50 năm Quan hệ ngoại giao Thụy Sỹ - Việt Nam (11.10.1971 - 11.10.2021)

Niềm tin và cam kết

- Thứ Hai, 11/10/2021, 05:42 - Chia sẻ
Khi Thụy Sỹ và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 11.10.1971, triển vọng hợp tác giữa hai nước được nâng lên tầm cao mới. Không quá lời khi nói rằng ngay cả những người nhìn xa trông rộng táo bạo nhất khi đó cũng không thể dự đoán được tầm vóc mối quan hệ của chúng ta hiện nay.
Đại sứ Ivo Sieber

Bắt đầu từ rất sớm

Quan hệ Thụy Sỹ - Việt Nam bắt đầu từ rất sớm, vào nửa sau thế kỷ thứ XIX, khi các công ty thương mại Thụy Sỹ như Diethelm và Biedermann đặt cơ sở tại Việt Nam, không chỉ cho quan hệ kinh doanh của họ. Mặc dù phần lớn người Thụy Sỹ sống tại Việt Nam thời điểm đó hoạt động trong lĩnh vực thương mại, kỹ thuật hoặc nông nghiệp, nhưng Việt Nam cũng thu hút khách du lịch và những người ưa phiêu lưu, thích khám phá đến từ Thụy Sỹ.

Hẳn nhiên, người được biết đến nhiều nhất trong số họ là nhà vi khuẩn học gốc Thụy Sỹ Alexandre Yersin. Sự tò mò và nhiệt huyết của ông đã mở ra những lĩnh vực mới về khoa học, chăm sóc sức khỏe và nông nghiệp cho Việt Nam và để lại một di sản rực rỡ vẫn còn lan tỏa đến ngày nay. Đặc biệt, phát hiện của ông về vi khuẩn gây bệnh dịch hạch có tác động lâu dài ở trong và ngoài Việt Nam.

Năm 1954, Thụy Sỹ đã tổ chức Hội nghị Geneva về Đông Dương. Với vị thế trung lập, Thụy Sỹ đã tạo điều kiện cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lần đầu tiên tham gia vào ngoại giao đa phương.

Mốc quan trọng tiếp theo, mà chúng ta cùng kỷ niệm hôm nay, diễn ra 50 năm trước. Năm 1971, Thụy Sỹ trở thành một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Hiệp ước được ký kết vào ngày 11.10.1971 bắt đầu quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước. Đại sứ quán Thụy Sỹ đầu tiên được mở tại khách sạn Metropole ở Hà Nội năm 1973. Tấm biển đặt tại nơi trước kia là đại sứ quán chính là bằng chứng nhận cho điều đó. Lời kể của các đồng nghiệp cũ gợi lại những thách thức khi phải điều hành một phái đoàn ngoại giao vào thời điểm Việt Nam vẫn trong chiến tranh.

Trong căn phòng Đại sứ quán đầu tiên của Thụy Sỹ tại Việt Nam (1973 - 1976)
Nguồn: Khách sạn Metropole tại Hà Nội

Không ngừng mở rộng và tăng cường

Sau năm 1975, một số công ty Thụy Sỹ thành công như Nestlé và Ciba-Geigy, các công ty thương mại quốc tế, Liên đoàn Công nghiệp Đồng hồ Thụy Sỹ và Hiệp hội các nhà sản xuất máy móc Thụy Sỹ duy trì sự hiện diện tại Việt Nam, cùng với các hoạt động ngoại giao và nhân đạo.

Cam kết và niềm tin vững chắc vào Việt Nam tạo cơ sở cho quan hệ song phương mở rộng và tăng cường. Cải cách kinh tế và sự hội nhập nhanh chóng của Việt Nam vào kinh tế thế giới từ năm 2000 đã tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc tăng cường quan hệ giữa Thụy Sỹ và Việt Nam, dẫn đến khai trương Tổng Lãnh sự quán Thụy Sỹ tại TP. Hồ Chí Minh năm 2015.

Về phía Việt Nam, Việt Nam đã khánh thành Lãnh sự quán tại Geneva năm 1984 và nâng cấp lên thành Tổng Lãnh sự quán và Phái bộ Liên Hợp Quốc 10 năm sau đó. Năm 2000, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Bern. Sự hiện diện ngoại giao này được mở rộng vào năm nay với lãnh sự danh dự tại Zurich và Zug.

Các chuyến thăm cấp cao ở cả hai phía, bao gồm các chuyến thăm trong năm kỷ niệm này, là một nét đặc biệt khác trong quan hệ hợp tác kéo dài nhiều thập kỷ qua của hai nước.

Tấm biển Đại sứ quán đầu tiên của Thụy Sỹ tại Việt Nam (1973 - 1976)

Cùng có lợi và thành công

50 năm qua, mối quan hệ giữa Thụy Sỹ và Việt Nam đã phát triển, mở rộng và sâu đậm hơn. Hợp tác ban đầu tập trung vào viện trợ nhân đạo và hỗ trợ phát triển. Trong ba thập kỷ qua, Chính phủ Thụy Sỹ đã cung cấp hơn 600 triệu franc (15 nghìn tỷ đồng) để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ (SDC) đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1991 và 4 năm sau có thêm Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO). Trong khi hoạt động của SDC kết thúc năm 2016 thì chương trình của SECO được đẩy mạnh, với chương trình hợp tác mới nhất kéo dài 4 năm (2021 - 2024) được khởi động trong chuyến thăm chính thức đến Hà Nội của Phó Tổng thống Thụy Sỹ Ignazio Cassis.

Hiện nay, hợp tác của các công ty tư nhân đến từ hai quốc gia đóng vai trò chủ đạo và là động lực chính cho phát triển kinh tế. Việt Nam cũng được hưởng lợi từ thặng dư thương mại hàng năm trên 2 tỷ franc (50 nghìn tỷ đồng). Với hơn 100 công ty Thụy Sỹ đang hoạt động tại Việt Nam và tạo ra 20.000 việc làm ở đây, đầu tư trực tiếp của Thụy Sỹ vào Việt Nam hiện đạt khoảng 2 tỷ franc (50 nghìn tỷ đồng). Tiềm năng cho Thụy Sỹ đầu tư thêm vào Việt Nam là rất lớn vì Thụy Sỹ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 của ASEAN nhưng cho đến nay chỉ đứng thứ 19 tại Việt Nam.

Với triển vọng tích cực này, cả Việt Nam và Thụy Sỹ - cùng với các đối tác trong Khối Thương mại tự do châu Âu (EFTA) - đang nỗ lực gấp đôi để ký kết một hiệp định thương mại tự do tiến bộ, góp phần thúc đẩy lợi ích cho cả hai bên. Cuộc gặp giữa Chủ tịch Nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Thụy Sỹ Guy Parmelin bên lề kỳ họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76 vào tháng trước đã nhấn mạnh cam kết này.

Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao là thời khắc quan trọng. Những thành tựu mà Việt Nam và Thụy Sỹ đã đạt được trong nửa thế kỷ qua nhấn mạnh sức mạnh của mối quan hệ đối tác này cũng như niềm tin và cam kết cho tương lai. Lễ khánh thành “Phòng Hội thảo Geneva” do Chính phủ Thụy Sỹ thiết kế và dành tặng Học viện Ngoại giao Việt Nam không chỉ là biểu tượng trong kỷ niệm quan hệ ngoại giao vào năm nay mà còn là một lời hứa cho tương lai. Lịch sử giữa hai nước chúng ta ngày càng tốt đẹp, và tôi tin rằng quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Sỹ trong 50 năm tới sẽ tiếp tục lớn mạnh, đôi bên cùng có lợi và thành công.

______

* Tít bài và tít xen do Đại biểu Nhân dân đặt

Ivo Sieber - Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam