Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2021)

“Nói phải đi đôi với làm” - sức mạnh và uy tín của Đảng

- Thứ Ba, 18/05/2021, 08:00 - Chia sẻ
Suốt đời Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng tự hoàn thiện mình theo lý tưởng chân, thiện, mỹ; gương mẫu từ việc lớn đến việc nhỏ, nên đã thực hiện được sự nhất quán giữa đời công và đời tư, giữa vĩ nhân và người bình thường, giữa đạo đức cách mạng với đạo đức hằng ngày. Và, Người trở thành một nhà đạo đức chân chính. “Nói phải đi đôi với làm”, theo Người, là thước đo phẩm hạnh, liêm sỉ, nhân cách cá nhân; cũng là yếu tố làm nên sức mạnh, uy tín và hấp lực của Đảng ta.

Bài 1: Nguyên tắc đạo đức của Đảng kết tinh và tỏa sáng ở Hồ Chí Minh

Đảng ta là Đảng cầm quyền. Do đó, Đảng ta là Đảng cách mạng - Đảng đạo đức - và Đảng hành động! Trong tư cách là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Bất kỳ ở tầng lớp nào, giữ địa vị nào, làm nghề nghiệp gì, sự hoạt động của một người trong xã hội có thể chia làm 3 mặt: 1. Mình đối với mình. 2. Mình đối với người. 3. Mình đối với công việc”. Vì thế, thực hành “nói đi đôi với làm” cần phải được tiến hành nghiêm túc trong tất cả các quan hệ đó.

Đạo đức dấn thân, đạo đức hành động

Đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ là đạo đức tu thân mà là đạo đức dấn thân, tức là đạo đức gắn liền với hành động, đạo đức hành động. Nói để làm, nhất là nói về đạo đức phải đi đôi với thực hành đạo đức, mà phải làm có hiệu quả, nếu một người làm việc gì cũng không có hiệu quả thì theo Hồ Chí Minh không thể coi là một người có đạo đức. Vì thế, một cách tự nhiên, cả cuộc đời Người hành động đạo đức không ngừng nghỉ. Người nói: "Phải lấy kết quả thiết thực đã góp sức bao nhiêu cho sản xuất và lãnh đạo sản xuất mà đo ý chí cách mạng của mình. Hãy kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức, lối làm việc không nhằm mục đích nâng cao sản xuất”. Vì thế, bất cứ ai, hễ có danh dự và liêm sỉ, hãy kiên nhẫn làm tròn nhiệm vụ và im lặng là câu trả lời tốt nhất cho những lời bôi nhọ hay vu khống. Nghe cho nhiều rồi chọn điều phải và cố làm cho kỳ được; xem cho rộng rồi ghi nhớ lấy để suy xét cho tường và hành động cương quyết, đó chính là danh dự của người ta vậy.

Hồ Chí Minh thực hành đạo đức nhiều hơn những điều Người nói, hoặc Người lặng lẽ, kiên trì nêu gương và không nói. Người vận dụng phương thức của người xưa: “Dĩ nhân nhi giáo, dĩ ngôn nhi giáo” (giáo dục bằng tấm gương sống của chính mình, sau đó mới giáo dục bằng lời nói). Lại nhớ lời người xưa, rằng tự khiêm người phục, tự khoe người khinh; rằng, nói lúc mừng thường hay thất tín, nói lúc giận thường hay lầm lỗi. Ở Hồ Chí Minh luôn luôn giữ sự nhất quán giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức với thực hành đạo đức, kết tinh đạo đức hành động với hành động đạo đức. Người nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó”. Trước khi qua đời, Người viết trong Di chúc: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.  

Suốt đời Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng tự hoàn thiện mình theo lý tưởng chân, thiện, mỹ; gương mẫu từ việc lớn đến việc nhỏ, nên đã thực hiện được sự nhất quán giữa đời công và đời tư, giữa vĩ nhân và người bình thường, giữa đạo đức cách mạng với đạo đức hằng ngày. Và, Người trở thành một nhà đạo đức chân chính. Tất cả ở Người tự nhiên như đất trời, dung dị đến vô thường, bởi nếu lời càng khéo thì càng mất điều chân thật; ý nghĩ càng cầu kỳ thì càng rơi xuống hư hao, như “Thần” Nguyễn Văn Siêu nói.  

Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm tiên tri, tiên lượng về những căn bệnh của người có chức, có quyền và Người đặt lên hàng đầu việc thường xuyên giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Không chỉ nhắc nhở mà bản thân Người đã suốt đời không ngừng tự tu dưỡng, tự rèn luyện về đạo đức để trở thành "tấm gương tuyệt vời về con người mới", thành hình ảnh mẫu mực về "người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân", chẳng những có sức lôi cuốn, cảm hóa mãnh liệt đối với toàn thể dân tộc mà còn tỏa sáng trên toàn thế giới. 

Lòng tin của Nhân dân là quốc bảo

“Hành nan, ngôn dị” (làm thì khó, nói thì dễ) là một tổng kết sâu sắc của người xưa về cái khó trong việc đạt tới sự nhất quán giữa nói và làm, nhất là giữa nói đạo đức với thực hành đạo đức. Không phải ai cũng có thể thực hiện trọn vẹn mọi nơi, mọi lúc điều mình nói. Lời nói chỉ là cái bóng của hành động. Một lời nói dối, sám hối bảy ngày. Có mấy ai bây giờ từng như thế? Không ít người nói thiên lệch thì đang mất lẽ chính; nói huênh hoang rồi tự đâm vào chỗ đuối; nói xiên xẹo rồi lâm tới chỗ trái; nói giấu giếm rồi đến chỗ cùng... Miệng nói trong sạch nhưng tay trộm cắp cả nghìn tỷ đồng quốc khố, được mấy ai sám hối, tự giáo dưỡng, hay phải chờ quốc pháp nghiêm trị? Dao nhọn không chỉ ở trong tay mà có thể ở trong lời nói, như W. Shakespeare chỉ dặn, là ở chỗ đó. 

    Hiện nay, hiện tượng thương mại hóa tình người và các quan hệ xã hội có chiều hướng lây lan, "nói không đi đôi với làm" càng có cơ nảy nòi. Trên thương trường, đó là lối quảng cáo "một tấc đến trời", lạm phát ngôn từ đến mức xấu hổ. Nơi công đường, bao người rắp mưu chơi trò "vũ hội hóa trang", có thứ đạo đức trong cuộc họp lại có thứ đạo đức ngoài hành lang… Bao nhiêu người miệng nói nhân ái, đạo đức, liêm chính, lương tâm... nhưng trong công vụ, giữa đời thường, lại hành động thật đáng ô nhục? Lời nói của kẻ gian dối giống như mật ong; hành động của họ như lưỡi dao. Đang còn không ít vị "chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được; nghĩa là chỉ quen chỉ thị, quen đề xuất, nói rồi quên, nói cao giọng mà không tính đến các điều kiện thực tế, đến khả năng hành động, thực thi của chính mình”, như Cụ Hồ nói. Hình như họ nói cốt để cho người khác làm, còn chính mình lại như vô can, thậm chí phán suông, cả thói “đâm bị thóc, chọc bị gạo”, xúc xiểm người khác một cách vô liêm sỉ. Bao nhiêu người "nói nhiều làm ít, nói hay làm dở", “ba hoa”, sống “phù hoa, xa xỉ”, thậm chí “bán giời không văn tự”… đã và đang làm giảm lòng tin của Nhân dân, làm tích tụ trong dân những hoài nghi không đáng có?

Cần nhớ rằng, đối với Nhân dân, lời nói thật thà ngay thẳng, việc làm đầy đủ cẩn thận, thì dù dân ở xứ nào, chính lệnh cũng được thi hành, như cổ nhân dạy. Bao nhiêu tổ chức đảng, bao nhiêu cơ quan gắn chương trình hành động với giải trình minh bạch, thông qua kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan kiểm tra và sự giám sát của Nhân dân, trong gắn lời nói với việc làm của cán bộ, đảng viên? Buông lỏng việc này uy tín của Đảng trong lòng Nhân dân không chỉ phai mòn mà thậm chí sẽ là thất tín. Nên nhớ, chưa bao giờ như bây giờ, lòng tin của Nhân dân là quốc bảo Việt Nam. Nó phải được nâng niu một cách thiêng liêng và bảo vệ với bất cứ giá nào. 

Để nói đi đôi được với làm, nói ít làm nhiều thì mong rằng, khi nói phải nghĩ đến làm, có làm được thì mới nói, thậm chí chỉ lặng lẽ làm mà không nói. Liêm chính ấy là như thế! Nên nhớ rằng, khi nói ra không ai chói tai có thể gọi ấy là biết nói; nói ra mọi người đều hướng theo có thể gọi là biết thời và còn khả năng dẫn dắt được người vậy. Liêm sỉ người ta chính ở chỗ ấy vậy. Nhân dân chỉ mong sao những người nắm trọng sự quốc gia như vậy mà thôi! 

Danh dự, lương tâm, trí tuệ, đạo đức của cán bộ, đảng viên và của Đảng ta nằm ở chính những chỗ này!

TS Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản