập pháp, Samuel Sydney Silverman đã chỉ ra thực tế rằng, không ít cơ quan lập pháp trên thế giới không có thực quyền và họ gật đầu với bất kỳ văn bản luật nào mà Chính phủ trình lên.
 
“Nghị viện là một hội nghị thảo luận của một quốc gia, với một lợi ích duy nhất, lợi ích của toàn thể quốc gia – nơi mà không một mục đích địa phương, không một thành kiến địa phương nào được phép chi phối, mà chỉ có lợi ích chung, bắt nguồn từ lý trí chung của toàn thể quốc gia”.

Khi bàn về chức năng đại diện của Nghị viện, câu nói trên của Edmund Burke, nhà chính khách kiêm triết gia người Anh đã trở nên nổi tiếng. Theo đó, các nghị sỹ, đặc biệt là các hạ nghị sỹ, có bổn phận đại diện cho lợi ích của toàn quốc gia, nghị viện ban hành các đạo luật liên quan đến các vấn đề của toàn quốc gia chứ không phải là các vấn đề của một địa phương hay của một cá nhân nào đó, thể hiện ý chí chung của toàn thể quốc gia nên không thể bị chi phối bởi lợi ích của một địa phương. Tuy nhiên, bầu xong rồi, có những nghị sỹ lại không thực hiện tốt vai trò đại diện mà cử tri giao phó cho. Chính vì vậy, triết gia, nhà văn người Pháp Jean-Jacques Rousseau từng nhận xét: “Người Anh cứ nghĩ họ tự do. Họ chỉ tự do trong thời gian bầu cử các thành viên nghị viện thôi”.

“Rượu có thể giúp cho nghị viện làm được những điều vào 11 giờ đêm mà không một người tỉnh táo nào chịu làm vào 11 giờ sáng”.
 

Nhà văn người Anh Benard Shaw từng châm biếm như vậy khi nhắc đến một thông lệ ở nghị viện nhiều nước, đó là các nghị sỹ thường họp rất muộn, thậm chí đến tận sáng hôm sau, vì tranh luận mãi mà vẫn chưa ngã ngũ. Chẳng hạn như trong cuốn “Quốc hội Mỹ và các thành viên” đăng tấm ảnh các nghị sỹ đang chuẩn bị giường ngủ tại phòng bên cạnh hội trường vì họp muộn, phải ngủ lại để sáng hôm sau cãi nhau cho xong. Sở dĩ như vậy vì theo thủ tục làm việc ở nghị viện những nước đó, có một nguyên tắc là chỉ kết thúc phiên họp khi các vấn đề đã được ngã ngũ.

“Tất cả đều công bằng trong tình yêu, trong chiến tranh và trong thủ tục của Nghị viện”.

Đó là phát ngôn của Michael Foot, chính trị gia người Anh, đồng thời là cựu Chủ tịch Công đảng. Ông là một trong số ít những người theo chủ nghĩa Công đảng truyền thống, duy trì lực lượng cánh tả những người Xã hội trong Công đảng.

“Trong Viện Dân biểu của chúng ta, những nghị sỹ có tên là John nhiều hơn số nữ nghị sỹ”.

Liên quan đến chức năng đại diện, tỷ lệ nữ nghị sỹ là một trong những vấn đề được quan tâm nhiều. Nước Anh nhiều đời có Nữ hoàng, từng có nữ Thủ tướng nổi tiếng, nhưng chưa bao giờ có nhiều nữ nghị sỹ, đến nỗi một nghị sỹ Anh nói đùa như vậy.

“Nghị viện thế kỷ XXI không có chỗ cho những người mang những danh hiệu từ thế kỷ XV và có những suy nghĩ từ thế kỷ XIX”.

Những thông lệ mang tính truyền thống đặc trưng đã làm nên sự hấp dẫn của cơ quan lập pháp. Nhưng cũng chính những nét bảo thủ trong bốn bức tường cổ kính của tòa nhà nghị viện đã khiến cho một thượng nghị sỹ phát biểu như vậy. Quan điểm này đã nhấn mạnh tư tưởng rằng, mặc dù Nghị viện là một điều gì đó rất truyền thống và lâu đời, nhưng những tư tưởng lập pháp phải luôn luôn mang hơi thở của thời đại.

“Nghị viện có thể làm bất cứ điều gì, trừ việc biến đàn ông thành đàn bà”.


Đó là câu nói phổ biến ở Anh, xứ sở ra đời nghị viện đầu tiên trên thế giới, cũng là nền dân chủ đại nghị lâu đời nhất thế giới. Câu nói này, dù có hơi phóng đại theo lối trào phúng một chút, song đã thể hiện quan niệm nguyên thủy về quyền lực tối cao của nghị viện (sovereignty of the parliament). Với những quốc gia theo chế độ đại nghị như ở Anh, cơ quan lập pháp nắm quyền lực tối cao trong tương quan 3 nhánh quyền lực. 

Nguyễn Đức Lam