Ninh Bình quyết tâm trở thành điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư

- Thứ Bảy, 08/01/2022, 07:05 - Chia sẻ
Những năm gần đây, công tác thu hút đầu tư của tỉnh Ninh Bình đã có những bước chuyển mình rõ nét. Các nguồn lực đầu tư đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bước sang giai đoạn mới, Ninh Bình cũng như cả nước đang đứng trước “làn sóng” đầu tư mới, nhất là từ nguồn vốn nước ngoài. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã chuẩn bị mọi điều kiện để kiến tạo động lực và không gian phát triển, bảo đảm môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư chiến lược.

Nhiều khởi sắc

Hai năm đối mặt với đại dịch Covid-19 (2020 - 2021), tỉnh Ninh Bình xác định rõ phải hoàn thành "mục tiêu kép" theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Trên cơ sở đó, những chỉ đạo, điều hành của tỉnh trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội rất quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, tỉnh tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Theo đó, tỉnh đã tập trung rà soát, cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính gắn với tăng cường công khai, minh bạch trong giải quyết các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đầu tư; tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, phù hợp với xu thế mới, có khả năng cạnh tranh với những cơ chế, chính sách thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Nhất là thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực mạnh, gắn với thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá nhằm cải thiện và nâng thứ hạng về chỉ số PCI.

	Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh kiểm tra, động viên sản xuất tại Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng chất lượng cao CFG Ninh Bình
Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh kiểm tra, động viên sản xuất tại Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng chất lượng cao CFG Ninh Bình
Ảnh: Trần Tâm

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Thị Thúy Ngần chia sẻ: Trên cơ sở kết quả chỉ số PCI năm 2020, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành nghiêm túc tự rà soát, đánh giá, chỉ rõ những tồn tại, yếu kém và nguyên nhân dẫn đến chỉ số PCI của tỉnh luôn biến động và có xu hướng giảm. Đồng thời, tổ chức thành công hội nghị đối thoại để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Tỉnh cũng tích cực đổi mới, đa dạng hóa các nội dung, hoạt động nhằm nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ; tăng cường các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo mặt bằng triển khai dự án.

Vì vậy, năm 2021, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 song toàn tỉnh đã có 221 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc hoạt động trở lại (tăng 37 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc so với cùng kỳ); đăng ký thành lập mới đạt 787 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc với tổng vốn đăng ký trên 11.161,5 tỷ đồng (tăng 57,5% so với cùng kỳ năm 2020). Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp trên địa bàn ngày một ổn định và phát triển, đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trung bình hàng năm, các doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp trên 15.000 tỷ đồng; đóng góp vào ngân sách nhà nước từ 3.000 - 11.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho gần 40.000 lao động địa phương. 

Từ "tỉnh có" sang "nhà đầu tư cần"

Có thể khẳng định, những năm gần đây, công tác thu hút đầu tư của tỉnh Ninh Bình đã có những bước chuyển mình rõ nét. Các nguồn lực đầu tư đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bước sang giai đoạn mới, Ninh Bình cũng như cả nước đang đứng trước “làn sóng” đầu tư mới, nhất là từ nguồn vốn nước ngoài. Chính vì thế, tỉnh đã và đang tập trung chuẩn bị mọi điều kiện để kiến tạo động lực và không gian phát triển, bảo đảm môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư chiến lược.

Trong nhiều cuộc họp bàn về công tác thu hút đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh: Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư, đặc biệt là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nắm bắt cơ hội này, tỉnh Ninh Bình đã và đang xây dựng hàng loạt chính sách thể hiện tầm nhìn chiến lược phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới để đón làn sóng đầu tư, tạo sức bật mới cho nền kinh tế. Trong đó, xác định lựa chọn các ngành nghề, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng cao, kiên quyết không thu hút đầu tư bằng mọi giá.

Để công tác thu hút đầu tư tiếp tục đạt kết quả cao trong những năm tiếp theo, tỉnh Ninh Bình đang tập trung thực hiện lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở hoạch định, kiến tạo động lực và không gian phát triển; xây dựng các cơ chế, chính sách quản lý và điều hành phát triển kinh tế - xã hội để tạo bước đột phá mới, đồng bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh về quy hoạch, kế hoạch và đầu tư. Nhất là trong định hướng, thu hút và dẫn dắt các nguồn lực đầu tư phát triển của khu vực ngoài ngân sách Nhà nước đầu tư vào những ngành, lĩnh vực trọng điểm, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Yếu tố quan trọng nhất trong công tác thu hút đầu tư được tỉnh chú trọng trong những năm tiếp theo đó là đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, tập trung thu hút các dự án quy mô lớn, nộp ngân sách cao và có sức lan tỏa, hiệu quả trong hội nhập kinh tế quốc tế, tạo sức bật trong tăng trưởng kinh tế. Chuyển hình thức mời gọi đầu tư từ “tỉnh có” sang “nhà đầu tư cần” và tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trong xúc tiến đầu tư. Cùng với đó, duy trì và phát triển có chiều sâu các mối quan hệ quốc tế đã thiết lập và mở rộng quan hệ đối ngoại với một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu để vận động, thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc chia sẻ.

Trần Tâm