Nỗ lực làm sạch đất nhiễm bom mìn

- Thứ Năm, 04/11/2021, 20:06 - Chia sẻ
“Đến năm 2025, phấn đấu rà phá được khoảng 800.000 ha đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ; hoàn thành xử lý chất độc hóa học tại các điểm ô nhiễm đã được phát hiện; tiếp tục điều tra, đánh giá hiện trạng tồn lưu chất độc hóa học ở các khu vực bị phun rải trong chiến tranh và các điểm nghi nhiễm khác…” - là mục tiêu của Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) giai đoạn 2021-2025.

Đẩy nhanh tốc độ rà phá, xử lý

Theo Ban Chỉ đạo 701, trong giai đoạn hiện nay, việc rà phá bom mìn thực hiện được khoảng 30.000 - 50.000 ha/năm. Khoảng 50.000 ha ở 19 tỉnh ô nhiễm bom mìn nặng đã được tổ chức rà phá trong khuôn khổ thực hiện Quyết định số 504/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong giai đoạn 2010-2020, tổng diện tích khảo sát và rà phá bom mìn là hơn 500.000 ha, trong đó hơn 400.000 ha do các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện, 80.000 ha do các tổ chức quốc tế thực hiện.

Tuy nhiên, để sớm có đất sạch giúp người dân các vùng bị ô nhiễm bom mìn yên tâm sản xuất và phát huy giá trị kinh tế của đất đai, Ban Chỉ đạo 701 xác định, tiếp tục đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả bom, mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh, bảo đảm an toàn đối với con người, môi trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; phấn đấu hoàn thành xử lý chất độc hóa học/dioxin ở 3 điểm nóng đạt 70.000 - 100.000 ha/năm; điều tra bổ sung, hoàn thiện bản đồ tồn lưu bom, mìn trên phạm vi toàn quốc; hoàn thiện hệ thống các quy định về chế độ, chính sách và giải pháp hỗ trợ đối với nạn nhân và con, cháu của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; tăng cường hợp tác quốc tế, huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia thực hiện để đẩy nhanh tiến độ, đạt chất lượng, hiệu quả.

Các chuyên gia rà phá bom mìn và xử lý ô nhiễm tại sân bay Đà Nẵng

Nguồn: ITN

Ngoài ra tập trung hoàn thiện các văn bản về bảo đảm chế độ, chính sách, biện pháp hỗ trợ đối với những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin và con cháu của họ; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các nguồn lực trong nước và quốc tế để tiến tới khắc phục hoàn toàn hậu quả bom mìn và chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh đối với con người, môi trường ở Việt Nam.

Tăng cường hợp tác quốc tế

Nếu như trước đó, việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, Việt Nam chỉ nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ Hoa Kỳ, Hàn Quốc; nay đã mở rộng ra nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, như: Australia, Nhật Bản, Đức, International Centre (IC) và Trung tâm quốc tế Genève về khắc phục bom mìn nhân đạo (GICHD)…

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) đã đón, làm việc với 18 lượt đoàn quốc tế và tổ chức 5 đoàn đi công tác nước ngoài. Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, đến nay, Việt Nam đã và đang triển khai một số dự án do nguồn tài trợ của nước ngoài về khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ có giá trị lên đến hàng chục triệu USD. Điều này đã góp phần quan trọng cùng sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, bảo đảm môi trường sạch, an toàn cho các vùng đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa và trên phạm vi cả nước. Trong thời gian qua, trên cơ sở số liệu điều tra, khảo sát các khu vực ô nhiễm bom mìn, vật nổ, Bộ Quốc phòng - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 đã phối hợp các địa phương triển khai bảo đảm nguồn vốn, vận động tài trợ quốc tế thực hiện các dự án. Điển hình như Dự án Việt Nam - Hàn Quốc khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam hợp tác với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn quốc (KOICA) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) (2018-2020); Dự án Rà phá bom mìn, vật nổ phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Hà Giang do Bộ Tư lệnh Quân khu 2/Bộ Quốc phòng thực hiện (2020-2021)…

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 cho biết, để tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường huy động các nguồn lực từ bên ngoài, phối hợp với nguồn lực trong nước nâng cao năng lực, hiệu quả công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, thời gian tới, VNMAC tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, dự án hợp tác quốc tế về khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực trạng và hậu quả bom mìn, vật nổ tồn sót sau chiến tranh nhằm vận động tài trợ quốc tế; thường xuyên kiện toàn về tổ chức và không ngừng nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên của Trung tâm.

Bình Nhi