Niềm tin vào khoa học

- Chủ Nhật, 04/07/2021, 06:02 - Chia sẻ
Từ những năm 1880, Henri Frederic Amiel - nhà phê bình và triết gia người Thụy Sỹ đã chỉ ra “Xã hội tồn tại nhờ niềm tin và phát triển nhờ khoa học”. Đến nay, trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 bùng nổ mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng với thế giới và những hiểm họa từ thiên tai, dịch bệnh thì sự khẳng định trên càng trở nên đúng đắn và vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Để có một nền khoa học phục vụ cho phát triển, cần một đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học. Đây cũng là hướng đi của ngành giáo dục nghề nghiệp khi thực hiện sứ mệnh: Đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước!

Nhiều bất cập…

Nghiên cứu khoa học (NCKH) không chỉ là yêu cầu bắt buộc đối với hoạt động giảng dạy các thầy cô giáo, là nhiệm vụ song hành của học sinh, sinh viên mà quan trọng hơn đó là yếu tố khẳng định vị thế, nâng cao năng lực của cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và là cơ hội giúp học sinh trường nghề hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo của mình… Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ sở GDNN lâu nay chưa thực sự được nhiều trường quan tâm cho dù Đảng, Nhà nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích hoạt động này phát triển.

Khoa học luôn bắt đầu từ thực tiễn
Khoa học luôn bắt đầu từ thực tiễn
Ảnh: Đức Kiên

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Phạm Vũ Quốc Bình cho biết, hiện nay, nhiều thầy cô vẫn còn tâm lý ngại nghiên cứu. Hàng năm, mới chỉ có 4.500/66.000 nhà giáo GDNN tham gia NCKH. Các nội dung nghiên cứu chưa bám sát và chưa đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong nhà trường, dẫn đến lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức. Đồng quan điểm này, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh cho rằng, số lượng công trình NCKH so với tổng thể các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố còn khiêm tốn. Việc nghiên cứu còn mang tính thụ động, chưa có sự đam mê tìm tòi, sáng tạo.

Về khách quan, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh thêm, hiện tại nguồn kinh phí dành cho NCKH chưa nhiều và việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu cần triển khai theo cơ chế đặt hàng, nhất là đối với các nhóm ngành và các trường trọng điểm để thúc đẩy, thu hút các cơ sở GDNN và giảng viên tham gia. Bên cạnh đó, cơ chế tài chính, thanh toán rất bất cập. Chẳng hạn, muốn thanh toán được tiền chi cho việc phát phiếu lấy mẫu (một yêu cầu trong hoạt động NCKH) thì nhà nghiên cứu phải có hóa đơn đỏ mới có thể thanh toán. Song, thực tế, hoạt động này đâu phải mua bán, làm sao xuất được hóa đơn.

Ngoài ra, đại diện Trường Cao đẳng Công nghiệp Thừa Thiên Huế cho rằng, hoạt động NCKH trong các cơ sở GDNN còn nhỏ lẻ, chưa có tính liên kết; nguồn lực thực hiện ít ỏi. Việc thương mại hóa sản phẩm rất khó khăn, khó có thể xây dựng các doanh nghiệp KHCN trong các cơ sở GDNN. Đặc biệt, so với đại học, thời lượng giảng dạy của các giảng viên GDNN tăng gần gấp đôi, nên khó có thời gian dành cho nghiên cứu…

... Nhưng cũng nhiều cơ hội
Đồng tình với nhận định việc NCKH trong các cơ sở GDNN còn nhiều bất cập, nhưng TS. Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cũng cho rằng, có rất nhiều cơ hội và thuận lợi để GDNN phát triển việc NCKH.

Bắt đầu từ vĩ mô, chúng ta có Nghị quyết 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã được Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI) thông qua. Gần đây nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng XIII với chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu chuyển giao ứng dụng… Cùng với đó là đội ngũ thầy cô giáo dày dặn kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm trong thực hành kỹ năng; có sự thuận lợi từ chủ trương coi trọng phát triển khoa học công nghệ của mỗi tỉnh, thành phố, có lực lượng học trò hùng hậu để hiện thực hóa các ý tưởng khoa học…

“Điều quan trọng là lãnh đạo nhà trường có thực sự quan tâm và quyết tâm nghiên cứu hay không? Để từ đó sẽ đề ra được lộ trình, đối tác liên kết…” - TS. Phạm Xuân Khánh nói.

Chia sẻ thêm về các điều kiện thuận lợi để phát triển hoạt động NCKH, Vụ trưởng Vụ Học sinh, sinh viên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) Trần Minh Huyền, cho biết, Tổng cục có rất nhiều hoạt động khuyến khích cũng như cơ chế để giúp các trường tham gia NCKH. Đơn cử, hàng năm, Tổng cục tổ chức lễ tuyên dương học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu (một trong những tiêu chí xét chọn là có đề tài nghiên cứu khoa học đoạt giải; hoặc có những sản phẩm sáng tạo được cấp bằng sáng chế, cấp giấy phép xuất bản…).

Thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Quyết định số 1665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, thời gian qua, Tổng cục đã triển khai các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp tạo môi trường cho các nhà giáo, học sinh, sinh viên nghiên cứu hình thành các ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bằng chính ngành nghề đã học. Startup Kite 2021 (do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc từ nguồn của Chính phủ Nhật Bản) là một ví dụ.

Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Trần Minh Huyền, những hoạt động trên chỉ là bước đầu tạo môi trường để các cơ sở GDNN nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Về lâu dài, hàng năm, các cơ sở GDNN có kế hoạch triển khai công tác NCKH, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, học sinh sinh viên; lồng ghép các chương trình, huy động nguồn lực dành cho công tác này, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Thời gian tới, cần nâng cao nhận thức cho lãnh đạo địa phương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các cơ sở GDNN về vai trò, tầm quan trọng của NCKH. Các sở Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giúp các trường bảo vệ trước UBND tỉnh, thành phố các đề án NCKH; việc NCKH phải phục vụ cho giảng dạy, phải ứng dụng được trong cuộc sống, doanh nghiệp; sẽ tổ chức các lớp nâng cao trình độ NCKH cho các thầy cô; có công bố đề tài khoa học một cách nghiêm túc để các cơ sở GDNN khác trong hệ thống cùng tham khảo, học tập; vận dụng và khai thác triệt để các cơ chế, chính sách phục vụ cho NCKH; đồng thời, có cơ chế tôn vinh, khen thưởng xứng đáng với các nhà NCKH có công trình chất lượng…

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Phạm Vũ Quốc Bình

 

Thái Bình