75 năm kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Việt Nam (2.3.1946 - 2.3.2021)

Những thành tựu vĩ đại của một thời kỳ "máu lửa"

- Thứ Tư, 03/03/2021, 07:11 - Chia sẻ

Bài 2: Bộ máy Nhà nước chính thức được thành lập 

Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Việt Nam chỉ diễn ra trong 4 tiếng đồng hồ (từ 9 giờ đến 13 giờ 10 phút ngày 2.3.1946), nhưng Quốc hội đã giải quyết được những công việc quốc gia vô cùng trọng đại, đặc biệt đã thiết lập được bộ máy nhà nước chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; xác định được phương châm kháng chiến trường kỳ, kháng chiến đi đôi với kiến quốc mà Quốc hội và Chính phủ có nhiệm vụ phải tổ chức toàn dân nỗ lực thực hiện với sự gắng sức cao nhất để sớm đi đến thắng lợi.

	Chính phủ Liên hiệp kháng chiến làm lễ ra mắt và tuyên thệ trước Quốc hội tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 2.3.1946. Ảnh tư liệu
Chính phủ Liên hiệp kháng chiến làm lễ ra mắt và tuyên thệ trước Quốc hội tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 2.3.1946.
Ảnh tư liệu

Bầu Ban Thường trực Quốc hội

Quốc hội đã thảo luận sôi nổi việc thành lập Ban Thường trực Quốc hội để thay mặt Quốc hội. Gần 40 ý kiến của các đại biểu đã phát biểu về nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Thường trực (trong đó có ý kiến của các đại biểu Đỗ Đức Dục, Trần Văn Cung, Nguyễn Đăng Long, Ngô Thế Phúc, Lê Tư Lành, Tôn Thất Vỹ, Lê Phi Vân, Nguyễn Tấn Ghi Trọng, Hồ Chí Minh, Đoàn Phú Tứ, Cù Huy Cận, Hoàng Văn Đức, Nguyễn Văn Chi, Nguyễn Trí...). Các ý kiến tập trung vào 2 điểm chính. Một là, giao quyền của Quốc hội cho Ban Thường trực Quốc hội; hai là, định rõ ràng những quyền cụ thể cho Ban Thường trực Quốc hội.

Căn cứ vào tình thế lúc bấy giờ, Quốc hội nhất trí xác định quyền hạn của Ban Thường trực Quốc hội như sau:

 1. Góp ý kiến với Chính phủ; 

2. Phê bình Chính phủ và khi Chính phủ đi ngược lại quyền lợi quốc dân, thì có quyền hiệu triệu quốc dân; 

3. Triệu tập Quốc hội trong những trường hợp sau này: a) khi Chính phủ yêu cầu, b) khi quá nửa số đại biểu yêu cầu, c) khi quá nửa ủy viên thường trực xét thấy cần phải triệu tập; 

4. Khi tuyên chiến hay đình chiến, bắt buộc phải được hỏi ý kiến; 

5. Khi ký hiệp ước với nước ngoài phải triệu tập Quốc hội để chuẩn y(1).

Căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn đã được xác định, Quốc hội đã quyết định bầu Ban Thường trực gồm 15 Ủy viên chính thức và 3 Ủy viên dự khuyết. Trưởng ban là cụ Nguyễn Văn Tố, 2 Phó Trưởng ban là các ông Phạm Văn Đồng và Cung Đình Quỳ. Các Ủy viên chính thức gồm các ông, bà: Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Chi, Dương Văn Dư, Hoàng Văn Đức, Xuân Thủy, Trịnh Quốc Quang, Đàm Quang Thiện, Nguyễn Tấn Ghi Trọng, Nguyễn Tri, Lê Thị Xuyến, Hoàng Minh Giám, Dương Đức Hiền. Các Ủy viên dự khuyết gồm: Nguyễn Văn Luyện, Phạm Bá Trực, Y Ngông Niếkđam.

Sau này Ban Thường trực được bổ sung 4 đại biểu Nam Bộ, gồm: Tôn Đức Thắng và Dương Bạch Mai làm Ủy viên chính thức; Nguyễn Ngọc Bích và Huỳnh Tấn Phát làm Ủy viên dự khuyết.

Thành lập Chính phủ mới

Sau khi Chính phủ lâm thời từ nhiệm, Quốc hội đã thảo luận kỹ càng việc thành lập Chính phủ mới - Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Theo sự đề cử của Chủ tịch kỳ họp Ngô Tử Hạ, Quốc hội đã nhất loạt giơ tay tán thành bầu cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Chính phủ, Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ tịch và giao cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch đứng ra thành lập Chính phủ mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Quốc hội giải lao 15 phút để Người tổ chức Chính phủ. Đúng 10 giờ (2.3.1946) Quốc hội tiếp tục họp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Quốc hội gửi lời chào mừng tới các đại biểu Quốc hội miền Nam đang chiến đấu trên các mặt trận nên vắng mặt, rồi báo cáo việc thành lập Chính phủ. Người nói, “Chính phủ này ra mắt gồm có các đại biểu các đảng phái và các anh em không đảng phái, trước đây đã thương lượng và thỏa thuận với nhau, vì vậy sự tổ chức mới được nhanh chóng như thế”(2). Người trình bày danh sách Chính phủ liên hiệp, giới thiệu tóm tắt một số vị Bộ trưởng; danh sách Cố vấn đoàn và Kháng chiến Ủy viên hội. 

Thành viên Chính phủ liên hiệp kháng chiến gồm:

- Chủ tịch: Hồ Chí Minh;

- Phó Chủ tịch: Nguyễn Hải Thần

- Các Bộ trưởng gồm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Nguyễn Tường Tam; Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Huỳnh Thúc Kháng; Bộ trưởng Bộ Kinh tế: Chu Bá Phượng; Bộ trưởng Bộ Tài chính: Lê Văn Hiến; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Phan Anh; Bộ trưởng Bộ Xã hội kiêm Y tế, Cứu tế và Lao động: Trương Đình Tri; Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Đặng Thai Mai; Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Vũ Đình Hòe; Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính: Trần Đăng Khoa; Bộ trưởng Bộ Canh nông: Bồ Xuân Luật; Cố vấn đoàn do Cố vấn tối cao Vĩnh Thụy đảm nhận; Kháng chiến Ủy viên hội do ông Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch và Vũ Hồng Khanh làm Phó Chủ tịch.

Quốc hội công nhận Chính phủ liên hiệp kháng chiến, Cố vấn đoàn và Kháng chiến Ủy viên hội. Toàn thể đại biểu Quốc hội đứng dậy tiếp nhận lời thề của các cơ quan nhà nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc. Sau đó Thư ký Nguyễn Đình Thi đại diện cho Quốc hội đọc lời chào mừng Chính phủ mới: “Quốc hội Việt Nam xét thấy rằng: Đứng trước tình thế nước nhà đang bị thực dân Pháp xâm lăng, cần phải thống nhất tất cả các lực lượng của toàn thể dân tộc, và cần phải có một cơ quan điều khiển mạnh mẽ để kháng chiến đến đắc thắng, Quốc hội quyết định công nhận Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và trao quyền bính cho chính quyền ấy". 

“Chính phủ liên hiệp kháng chiến có nhiệm vụ thực hiện triệt để sự thống nhất các lực lượng của quốc dân về phương diện quân sự, tuyên truyền cũng như về phương diện hành chính tư pháp, tổng động viên nhân lực và tài sản của quốc gia theo sự nhu cầu của tình thế, để đưa kháng chiến đến thắng lợi và nước nhà đến độc lập hoàn toàn.

Quốc dân sẽ luôn luôn ủng hộ Chính phủ trong công cuộc này.

Chính phủ liên hiệp kháng chiến phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội và toàn thể quốc dân.

Quốc hội thay mặt toàn thể Nhân dân Việt Nam chúc Chính phủ liên hiệp kháng chiến vượt hết mọi trở lực làm tròn nhiệm vụ”(3).

Đoàn đại biểu Nhân dân và các đoàn thể cứu quốc Thủ đô đã đến chào mừng, dâng cờ đỏ sao vàng lên Quốc hội với ước mong, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa “sẽ như một ngôi sao sáng chói lọi và chiếu sáng xuống tận toàn cõi đất nước Việt Nam”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn bế mạc kỳ họp, Người nói: “Bây giờ Quốc hội tạm thời bế mạc để cho tất cả anh em chúng ta đem một không khí đoàn kết, một cái không khí kháng chiến, một cái không khí kiên quyết, một cái không khí nhất định thành công về các địa phương và công tác... Đồng thời chúng ta cũng hứa với nhau rằng: Quốc hội họp lần này là Quốc hội kháng chiến mà Chính phủ cử ra là Chính phủ kháng chiến. Tôi mong rằng Quốc hội họp lần sau sẽ là Quốc hội thắng lợi mà Chính phủ cũng là Chính phủ thắng lợi. Vậy tôi đề nghị hô khẩu hiệu:

- Kháng chiến thắng lợi !

- Kiến quốc thành công !

- Việt Nam độc lập muôn năm !”(4).

Tiếp đó, Quốc hội đã thảo luận một số nhiệm vụ quan trọng, chuẩn bị cho kỳ họp sau.

Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa I dù chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn nhưng Quốc hội đã giải quyết được những công việc quốc gia vô cùng trọng đại: Trước hết là đạt được sự đoàn kết trong đấu tranh, hòa giải nhằm tập trung lực lượng để kháng chiến, kiến quốc. Và đặc biệt quan trọng là đã thiết lập được bộ máy nhà nước chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm Quốc hội, Ban Thường trực Quốc hội và Chính phủ liên hiệp kháng chiến; đã xác định được phương châm kháng chiến trường kỳ, kháng chiến đi đôi với kiến quốc; Quốc hội và Chính phủ có nhiệm vụ tổ chức toàn dân nỗ lực thực hiện với sự gắng sức cao nhất để sớm đi đến thắng lợi.

 ---------------------------------------

(1) Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946 - 1960, NXB Chính trị Quốc gia, HN. 1994, trang 77.

(2), (3), (4) Văn kiện Quốc hội toàn tập, Tập I, NXB Chính trị Quốc gia, HN. 2006, các trang 47, 55, 93-94.

 

TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội