Xem - Nghe - Đọc

Nỗi tuyệt vọng của "Nhẫn thạch"

- Chủ Nhật, 22/08/2021, 06:20 - Chia sẻ
Tuyệt vọng không phải vì nỗi đau đớn của tiếng nói ấy, không vì tiếng nói ấy đã bị câm lặng từ xưa đến ngày hôm nay, không phải vì cái chết của tiếng nói ấy. Mà vì tiếng nói ấy vô nghĩa.

        Tôi biết gì về đất nước Afghanistan? Tiểu thuyết đầu tiên về nơi ấy mà tôi đọc là "Nhẫn thạch"(*), một ngày nào đã xa.

               *    *

               *

          Có những buổi chiều mùa hoa gạo, những bông hoa như xác nỗi buồn còn tươi nguyên (**) đang rơi, tôi trò chuyện với một người bạn về “Nhẫn thạch”. Tôi trò chuyện với cậu vì tôi có cảm giác dường như những người đàn ông và những người phụ nữ có cách đọc khác nhau về những truyện như thế này. Tôi quả không sai. 

         Tôi hỏi cậu về niềm hy vọng hay nỗi tuyệt vọng. Cậu bảo câu hỏi của tôi làm cậu bối rối vì đó có thể không phải là điều người ta nghĩ đến khi đọc.

        Tôi bảo rằng tôi biết vậy, rằng dù vậy đối với tôi điều đó hiển hiện như ánh sáng ban ngày.

         Tôi nói với cậu rằng tôi thích ý của cậu về “tiếng nói”, về đây là một câu truyện của thân xác và tiếng nói. Đúng, tiếng nói. Đó là toàn bộ sức mạnh, khao khát, sự sống của người phụ nữ, của những người phụ nữ. Và truyện tuyệt vọng, tuyệt vọng át đi và khỏa lấp mọi tia hy vọng, như sự mục ruỗng của một thân cây xóa nhòa đi mọi cố gằng nhỏ bé của những mầm non, tuyệt vọng không phải vì nỗi đau đớn của tiếng nói ấy, không vì tiếng nói ấy đã bị câm lặng từ xưa đến ngày hôm nay, không phải vì cái chết của tiếng nói ấy. Mà vì tiếng nói ấy vô nghĩa.

         Cậu im lặng, và tôi ngờ rằng nỗi tuyệt vọng mà truyện mang lại, một cách mơ hồ sao cũng chứa đựng tiềm tàng trong nó sự im lặng của đàn ông.

         Cậu im lặng có lẽ vì cậu không biết làm sao mà tôi có thể nói tiếng nói ấy vô nghĩa, khi mà chúng ta, ngày hôm qua đây, trong một căn phòng rộng (***), chúng ta đã bao xúc động trước tiếng nói ấy, chúng ta đã cảm ơn tác giả đã nhập vào một thân xác phụ nữ để mang đến cho chúng ta tiếng nói ấy, khi mà sự rung động mạnh mẽ đã mang đến giải thưởng cao quý Goncourt cho tiếng nói ấy, tiếng nói cất lên từ cuộc đời khổ đau của một người phụ nữ, từ sự câm lặng hàng nghìn năm của những người phụ nữ.

          Nhưng chúng ta là ai? Là ai? Mà thương quá tiếng nói ấy.

          Chúng ta chỉ là ảo, chúng ta không tồn tại, chúng ta không hiện diện trong căn phòng cách biệt với ầm ầm những tiếng bom rơi bằng chiếc rèm cửa mang hình những cánh chim di cư.

          Thế giới ấy chỉ có một người phụ nữ và người đàn ông của chị. Và lần duy nhất trong đời, con chim ấy cất lên tiếng nói đau đớn thẳm sâu từ mười năm của cuộc đời mình, từ nghìn năm của cuộc đời mình. Nó cất lên qua tất cả những tháng năm kìm nén, băng qua tất cả những ràng buộc của lý trí, của lễ nghi, tập tục, của những nối sợ hãi âm ỉ, nó cất lên như chính cuộc đời, dồn nén và rực lửa. Có lẽ tiếng nói ấy đã cất lên không phải để thay đổi điều gì mà nó cất lên để được giải thoát.

         Tôi đã hy vọng sao vào sự kỳ diệu của tiếng nói, vào sức mạnh của tiếng nói, vào sự lay chuyển rung động mà nó có thể mang lại khi những bí mật lặng câm nghìn năm được mở tung, rỡ ràng và hiển hiện.

          Có phải là chúng ta trong suốt cuộc đời mình đã tin vào những sự cảm thông mà con người có thể mang đến cho nhau, sự cảm thông sau khi tất cả những hiểu nhầm, những bí mật đã được làm sáng tỏ. Có phải là chúng ta đã luôn tin rằng nếu con người - vì những lý do điên rồ của tôn giáo, của lễ nghi, của tập tục, và của lý trí, đã bị ngăn cách với nhau qua bức màn vô hình dày đặc - một ngày nào đó được tháo tung khỏi những xiềng xích, và được sống bằng cơ thể tự nhiên nhất của mình, những con người ấy sẽ đến với nhau. Có phải là chúng ta đã nói với nhau rằng nếu như lịch sử được viết bằng những cảm nhận của thân xác thì có lẽ lịch sử đã khác đi (****).

          Thì đây, ngày hôm nay, trong căn phòng in bóng những cánh chim di cư này đây, tiếng nói thuần khiết nhất của thân xác đã cất lên. Và người phụ nữ, có lẽ cũng đã có niềm tin, niềm hy vọng như chúng ta về sự thay đổi mà tiếng nói ấy mang lại:

            "Nếu mà anh tỉnh lại, nếu anh đứng lên được, anh có còn là con quái vật như trước đây không ?" - Ngưng một lát chị tiếp tục dòng suy nghĩ - "Em không tin. Em tự nhủ rằng có lẽ tất cả những gì em đã kể với anh có thể làm anh biến đổi. Anh đã nghe em, anh đã lắng nghe em, anh đã suy ngẫm. Anh đã nghĩ…" Chị sát lại gần anh. “Vâng, anh sẽ thay đổi, anh sẽ yêu em. Anh sẽ làm tình với em như em khao khát. Bởi giờ đây anh đã khám phá ra bao nhiêu điều. Về em, về anh. Anh đã biết những bí mật của em. Từ nay anh bị ám vì những bí mật ấy”.

           Niềm tin ấy, cuối cùng, sau tất cả, tận trang cuối, đã bị giết chết, nó đã bị đập đầu vào tường, kéo lê dưới đất, và vặn cổ.

          Cuối cùng, sau tất cả, tận trang cuối, nó nằm đó đỏ rực máu của chính mình.

          Nó nằm đó như xác nỗi buồn còn tươi nguyên.

          Tiếng nói đã không thay đổi được mảy may một điều gì.

         Tiếng nói chân thực nhất, bản năng nhất, dồn nén nhất, đã bị một trái tim không có máu giết chết.

          Với trái tim ấy, tiếng nói ấy là vô nghĩa.

           Mà tiếng nói ấy là để dành cho trái tim ấy.

           Tiếng nói ấy vô nghĩa

            Vô nghĩa

             Ngàn lần vô nghĩa.

        Phan Thị Hà Dương

-----

(*)Tiểu thuyết "Nhẫn thạch" của nhà văn Atiq Rahimi, Nguyên Ngọc dịch

(**) Nhớ thơ Vi Thùy Linh.

(***) Buổi ra mắt "Nhẫn thạch" tại L'Espace.

(****) Nhớ lời nhận xét của nhà văn Nguyên Ngọc.