Nỗ lực kéo khán giả trở lại sân khấu kịch nói

- Thứ Bảy, 23/10/2021, 14:50 - Chia sẻ
Tại hội thảo “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam - Những vấn đề đặt ra, định hướng và phát triển” sáng 23.10, các nhà nghiên cứu thừa nhận, sân khấu đang đứng trước rất nhiều khó khăn, nhất là khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Riêng với sân khấu kịch nói, đa phần nhà hát hoặc đoàn kịch đều phải nỗ lực khi cơ chế bao cấp đang dần được xóa bỏ.
Cảnh trong vở "Chén thuốc độc" được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cùng các nhà hát dàn dựng kỷ niệm 100 năm sân khấu Việt Nam
Ảnh: NHKVH

“Bi kịch trắng khán giả”

Mặc dù vẫn còn nhiều đạo diễn, tác giả, nghệ sĩ… tâm huyết với kịch nói nhưng trong bối cảnh xã hội hiện tại, kéo khán giả đến với kịch nói là điều không dễ dàng. Việc thiếu vắng nhiều vở kịch chất lượng, đáp ứng thị hiếu khán giả và bám sát thời đại cũng khiến cho sân khấu không còn thế đứng vững chắc như trước.

Đạo diễn, NSND Trần Minh Ngọc chia sẻ: "Trước dấu mốc lịch sử 100 tuổi, nhìn lại chặng đường đã qua, tôi tự hào vì kịch nói Việt Nam đã có những giai đoạn cực thịnh, nhưng cũng ngậm ngùi vì nhiều hạn chế tồn đọng khiến kịch nói Việt vẫn "ngủ đông". Điều này có thể dẫn đến nguy cơ khán giả quay lưng với sân khấu kịch".

Theo NSND Trần Minh Ngọc, kịch nói đang thiếu dấu ấn và phong cách sáng tạo riêng, thiếu tính đối thoại, phản biện từ cuộc sống. Kịch nói phải chạm đến góc khuất của những tấm gương hy sinh vì cộng đồng và dự báo một cuộc sống trong điều kiện bình thường mới người dân.

Bàn vấn đề này, PGS, TS. Nguyễn Thị Minh Thái bày tỏ, nhìn tổng thể, về quan hệ giữa sân khấu và người xem trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, phải công tâm mà thừa nhận rằng, sân khấu kịch nhỏ vẫn chỉ là giải pháp tình thế cho cuộc khủng hoảng sân khấu kịch Việt về khán giả.

“Kể từ đầu thế kỷ XXI đến năm 2021, năm đầu thập niên thứ 3, khán giả xem kịch đã thưa vắng đến mức đáng coi là ‘bi kịch trắng khán giả’. Sân khấu Nhà nước, sân khấu tư nhân, sân khấu lớn, sân khấu nhỏ, sân khấu xã hội hóa, các hội diễn kịch toàn quốc, kịch địa phương của Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… tất cả đều không tìm được người xem”, PGS, TS. Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét.

Khán giả quan tâm đến các tác phẩm có tính sáng tạo, đổi mới, phản ánh những vấn đề nóng hổi của đời sống đương đại 

Mong chờ tín hiệu mới

Là người tâm huyết với sân khấu, NSƯT Đỗ Kỷ cho biết, sân khấu kịch giậm chân tại chỗ và ngày càng mất khán giả một phần vì các tác giả hiện nay đa số là tay ngang, có vở hay thì được nhiều đơn vị nhận dàn dựng, vở không hay không đâu dựng thì cũng chẳng sao; công việc sáng tác kịch bản như việc làm thêm, chưa phải công việc chính thống để tồn tại nuôi sống bản thân và gia đình họ.

"Kịch nói Việt Nam phải có sự thay đổi, lột xác ngay từ hình thức dàn dựng, biểu diễn lẫn phương thức tiếp cận khán giả. Đại dịch Covid-19 cũng là dịp cho nghệ sĩ sân khấu kịch nói nhìn lại và thích ứng để tồn tại. Trước mắt là đội ngũ làm nghề đúng nghĩa không thể buông xuôi mà phải chỉnh đốn ngay những mặt chưa làm được thông qua đề án cải tiến. Sớm kiến nghị với địa phương, tham mưu với chính quyền để giữ cho được những ưu thế đang có", đạo diễn, NSND Trần Minh Ngọc nói thêm.

Các đạo diễn, người làm sân khấu kịch nhìn nhận, sân khấu kịch nói đang mang diện mạo nửa bao cấp, nửa thị trường và quan trọng hơn cả là không có kịch bản hay thì đạo diễn dẫu có tài năng cũng khó phát huy sáng tạo. Nhìn thấy rõ điểm yếu đó, nhiều năm qua, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã nỗ lực tổ chức các trại sáng tác, kêu gọi, tạo điều kiện cho các cây bút trẻ tham gia, song kết quả chưa được như mong muốn. “Chưa có được những cây bút tâm huyết, tài năng, đau đáu với sân khấu như thế hệ trước”, NSND Thúy Mùi chia sẻ.

Khác với những thể loại nghệ thuật khác, công chúng của kịch nói đòi hỏi tác phẩm phải mang hơi thở của xã hội đương đại, mới mẻ, sinh động và lôi cuốn. Nhưng trên thực tế, những vở diễn như vậy còn hiếm hoi, trong khi các phương tiện nghe nhìn và nhiều loại hình giải trí hấp dẫn xuất hiện, làm cho sức hút nghệ thuật truyền thống nói chung, của kịch nói nói riêng ngày càng giảm sút.

Dẫu việc thay đổi không thể diễn ra trong một sớm một chiều, nhưng sân khấu kịch không thể sống mãi với hào quang quá khứ mà cần sáng tạo, đổi mới. Dấu mốc 100 năm vì vậy kỳ vọng sẽ tạo cú huých mới kéo khán giả trở lại sân khấu kịch nói.

H.Sen