Sổ tay:

Nới lỏng nhưng không được lơ là

- Thứ Ba, 21/09/2021, 06:17 - Chia sẻ
Phương châm chống dịch của Hà Nội trong giai đoạn này là nới lỏng nhưng không được lơ là trong phòng, chống dịch. Tuy nhiên, từ sự việc người dân xếp hàng đông đúc, không giữ đúng khoảng cách tại cửa hàng bánh Trung thu Bảo Phương, phố Thụy Khuê, Tây Hồ trong mấy ngày qua, dư luận cho rằng, có sự lơ là, chủ quan của không ít cá nhân, cơ sở kinh doanh trong phòng chống dịch.

Ngày 15.9, UBND TP. Hà Nội ban hành văn bản số 3084/UBND-KGVX điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, cho phép một số quận, huyện không có ca nhiễm trong cộng đồng từ ngày 16.9 được hoạt động trở lại một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ.

Mặc dù nới lỏng, nhưng xác định tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn vẫn đang trong giai đoạn khống chế, nên việc nới lỏng giãn cách, từng bước trở lại trạng thái bình thường mới được TP. Hà Nội tiến hành một cách rất cẩn trọng. Cụ thể, thành phố yêu cầu, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ dịch vụ ăn uống, văn phòng phẩm, sửa chữa điện tử, điện lạnh… tại 19 quận, huyện, thị xã của Hà Nội được hoạt động trở lại và phải tạo điểm quét mã QR bắt buộc với khách đến mua hàng; chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải cam kết và chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.

Dẫu vậy, quy định một đằng, thực hiện lại là chuyện khác, nhiều vi phạm vẫn xảy ra. Báo cáo công tác phòng chống Covid-19 hàng ngày của TP. Hà Nội cho thấy, mỗi ngày vẫn có hàng trăm vụ vi phạm quy định phòng chống dịch được phát hiện và xử lý như: Không đeo khẩu trang nơi công cộng, ra đường khi không thực sự cần thiết, vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định, không giữ khoảng cách khi tiếp xúc... Cảnh tượng người dân xếp hàng dài tại phố Thụy Khuê chờ mua bánh Trung thu là một ví dụ đã khiến dư luận không khỏi bức xúc. Trong bối cảnh dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan, còn có những ca bệnh được phát hiện trong cộng đồng, thì vẫn có những người dân chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch.

Nhiều ý kiến cho rằng, thực tế đã có không ít bài học nhãn tiền từ các nước trên thế giới, trong khu vực, thậm chí ngay tại Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình từ sự chủ quan, mất cảnh giác với dịch bệnh đã phải trả giá đắt khiến mất mát quá nhiều, hy sinh quá lớn nhưng hiện vẫn chưa chặn được làn sóng dịch đang lây lan trên diện rộng.

Để người dân bình yên trong đại dịch, trong thời gian qua cả hệ thống chính trị và người dân đã phải nỗ lực rất nhiều. Vì vậy, không lý nào để sự vô ý thức, lơ là, chủ quan của một vài cá nhân, ở một vài địa phương khiến cho cả cộng đồng, toàn xã hội phải trả giá. Hơn bao giờ hết, lực lượng chức năng cần kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đối với các phương tiện truyền thông cần tăng cường tuyên truyền lên án mạnh mẽ hơn nữa các hành vi vi phạm nguyên tắc phòng chống dịch, đồng thời biểu dương, khen ngợi những mô hình, gương điển hình trong công tác này, để từ đó nhân lên những yếu tố tích cực. 

Hải Thanh