Những rào cản “lạ kỳ”

- Thứ Hai, 24/01/2022, 05:50 - Chia sẻ

Tết càng đến gần thì càng nhiều người lo lắng không biết có được về quê ăn Tết hay không, liệu có thêm quy định siết đi lại, khóa cửa để cách ly hay không… Bởi cách làm của các địa phương hiện nay mỗi nơi một kiểu, gây khó khăn cho người dân trong khi tác dụng chống dịch chưa rõ ràng, làm phát sinh chi phí cho cả chính quyền và người dân.

Mặc dù Chính phủ yêu cầu thực hiện thống nhất là người tiêm đủ các mũi vaccine phòng Covid-19 về tự theo dõi sức khỏe tại nhà, chỉ xét nghiệm 1 lần vào ngày đầu tiên; chưa tiêm đủ 2 mũi tự cách ly 7 ngày, sau đó tự theo dõi 7 ngày; chưa tiêm mũi nào thì cách ly ở nhà 14 ngày và xét nghiệm 3 lần... Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, “thực tế thực hiện ở các địa phương mỗi nơi một kiểu, không nơi nào giống nơi nào”. Không cần biết tiêm mấy mũi, về từ vùng nào trở về, vẫn yêu cầu cách ly, xét nghiệm 3 - 4 lần. Nhiều ý kiến tại Phiên họp thứ Bảy của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ cần có chỉ đạo để thực hiện thống nhất.

Kể từ tháng 10.2021, cả nước chuyển trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128 của Chính phủ khi tỉ lệ tiêm chủng đã rất cao và khá đồng đều. Nhưng tại các địa phương vẫn diễn ra tình trạng tự quy định các phương án phòng chống dịch không hợp lý, trái với quy định của Chính phủ. Có nơi yêu cầu người muốn về quê ăn Tết phải về trước 22 ngày, vận động người dân không về quê ăn Tết. Nơi dù người dân đã tiêm 2 mũi vaccine thì cũng phải tự cách ly 14 ngày, ngoài cửa phải treo bảng “Nhà cách ly y tế người từ vùng dịch về”. Lại có nơi, cán bộ thôn tự ý thay khóa cổng của gia chủ bằng khóa của mình, khóa trái lại, không ai có thể ra vào được…

Sự sợ hãi dịch Covid-19 được nhân lên bằng những cách làm những quy định “không giống ai” tại nhiều địa phương, khiến người lao động vốn đã khó khăn về kinh tế, muốn về quê đón Tết lại gặp đủ thứ phiền hà: xét nghiệm, cách ly, người thân cũng phải bị liên lụy bởi nhà có người từ vùng dịch trở về. Với gần 170 triệu liều vaccine đã được tiêm, Việt Nam trong “top 10” thế giới về tỉ lệ tiêm vaccine, người từ 18 tuổi trở lên đều được tiêm chủng đầy đủ, đây chính là điều kiện căn bản nhất để người dân cả nước có thể thực sự bước vào một cuộc sống bình thường mới. Nếu đã tiêm phòng đầy đủ, cách quản lý đơn giản là khai báo y tế, xét nghiệm và tự theo dõi tình trạng sức khỏe. Việc này áp dụng cho bất kỳ ai, bất kể vùng nào, thậm chí từ nước ngoài về cũng vậy.

Sau 2 năm, chúng ta đã có đủ bài học để nhận ra rằng, virus gây ra đại dịch không phân biệt địa giới hành chính và những hàng rào không giúp ngăn chặn virus lây lan. Sống chung với dịch cũng có nghĩa là không thể phong tỏa, đóng cửa như trước. Hiện nay một số nước đã mở cửa cho người Việt Nam tiêm đủ 2 mũi vaccine có thể sang nước họ, thì việc ở trong nước, địa phương này cấm địa phương kia là rất vô lý. Nghị quyết 128 yêu cầu chúng ta thích ứng linh hoạt an toàn hiệu quả, địa phương có thể linh hoạt áp dụng biện pháp phòng dịch cụ thể nhưng không được trái các quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất và việc đi lại của người dân.

Tết đã đến rất gần, những quy định về việc đi lại phải dựa trên cơ sở khoa học và nhất quán của Trung ương chứ không phải tự cấp xã, huyện, tỉnh tuỳ tiện đặt ra. Chỉ cần thực hiện tốt Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng đủ bảo đảm hiệu quả của hoạt động phòng chống dịch, vừa tạo điều kiện cho người dân về quê sum họp và đón mừng năm mới.

Duy Anh