Hòa Bình

Nỗ lực phục hồi nền kinh tế

- Thứ Năm, 29/07/2021, 14:16 - Chia sẻ
Sáng 29.7, HĐND tỉnh Hòa Bình Khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã khai mạc Kỳ họp thứ Hai theo hình thức trực tuyến.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Đức Hinh và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Nguyễn Thị Cẩm Phương, Võ Ngọc Kiên điều hành kỳ họp.

Các đại biểu tham dự kỳ họp
Các đại biểu tham dự kỳ họp

Dành thời gian cho những vấn đề cử tri quan tâm

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Đức Hinh khẳng định: Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm, Hòa Bình phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Song, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã chủ động, sáng tạo, tập trung phòng, chống dịch bệnh và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, trong đó có một số lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng khá.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Đức Hinh phát biểu khai mạc kỳ họp
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Đức Hinh phát biểu khai mạc kỳ họp

Chủ tọa kỳ họp cho biết, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, thảo luận và quyết định những vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tạo nền tảng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể: Xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2020; tình hình phát triển kinh tế - xã hội; thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021; xem xét, thông qua 20 dự thảo nghị quyết do Thường trực HĐND, UBND tỉnh trình tại kỳ họp để cụ thể hóa chủ trương của Trung ương, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vào điều kiện thực tiễn của địa phương, tạo cơ chế, chính sách nhằm phát huy tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, kỳ họp lần này được diễn ra trong điều kiện kiểm soát y tế chặt chẽ về phòng, chống dịch theo quy định. Do đó, HĐND tỉnh sẽ không tổ chức thảo luận tại tổ và chất vấn trực tiếp tại hội trường để dành thời lượng thảo luận tại hội trường, làm rõ những vấn đề mà đại biểu, cử tri và Nhân dân quan tâm. Đề nghị, các vị đại biểu HĐND tỉnh gửi phiếu chất vấn tới Thường trực HĐND tỉnh để tổng hợp, gửi các cơ quan có thẩm quyền trả lời bằng văn bản và gửi trực tiếp tới đại biểu để tiếp tục giám sát, xem xét theo quy định.

Nhấn mạnh những nội dung HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định tại kỳ họp lần này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Chủ tọa kỳ họp đề nghị, các đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, đoàn kết, dân chủ, dành thời gian nghiên cứu kỹ các tài liệu, tập trung cho ý kiến, thể hiện rõ quan điểm về từng nội dung, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tạo sự thống nhất cao để HĐND tỉnh có những quyết định đúng đắn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Tiếp tục đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Toàn  đánh giá: 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã bước đầu có nhiều chuyển biến và đạt được một số kết quả tích cực: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính tăng 16,1% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 8.631,7 tỷ, tăng 7,12% và chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 25,89% so với cùng kỳ; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện; công tác quốc phòng được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để khắc phục, tháo gỡ như: Số dự án và số vốn đầu tư giảm mạnh so với cùng kỳ; công tác giải phóng mặt bằng của một số dự án còn khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ theo yêu cầu; vẫn còn 773,4 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 chưa phân giao chi tiết sẽ gây ảnh hưởng đến việc hoàn thành giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 và kết quả vốn đầu tư công của tỉnh; hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; tình hình khiếu nại tố cáo, tai nạn giao thông, một số loại tội phạm còn diễn biến phức tạp.

Toàn cảnh kỳ họp
Toàn cảnh kỳ họp

Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu của những tháng cuối năm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Toàn nhấn mạnh, trong 6 tháng cuối năm, các sở, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị tích cực, chủ động rà soát, triển khai các nhiệm vụ, công việc đã đề ra trong năm; tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP ngày 1.1.2021 của Chính phủ; Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 19.1.2021 của UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và quốc phòng - an ninh tỉnh Hòa Bình năm 2021; Quyết định số 121/QĐ-UBND ngày 19.1.2021 của UBND tỉnh ban hành kế hoạch tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình năm 2021.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung xây dựng Quy hoạch tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư công năm 2022; chuẩn bị các điều kiện tổ chức thành công Kỷ niệm 135 năm thành lập tỉnh Hòa Bình và 30 năm tái lập tỉnh.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Đề án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển ngành dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, tập trung các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; triển khai thực hiện bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh (DDCI) các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tăng cường quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng từ nguồn vốn đầu tư công; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị được giao làm chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án, bảo đảm chất lượng công trình. Tiếp tục nâng cao năng lực quản lý và tăng cường công tác quản lý về lĩnh vực tài nguyên môi trường…

Trần Tâm