Hậu bầu cử Quốc hội Đức

Nóng cuộc đua liên minh

- Thứ Năm, 30/09/2021, 07:17 - Chia sẻ
Nước Đức đang bước vào giai đoạn khó đoán định sau khi kết quả cuộc bầu cử Quốc hội ngày 26.9 cho thấy lần đầu tiên trong lịch sử, không một đảng nào giành được quá 1/3 tổng số phiếu bầu. Vẫn chưa thể trả lời cho câu hỏi ai sẽ là người kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel bởi các đảng trước mắt sẽ bước vào một cuộc đàm phán thành lập liên minh đầy khó khăn và tốn nhiều thời gian.

Tình huống chưa có trong lịch sử

Theo kết quả sau khi các cuộc thăm dò kết thúc, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) dẫn đầu với tỷ lệ phiếu bầu là 25,9%, chiến thắng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo à Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà Angela Merkel với 24,2%. Đây là kết quả tồi tệ nhất đối với Liên minh bảo thủ trong lịch sử bầu cử ở quốc gia này. Đảng Xanh về thứ ba với 14,5%, sau đó tới đảng Dân chủ Tự do (FDP) với 11,5% tỷ lệ phiếu bầu.

	Lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đồng thời là ứng cử viên hàng đầu cho chức thủ tướng Olaf Scholz sau cuộc bầu cử ngày 26.9 - Economist
Lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đồng thời là ứng cử viên hàng đầu cho chức thủ tướng Olaf Scholz sau cuộc bầu cử ngày 26.9
Nguồn: Economist

Đây là tình thế chưa từng có trong lịch sử chính trị nước Đức, khi lần đầu tiên đảng dẫn đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội không vượt quá 1/3 tổng số phiếu bầu. Điều này khiến cho việc lập được Chính phủ mới phải có được sự ủng hộ của 3 đảng, chứ không phải 2 như trước đây. Chưa bao giờ nước Đức rơi vào tình thế này, kể từ Thế chiến thứ Hai.

Với kết quả bầu cử trên, có một lựa chọn chính là CDU và SPD tiếp tục “liên minh” để điều hành nước Đức - điều đã xảy ra 4 năm qua. Tuy nhiên, cả hai đảng này đều loại trừ khả năng này và tuyên bố sẽ xây dựng Chính phủ mới, Đức có thể có liên minh ba bên cấp liên bang lần đầu tiên kể từ những năm 1960.

Những kịch bản

Hiện tại, nhiều kịch bản đặt ra, trong đó có khả năng 3 đảng SPD, đảng Xanh và FDP tìm được thỏa hiệp. Liên minh “đèn giao thông” (đỏ - vàng - xanh) này có khả năng trở thành hiện thực nhiều nhất, nhưng cũng là liên minh đặt ra nhiều vấn đề nhất bởi những quan điểm trái chiều. Đảng SPD chủ trương tăng mạnh thuế với người có thu nhập cao, trong khi đảng FDP thì có quan điểm ngược lại; đảng Xanh chủ trương đầu tư hơn 500 tỷ euro trong 10 năm, đảng FDP chủ trương thắt lưng buộc bụng…

Theo chuyên gia Alexandre Robinet-Borgoman của Viện Montaigne của Pháp, trong những tuần tới, 3 đảng sẽ tạm gạt sang một bên các mâu thuẫn mang tính nguyên tắc, để tìm cách thiếp lập quan hệ. Khả năng SPD, đảng Xanh và đảng cực tả Die Linke lập liên minh cũng được tính tới, nhưng đảng Die Linke chỉ nhận được 5% phiếu bầu.

Về phần mình, ứng cử viên thủ tướng của CDU Armin Laschet vẫn tiếp tục tìm kiếm các cuộc đàm phán thăm dò nhằm nỗ lực hướng tới một "liên minh Jamaica" (đen - vàng - đỏ giống cờ Jamaica) với FDP và đảng Xanh. Nếu đàm phán thành công, ông có thể trở thành Thủ tướng của liên minh 3 đảng. Tuy nhiên, khả năng này từng thất bại cách đây 4 năm và hiện cũng ít có khả năng thành công.

Đồng Chủ tịch đảng Xanh Robert Habeck cũng nhấn mạnh, SPD là đảng dẫn trước theo kết quả bầu cử, do vậy đảng Xanh sẽ hướng tới đàm phán trước với SPD và FDP trước.

Báo Le Monde của Pháp cho rằng nước Đức có nhiều khả năng sẽ lập được một liên minh ôn hòa, do các bên có lập trường ý thức hệ rất khác nhau buộc phải tìm được thỏa hiệp mới có thể được phép cầm quyền, và đây chính là sự tiếp nối di sản của 16 năm cầm quyền của bà Merkel. Đại đa số người Đức ủng hộ một Chính phủ bảo vệ các lợi ích kinh tế của đất nước một cách tối đa khỏi các chấn động toàn cầu. Nếu đi ngược lại với con đường của Merkel, nước Đức sẽ rơi vào bất ổn, và để lại nhiều hậu quả cho các nước láng giềng.

Chưa lộ diện Thủ tướng

Trong trường hợp SPD không thể tạo dựng liên minh để thành lập chính phủ, cơ hội sẽ trao cho đảng về vị trí thứ 2, trong trường hợp này là CDU. Do đó, ứng cử viên cho chức thủ tướng của đảng SPD là Phó thủ tướng Olaf Scholz, và đối thủ Armin Laschet từ CDU đã bắt đầu khởi động cuộc đua tranh giành đối tác lập liên minh.

Cuộc bầu cử thủ tướng mới của Đức sẽ không diễn ra cho đến khi một liên minh cầm quyền được thành lập. Quá trình này có thể mất tới hàng tháng. Tuy nhiên, cả ông Laschet và ông Scholz hy vọng các cuộc đàm phán liên minh sẽ kết thúc vào Giáng sinh.

Thủ tướng Đức không được bầu trực tiếp mà được chọn thông qua một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Liên bang (Bundestag), sau khi chính phủ được thành lập.

Trong hầu hết các hệ thống theo chính thể đại nghị, nguyên thủ quốc gia (Tổng thống, Nữ hoàng) đề cử một đảng để thành lập chính phủ - thường là đảng giành được phần lớn số phiếu bầu. Tuy nhiên, ở Đức, tất cả các bên có thể bắt tay nhau trong cái gọi là "đàm phán thăm dò". Trong giai đoạn đầu tiên này, không có giới hạn thời gian, không có gì ngăn các bên tổ chức những cuộc đàm phán liên minh song song. Các cuộc thảo luận sẽ bắt đầu ngay khi có kết quả bầu cử, với việc các bên tìm cách và xác định xem liệu họ có thể làm việc cùng nhau hay không. Đảng Xanh sẽ thực hiện cuộc họp lớn vào ngày 2.10 để quyết định sẽ tiến hành đàm phán thăm dò với bên nào.

Nếu hai hoặc ba bên đồng ý thành lập một liên minh, họ sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán liên minh chính thức. Vào cuối cuộc đàm phán này, các bên sẽ quyết định ai sẽ phụ trách bộ nào, đồng thời ký hợp đồng liên minh, một tài liệu dày đặt ra các điều khoản của thỏa thuận. Giai đoạn này cũng không giới hạn thời gian, với việc chính phủ sắp mãn nhiệm nắm giữ vị trí đó trong thời gian chờ đợi. Các bên sau đó sẽ đề cử người mà họ muốn làm thủ tướng trước khi bỏ phiếu chính thức tại Bundestag.

Theo Điều 63 của Hiến pháp Đức, nguyên thủ quốc gia phải đề xuất một ứng cử viên thủ tướng. Nếu không có liên minh giữa các đảng phái nào hình thành, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier vẫn phải đề cử, có thể người từ đảng giành được phần lớn số phiếu bầu. Nghị viện sau đó sẽ bỏ phiếu kín, ứng cử viên cần giành được thế đa số tuyệt đối để có thể trở thành Thủ tướng.

Nếu cuộc bỏ phiếu này thất bại, một cuộc bỏ phiếu thứ hai sẽ được tổ chức sau đó hai tuần. Nếu ứng cử viên vẫn không giành được đa số tuyệt đối, cuộc bỏ phiếu thứ 3 sẽ ngay lập tức được tiến hành, trong đó chỉ cần giành thế đa số tương đối (hơn phiếu các đối thủ khác). Sau đó, tổng thống sẽ quyết định có bổ nhiệm thủ tướng làm người đứng đầu chính phủ thiểu số, hay giải tán Nghị viện và tiến hành cuộc bầu cử mới.

Nhìn vào các ứng cử viên hiện nay, khả năng lớn nhất thuộc về ứng cử viên của SPD Olaf Scholz, hiện đang là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính. Ông cho rằng, cuộc bầu cử ngày 26.9 là lần đầu tiên sau Thế chiến thứ Hai, Thủ tướng đương nhiệm không tham gia tranh cử. Trong bối cảnh đó, vị Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính là canh bạc ít rủi ro nhất của nước Đức. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông cam kết không giảm thuế cho người giàu, giữ nguyên mức lương hưu, xây thêm nhà ở xã hội và hướng tới một nền kinh tế trung hòa carbon. Về đại dịch Covid-19, trên cương vị Bộ trưởng Tài chính, ông đã đề xuất gói cứu trợ trị giá 750 tỷ Euro nhằm giúp các doanh nghiệp và người lao động có thể tiếp tục duy trì qua đại dịch Covid-19: “Đã đến lúc chúng ta dùng mọi cách để chứng minh rằng người Đức có thể vượt qua bất cứ thách thức kinh tế nào từ đại dịch”. Ông Scholz cho rằng bất cứ ai cũng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19, dù là bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên siêu thị hay người giao hàng, đồng thời cam kết nâng lương tối thiểu lên 12 Euro/giờ ngay trong năm đầu tiên, một khi SPD dẫn đầu chính phủ.

Trong khi đó, dù được Thủ tướng Angela Merkel ủng hộ, song Chủ tịch CDU Armin Laschet đã liên tiếp mắc sai lầm, từ thái độ không phù hợp khi thị sát tình hình lũ lụt miền Tây nước Đức hồi tháng 7, tới sự cố bỏ phiếu không hợp quy cách trong ngày bầu cử 26.9. Các cuộc thăm dò do Viện nghiên cứu Civey thực hiện cũng cho thấy, người Đức không còn ủng hộ một chính phủ do CDU/CSU tiếp tục lãnh đạo. Có tới 71% số người được hỏi phản đối ông Laschet trở thành thủ tướng Đức với một kết quả bầu cử thấp như vậy.

Đạt Quốc