Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021

Nỗ lực duy trì chất lượng dạy và học

- Thứ Ba, 27/07/2021, 06:05 - Chia sẻ
Ngày 26.7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) đã chính thức công bố điểm thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021. Nhiều chuyên gia đánh giá, sự ổn định của phổ điểm các môn thi, bài thi thể hiện nỗ lực duy trì chất lượng dạy và học trong điều kiện dịch bệnh khó khăn.

Sự phân hóa rõ rệt

Nhiều chuyên gia khẳng định, Kỳ thi tốt nghiệp THPT hai năm vừa qua dần thể hiện rõ định hướng mục tiêu của kỳ thi đúng như tên gọi. Bởi vậy các trường đại học cần chủ động, tích cực hơn trong việc tuyển sinh của mình nếu muốn chất lượng tuyển đầu vào cao hơn. Một giải pháp là xem xét dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực như của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội... 

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài hơn 1 năm qua khiến học sinh lớp 12 phải nhiều lần tạm dừng đến trường, đặc biệt, giai đoạn chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT thì dịch bệnh bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố gây khó khăn cho công tác tổ chức cũng như ảnh hưởng tâm lý thí sinh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, công tác tổ chức thi, chấm thi, công bố điểm thi tốt nghiệp THPT đợt 1 đã hoàn thành.

Đánh giá điểm thi của thí sinh tham gia thi đợt 1 kỳ thi năm nay, thầy Lê Đình Hiển, Trường TH, THCS, THPT Đông Bắc Ga (Khu đô thị Đông Bắc Ga, TP. Thanh Hóa) nhận định, các số liệu thống kê năm nay không có thay đổi nhiều so với năm trước, kể cả sự lệch điểm trung bình môn học và điểm trung bình ở mỗi môn thi nhiều hay ít của mỗi địa phương. Đề thi đã bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng và đã có tính thực tế với hoàn cảnh dạy - học trong giai đoạn chống dịch phức tạp.

Môn Lịch sử mặc dù năm nay phổ điểm lệch sang phải nhiều hơn, tức là điểm cao nhiều hơn năm trước, nhưng số điểm dưới trung bình lại nhiều hơn. “Về con số 52,3% số thí sinh dự thi có điểm Lịch sử dưới trung bình và chỉ có 226 bạn đạt điểm 10, tôi nghĩ điều đó không bất ngờ, và nó phản ánh chính xác thực chất quá trình dạy và học môn Lịch sử ở trường phổ thông hiện nay. Điểm dưới trung bình chủ yếu rơi vào môn xét tốt nghiệp và không nằm trong tổ hợp xét tuyển. Như vậy, đề thi môn Lịch sử năm nay hoàn thành khá tốt nhiệm vụ phân hóa học sinh, đừng thấy phổ điểm thấp và đội sổ mà buồn”, thầy Lê Đình Hiển nêu quan điểm.

Điểm đặc biệt trong phổ điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm nay thuộc về môn tiếng Anh với 2 đỉnh trong cùng một phổ điểm. Đỉnh thứ nhất với khoảng điểm 4 - 5, đỉnh thứ 2 là khoảng điểm 7 - 8. TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH FPT bình luận, kết quả này khá trùng lặp với phổ điểm thi tiếng Anh lớp 10 của Hà Nội vừa qua với một đỉnh dành cho số đông và một đỉnh cho đối tượng đầu tư tiếng Anh nhiều. Do đó, phổ điểm thể hiện sự phân hóa rõ rệt về điều kiện dạy học, cũng như cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên, sự quan tâm đầu tư của phụ huynh và học sinh với môn học.

Xét tổng quan phổ điểm các môn thi năm nay đã đáp ứng mục tiêu quan trọng nhất của kỳ thi là xét công nhận tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, với việc xuất hiện “mưa” điểm 10 bất thường môn tiếng Anh (4.300 bài thi) và “bão” điểm 10 môn Giáo dục công dân (18.680 bài thi), các chuyên gia cũng cho rằng, Bộ GD - ĐT nên nghiên cứu nguyên nhân một cách khoa học và rút kinh nghiệm về độ phân hóa trong đề thi của 2 môn học này.

Một tiết ôn thi tốt nghiệp của học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Bội Châu (TP Pleiku)
Ảnh: Mộc Trà

Điểm xét tuyển đại học có thể tăng nhẹ

Theo thống kê của Bộ GD - ĐT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có gần 1 triệu thí sinh dự thi, trong đó, gần 759.000 thí sinh vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học. Chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm 55% và xét tuyển bằng hình thức khác chiếm 45%. Như vậy, điểm chuẩn xét tuyển bằng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được nhiều thí sinh quan tâm.

Dựa trên phổ điểm tổ hợp của một số khối truyền thống A, A1, D, B, C cho thấy: Tổ hợp xét tuyển Toán - Lý - Hóa (khối A) có điểm tập trung từ 21 - 25 điểm, những điểm từ 26 trở lên ít hơn, như vậy, điểm chuẩn khối này có thể cao hơn năm trước. Điểm chuẩn Toán - Anh - Văn (khối D) tập trung ở 16 - 25 điểm, 30 em trên 29 điểm, có thể điểm chuẩn cao hơn. Tổ hợp Toán - Lý - Anh (A1) tập trung ở 19 - 26 điểm, dẫn đến ngành nào tuyển cả 2 khối A và A1 thì học sinh dễ dùng điểm khối A1 để xét tuyển. Tổ hợp xét tuyển Toán - Hóa - Sinh (khối B) dải điểm cao từ 18 - 24 điểm, do đó điểm chuẩn có khả năng tập trung nhiều ở 21 - 22 điểm. Tổ hợp Văn - Sử - Địa (Khối C) tập trung nhiều từ 17 - 20 điểm, những điểm cao hơn có ít học sinh hơn.

Theo thầy Lê Đình Hiển, phổ điểm năm nay có thể thấp hơn năm ngoái một chút, nhưng điểm chuẩn xét tuyển đại học sẽ không giảm, thậm chí tăng nhẹ. Do vậy, thầy Hiển cho rằng, với ngưỡng điểm an toàn, hơn năm ngoái 0,5 điểm thì học sinh nên giữ nguyên nguyện vọng. “Thí sinh nên tham khảo kỹ điểm chuẩn năm ngoái để có quyết định chính xác; đồng thời, thận trọng khi chọn trường nộp điểm xét tuyển, lưu ý các chỉ tiêu đã xét bằng hình thức khác. Tránh tình trạng như năm trước, một số em thấy điểm tổ hợp xét tuyển của mình cao nhưng vẫn không đạt chuẩn vào trường mà mình chọn” - thầy Hiển lưu ý.

Theo kế hoạch trong hướng dẫn của Bộ GD - ĐT, sau khi công bố điểm, các Sở GD - ĐT sẽ tiến hành xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh chậm nhất vào ngày 28.7, công bố kết quả tốt nghiệp chậm nhất ngày 30.7. Với những thí sinh dùng kết quả này để xét tuyển đại học, cần lưu ý theo dõi sát thông báo mới của các trường ĐH, CĐ về việc xác nhận nhập học bằng các phương thức khác. Bên cạnh đó, lưu ý khả năng các trường đại học điều chỉnh phương thức tuyển sinh cho phù hợp với tình hình mới.

Khải Minh