Giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020

Nỗ lực đưa chính sách vào cuộc sống

- Thứ Năm, 09/09/2021, 06:50 - Chia sẻ
Thực hiện Chương trình giám sát năm 2021, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Lai Châu đã giám sát kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Qua giám sát thực tế và nghiên cứu báo cáo tại các huyện cho thấy, ngoài những kết quả tích cực, việc thực hiện một số chính sách vẫn nhiều vướng mắc nên chưa thực sự đến được với người dân, doanh nghiệp.
Phiên họp thông qua kết quả giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 của HĐND tỉnh Lai Châu Ảnh: Tường Vy
Phiên họp thông qua kết quả giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 của HĐND tỉnh Lai Châu
Ảnh: Tường Vy

Vướng mắc ở cơ sở

Giai đoạn 2016 - 2020, HĐND tỉnh đã ban hành 8 nghị quyết về chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Kết quả giám sát của HĐND tỉnh vừa qua cho thấy, sau 4 năm triển khai, các chính sách hỗ trợ đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến rõ nét trong lĩnh vực tam nông. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp, khu chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, điển hình là vùng sản xuất gạo 3.492ha và các cơ sở chăn nuôi lợn quy mô 2.000 - 3.000 con. Người dân cũng thay đổi phương thức canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiếp cận được với các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Đến nay, Lai Châu đã xây dựng được 47 sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu, một số sản phẩm chè được xuất khẩu sang thị trường quốc tế. Nhiều nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Dù vậy, việc thực hiện một số nghị quyết còn chậm khiến các chính sách chưa đến được với người dân, doanh nghiệp. Thậm chí, có những nghị quyết gần như chưa thực hiện được, điển hình là Nghị quyết số 12 về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Nghị quyết số 13 về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 31 doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, trong đó, giai đoạn 2016 - 2020 có 19 doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký mới đầu tư vào nông nghiệp. UBND tỉnh mới chỉ phê duyệt Kế hoạch liên kết trồng - tiêu thụ quả chanh leo trên địa bàn huyện Tân Uyên, Tam Đường với quy mô 150ha và Dự án liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ cây Actiso tại huyện Sìn Hồ với quy mô 50ha.

Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách Nguyễn Xuân Thức, kết quả thực hiện các nghị quyết còn hạn chế do những vướng mắc từ cơ sở. Cụ thể, các phòng, ban chuyên môn cấp huyện chưa hiểu sâu, hiểu kỹ các quy định trong nghị quyết cũng như trong các văn bản hướng dẫn. Tình trạng chồng chéo hoặc chưa phân định rõ về chức năng nhiệm vụ vẫn diễn ra. Do đó, việc thực hiện chính sách tích tụ đất đai, thỏa thuận mức giá thuê đất và hướng dẫn các hộ dân thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, góp đất vào liên kết còn lúng túng. Bên cạnh đó, việc phê duyệt các dự án liên kết hiện nay vẫn do UBND tỉnh thực hiện, chưa phân cấp cho các ngành và địa phương nên trình tự, thủ tục đầu tư gặp rất nhiều khó khăn. “Dù gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện nhưng rất nhiều cán bộ ở cơ sở không phản ánh, trao đổi ngay với các sở, ngành chuyên môn nên việc triển khai đã khó lại càng thêm khó”, ông Thức nhấn mạnh.

Tăng cường tuyên truyền, phối hợp

Qua giám sát, HĐND tỉnh đã chỉ rõ nguyên nhân khiến một số chính sách về nông nghiệp chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa hiệu quả là do công tác tuyên truyền của cấp xã đến các thôn, bản chưa cụ thể dẫn đến lúng túng trong triển khai. Bên cạnh đó, sự phối hợp, trao đổi giữa các sở ngành và địa phương chưa thường xuyên, liên tục dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc chậm được tháo gỡ. Chưa kể, công tác quy hoạch, xác định vùng sản xuất chưa phù hợp với từng loại cây trồng, vật nuôi, một số nơi còn dàn trải. Việc thực hiện kế hoạch hằng năm của một số chính sách đạt thấp, kết dư ngân sách chiếm tỷ lệ cao.

Theo đó, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tăng cường tuyên truyền chính sách đến từng xã, thôn, bản để người dân, doanh nghiệp nắm rõ chủ trương, chính sách của tỉnh. Việc phối hợp, trao đổi giữa các sở, ngành và các địa phương phải được thực hiện thường xuyên nhằm kịp thời tháo giỡ những khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, cần phân cấp cho UBND cấp huyện phê duyệt hỗ trợ liên kết trên địa bàn theo quy mô vốn đầu tư và địa bàn thực hiện liên kết theo quy định tại mục 3, Điều 17 Nghị định số 98/2018/NĐ-CP. Đồng thời, xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp hằng năm phù hợp với thực tế tại địa phương, hạn chế việc kết dư ngân sách.

Trong năm 2021, tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục triển khai Chương trình trọng điểm phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung. Do đó, vấn đề về thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đã được HĐND tỉnh đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Khóa XV vừa qua. Trên cơ sở kết quả giám sát của HĐND tỉnh và thảo luận của các đại biểu tại kỳ họp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đặng Văn Châu cho biết, ngành nông nghiệp đang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp; tăng cường tuyên truyền và tập huấn chính sách ở cơ sở; vận động thành lập Hội Nông sản tỉnh Lai Châu là đại diện tổ chức kinh tế của ngành nông nghiệp làm căn cứ triển khai nhiều dự án, chương trình; phối hợp với các ngành, địa phương rà soát quỹ đất trống, đất có hiệu quả kinh tế thấp để bố trí phương án quy hoạch sản xuất.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đề nghị các địa phương nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo và các tổ tư vấn về việc phối hợp giữa các phòng, ban nhằm giải quyết các vấn đề đất đai của người dân và khúc mắc trong quá trình thực hiện để các chính sách sớm đi vào cuộc sống.

Đào Cảnh