Phú Thọ

Nỗ lực duy trì đà tăng trưởng

- Thứ Năm, 20/01/2022, 06:16 - Chia sẻ
Năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, song, với sự hỗ trợ, động viên kịp thời của tỉnh Phú Thọ, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tỉnh đã duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, bảo đảm kết quả khả quan, thu hút được tổng lượng vốn đầu tư cao nhất từ trước đến nay, đưa Phú Thọ đứng thứ 2 trong các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc.

Nỗ lực thích ứng với tình hình mới

Trong điều kiện bị tác động của đại dịch Covid-19 kéo dài, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao so với đầu năm, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp; một số ngành, sản phẩm chủ lực bị tác động đứt gãy chuỗi cung ứng, bị hủy đơn hàng, lượng hàng tồn kho tăng... ngay từ cuối năm 2020, tranh thủ đà phục hồi của thị trường, các doanh nghiệp trong tỉnh đã cố gắng, nêu cao tinh thần vượt khó, nỗ lực thích ứng với tình hình mới để duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định lực lượng lao động. 

Công ty TNHH Sơn Hà Phú Thọ ở cụm công nghiệp Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy

Đồng thời, triển khai nhiều sáng kiến khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh như tổ chức sản xuất, sinh hoạt tại chỗ, cố gắng đáp ứng thời hạn đơn hàng, chủ động cắt giảm chi phí sản xuất. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án, bổ sung năng lực mới tăng thêm của các doanh nghiệp FDI để bù đắp tình trạng sụt giảm ngành hàng, sản phẩm chủ lực trong nước. Nhờ đó, quy mô sản xuất công nghiệp năm 2021 cơ bản được giữ vững, duy trì đà tăng trưởng. 

Theo ông Nguyễn Thành Đông, Trưởng phòng Nhân sự, Công ty TNHH Kaps Tex Vina, để ổn định và phát triển trong bối cảnh dịch bệnh, công ty đã linh hoạt trong điều hành trong tổ chức sản xuất, yêu cầu 100% người lao động thực hiện tốt quy định 5K, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm sản xuất kinh doanh phù hợp, đúng tiến độ đề ra, nhờ đó sản lượng sản xuất năm 2021 đạt 16.000/12.000 tấn, vượt kế hoạch đã đề ra.

Phó Giám đốc Sở Công thương Phú Thọ Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ, tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ra mắt kênh trao đổi thông tin “Phú Thọ với doanh nghiệp” trên ứng dụng Zalo. Nhờ đó, tình trạng ách tắc trong vận chuyển hàng hóa được quan tâm tháo gỡ. Đồng thời, tỉnh cũng đã có những chính sách hỗ trợ giải quyết thủ tục thông quan cho doanh nghiệp, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 76 doanh nghiệp, tạo điều kiện giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nỗ lực phát triển sản xuất trong tình hình mới.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ, năm 2021, tỉnh đã thu hút được 11 dự án đầu tư mới. Trong đó, 5 dự án đầu tư trong nước, với số vốn đầu tư đăng ký là 6.307 tỷ đồng; 6 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài số vốn đầu tư đăng ký là 413,6 triệu USD và 5 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư, với số vốn đầu tư đăng ký tăng thêm là 33,5 triệu USD. Mặc dù dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, nhưng công tác xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ năm 2021 đã thu hút được tổng lượng vốn đầu tư cao nhất từ trước đến nay, đưa Phú Thọ đứng thứ 2 trong các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc.

Điểm sáng thu hút đầu tư

Năm 2021, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có mức doanh thu ước đạt 47.450 tỷ đồng, bằng 109% so với năm 2020, đạt 95% kế hoạch năm; nộp ngân sách tỉnh ước đạt trên 1.000 tỷ đồng, bằng 83% kế hoạch năm. Giá trị xuất khẩu ước đạt trên 6 tỷ USD, tăng 60% so với năm 2020, bằng 150% kế hoạch năm; giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho trên 48.000 lao động, tăng 6,7% so với năm 2020, đạt 100% kế hoạch năm, thu nhập bình quân là 7,2 triệu đồng/người/tháng.

Để có được kết quả trên là do môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng được cải thiện rõ rệt; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nguồn nhân lực có chất lượng ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu của nhà đầu tư; lợi thế cạnh tranh về thu hút đầu tư của tỉnh và niềm tin của nhà đầu tư đối với tỉnh được nâng cao. Đặc biệt, hạ tầng kỹ thuật của các Khu Công nghiệp Phú Hà, Cẩm Khê đang ngày càng được hoàn thiện, có đủ quỹ đất sạch đáp ứng nhu cầu thuê đất của nhà đầu tư.

Dự báo trong năm 2022, dịch Covid-19 vẫn còn những diễn biến phức tạp, tác động đến hoạt động sản xuất công nghiệp. Nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành công thương sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đồng thời, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội doanh nhân trẻ, Hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài của tỉnh theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Mặt khác, tăng cường hợp tác, mở rộng liên kết với các tỉnh trong vùng trung du, miền núi Bắc Bộ, chú trọng cung cấp thông tin về thu hút đầu tư; xúc tiến thương mại, xuất, nhập khẩu hàng hóa; tuyên truyền sâu rộng về cơ hội và thách thức từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Liên kết, trao đổi thông tin với các địa phương trong nước, tạo cơ chế phối hợp trong công tác quản lý phát triển ngành, lĩnh vực.

Phan Phương