Nông dân thay đổi, nông nghiệp mới thay đổi!

- Thứ Tư, 12/01/2022, 08:36 - Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã từng phát biểu rằng, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và tư duy ngắn hạn là “lời nguyền” về sự yếu kém của nền nông nghiệp. Cho nên, phải tổ chức lại sản xuất để vượt qua “lời nguyền” đó.

Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu nông - lâm - thủy sản vẫn đạt mức kỷ lục, trong đó lúa gạo là một trong 6 mặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD. Dù vậy, đằng sau bức tranh với nhiều gam màu sáng này vẫn còn những trăn trở, thậm chí cần “cuộc cách mạng” trong tổ chức lại sản xuất, để người nông dân gắn bó bền vững với nông nghiệp.

Liên quan đến "cuộc cách mạng" này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã từng chia sẻ: Một thời, ngành nông nghiệp phát triển nhờ lúa gạo. Từ sản xuất lúa 1 vụ, 2 vụ, rồi xây đê bao để sản xuất lúa 3 vụ. Đây là việc quá chú trọng vào gia tăng sản lượng. Nhiều nhà khoa học từng cảnh báo sản xuất lúa liên vụ là mô hình sẽ phải đánh đổi rất nhiều, nhất là sự suy giảm chất dinh dưỡng trong đất, dịch bệnh và chi phí tăng. Cá nhân tôi, khi là lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp chưa bao giờ đề ra chỉ tiêu về lúa gạo. Bản thân diện tích đất để sản xuất lúa mặc nhiên đã quy ra chỉ tiêu, chứ không phải là sự áp đặt từ trên xuống dưới.

Thực tế, sản xuất lúa gạo ngoài góp phần bảo đảm an ninh lương thực trong nước còn đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước nhưng người nông dân vẫn chưa thể “sống” được từ cây lúa. Và điều này có thể "khái quát" được phần nào qua ý kiến của nguyên Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chi nhánh Cần Thơ Võ Hùng Dũng: Điểm yếu nhất trong chuỗi giá trị lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long (và chắc cũng là của chung cả nước) là những người trồng lúa.

Lý do là bởi chuỗi giá trị lúa gạo là hệ thống kết nối các phân khúc từ cung cấp đầu vào, trồng trọt, chế biến, phân phối và tiêu thụ. Các tác nhân tham gia gồm nông dân, thương lái, nhà máy xay xát, các công ty cung ứng, công ty xuất khẩu, mạng lưới bán sỉ, bán lẻ. Ngoài ra còn có các ngành có liên quan, các dịch vụ, cơ sở hạ tầng và thể chế hỗ trợ. Với những người trồng lúa, đây là "tập hợp" rời rạc với hàng triệu nông hộ sản xuất, mỗi người có hành vi ứng xử khác nhau. Bên cạnh đó, do sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên nông dân trở thành nhóm sản xuất rất dễ bị tổn thương, đồng thời phải chịu tác động mạnh nhất khi các yếu tố đầu vào tăng giá nhưng giá lúa tăng lại không phải là người được hưởng lợi trọn vẹn, khi giá lúa giảm thì phải chịu thiệt hại rất lớn.

Bởi vậy, đã đến lúc cần coi việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp là “cuộc cách mạng” để tổ chức lại sản xuất chứ không phải về khoa học - công nghệ để tăng năng suất, sản lượng. Và để thực hiện, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đây là vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhưng trước tiên, lãnh đạo địa phương cũng cần phải thay đổi, bởi nếu không chuẩn bị thì có thể chuyển rủi ro từ ngành hàng này sang ngành hàng khác.

Ngoài ra, trong chiến lược phát triển sắp tới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng sẽ tập trung vào các vấn đề hợp tác giữa những người sản xuất thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã; liên kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp và lấy thị trường để điều chỉnh kinh doanh sản xuất chứ không phải sản xuất điều chỉnh thị trường. Đặc biệt, như ý kiến của Bộ trưởng Lê Minh Hoan thì cần tổ chức các lớp nâng cao năng lực, kỹ năng và kiến thức cho nông dân. Không thể giúp nông dân bằng giống bởi chỉ có nông dân thay đổi thì nông nghiệp mới thay đổi và khi đó, nông dân mới sống được với nghề nông.

Ninh Hà