Nông nghiệp nền tảng, trụ đỡ nền kinh tế

- Thứ Bảy, 04/09/2021, 12:45 - Chia sẻ
76 năm kể từ mốc son lịch sử, ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chặng đường 76 năm dẫu nhiều khó khăn nhưng chúng ta cũng đã có những bước đi đĩnh đạc để hội nhập với thế giới, trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu. Trong đó, có sự đóng góp không hề nhỏ của ngành nông nghiệp vào sự phát triển của nền kinh tế, giúp ổn định nâng cao cuộc sống cho nhân dân, làm tròn vai trò nền tảng, trụ đỡ cho kinh tế nước nhà.

Nền tảng của kinh tế kháng chiến

“Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền khó hơn”. Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, chính quyền non trẻ phải đối mặt với rất nhiều thử thách, khó khăn: Ngân khố quốc gia cạn kiệt, nạn đói làm chết hơn hai triệu người năm 1945 chưa khắc phục xong, 90% dân mù chữ, năng suất nông nghiệp quá thấp (khoảng 12 tạ/ha)...

2 tháng sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tại phiên họp của Hội đồng Chính phủ ngày 14.11.1945 đã ra Quyết nghị thành lập Bộ Canh nông với nhiệm vụ giải quyết nạn đói và soạn thảo một chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện phục vụ công cuộc kháng chiến kiến quốc, giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Thực hiện Quyết nghị của Hội đồng Chính phủ, ngày 1.12.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 69 với nội dung: “Tất cả các cơ quan Canh nông, Thú y, Mục súc, Ngư nghiệp, Lâm chính và Nông nghiệp tín dụng (Hợp tác xã và Nông khố ngân hàng) trong toàn cõi Việt Nam từ nay thuộc Bộ Canh nông”.

Trong 10 năm (1945 - 1954), nông nghiệp Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh là nền tảng của kinh tế kháng chiến với những đóng góp to lớn giải quyết nạn đói 1945 - 1946, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cung cấp sức người sức của cho kháng chiến, hình thành những nền tảng để phát triển nông nghiệp trong những giai đoạn tiếp sau.

Trong giai đoạn này, cùng với việc động viên nông dân tích cực tăng gia sản xuất, Chính phủ đã từng bước thực hiện các chính sách về ruộng đất như giảm tô, giảm tức. Với chính sách toàn dân tăng gia sản xuất, trong các vùng giải phóng, sản xuất nông nghiệp phát triển, sản lượng lương thực năm 1954 đạt gần 3 triệu tấn, tăng 13,7% so với năm 1946; đóng góp to lớn giải quyết nạn đói các năm 1945, 1946.

Chặng đường 20 năm tiếp đó (1955-1975) là thời kỳ đặc biệt của quá trình xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp nước ta, khi đất nước bị chia cắt làm hai miền, tiến hành hai chiến lược cách mạng khác nhau, chịu nhiều thách thức to lớn trong và ngoài nước, dưới chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh. Trong khi nông nghiệp miền Nam phát triển không ổn định, không đáp ứng được đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của xã hội, thì nông nghiệp miền Bắc đã hoàn thành vai trò mặt trận hàng đầu trong xây dựng hậu phương lớn, chi viện đắc lực cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam.

Bác Hồ dùng thử máy cấy cải tiến mới

Từ một nền kinh tế canh nông đã bị tê liệt trước năm 1945, nông nghiệp kháng chiến không những không bị suy thoái tiếp, mà đã được duy trì và phát triển, với sản lượng lương thực, thực phẩm và hàng hóa ngày càng dồi dào hơn, đáp ứng kịp thời các nhu cầu của cuộc kháng chiến và đời sống nhân dân.

Làm quen sản xuất hàng hóa, chấp nhận cạnh tranh thị trường

Trong những năm tháng của thời kỳ khôi phục đất nước sau chiến tranh (thời kỳ 1975- 1985), dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã phấn đấu vượt qua khó khăn đi tiên phong trong công cuộc Đổi mới đất nước. Từ những thí điểm hình thức khoán trong sản xuất nông nghiệp ở Hải Phòng, Vĩnh Phú, Nghệ Tĩnh năm 1980, Đảng, Nhà nước đã có chủ trương mở rộng hình thức khoán theo Chỉ thị 100-CT/TW ngày 13.1.1981 - chuyển sang cơ chế quản lý mới trong sản xuất nông nghiệp trong cả nước, tạo đà cho phát triển và đem lại hiệu quả rõ rệt, góp phần cải thiện đời sống nhân dân.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, nhất là sau khi có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (năm 1988), nhiều chính sách đổi mới toàn diện đã được thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp “công nhận sự tồn tại lâu dài và tác dụng tích cực của kinh tế cá thể tư nhân, đảm bảo quyền làm ăn chính đánh và thu nhập hợp pháp của các hộ cá thể tư nhân”.

Thị trường nông sản, vật tư nông nghiệp trong nước được tự do hóa, từng bước kết nối, liên thông với thị trường quốc tế. Nhà nước tiếp tục huy động các nguồn lực và đổi mới cách thức hỗ trợ cho nông dân, tiếp tục đầu tư lớn phát triển thủy lợi và cơ sở hạ tầng nông thôn, hình thành hệ thống khuyến nông và tín dụng để hỗ trợ trực tiếp tới các hộ nông dân. Các hợp tác xã chuyển hẳn sang làm dịch vụ cho xã viên. Nhiều nông lâm trường thực hiện khoán lâu dài đất đai, vườn cây cho gia đình công nhân.

Nông dân nhanh chóng làm quen với sản xuất hàng hóa, chủ động sáng tạo và áp dụng có hiệu quả khoa học - kỹ thuật

Có thể nói, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị thực sự đã tạo nên một cuộc cách mạng trong nông nghiệp, đem lại động lực vô cùng to lớn động viên nông dân đem hết khả năng, công sức đầu tư phát triển sản xuất. Động lực ấy vẫn còn đang tác động cho đến tận ngày nay. Chính nhờ có đường lối Đổi mới, nông nghiệp nước ta đã liên tục phát triển mạnh mẽ, cung ứng đủ lương thực, thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của nhân dân trong nước, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Trên cơ sở đó, các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp khác cũng đã phát triển mạnh mẽ trở thành các ngành sản xuất hàng hoá quy mô lớn.

Nhờ có chính sách tạo động lực và hỗ trợ phù hợp, với tinh thần sáng tạo, cần cù, tự lực cánh sinh, nông dân Việt Nam đã hăng hái sản xuất, chủ động sáng tạo, chấp nhận cạnh tranh trên thị trường. Mặc dù có xuất phát điểm rất thấp và đối diện với những thách thức lớn lao của thị trường và thời tiết, nhưng người nông dân Việt Nam đã nhanh chóng làm quen với sản xuất hàng hóa, chủ động sáng tạo và áp dụng có hiệu quả khoa học - kỹ thuật, huy động nội lực, khắc phục khó khăn tạo nên những thành công to lớn trong sản xuất kinh doanh trong giai đoan này.

Khẳng định vị thế trụ đỡ của nền kinh tế

Những chủ trương, chính sách giúp giải phóng tiềm năng của nông dân, thúc đẩy vai trò năng động, tích cực của nông dân trong sản xuất nông nghiệp, tạo sự thay đổi kỳ diệu của nông nghiệp Việt Nam. Từ một nước thiếu ăn, năm 1989, sản lượng lúa gạo đạt con số 21,5 triệu tấn và lần đầu tiên Việt Nam trở thành nước xuất khẩu liên tục, xuất khẩu được 1,2 triệu tấn lúa gạo.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã có nhiều nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, như: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5.8.2008 của Hội nghị Trung ương 7 khóa X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23.11.2016 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 15.12.2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Kết luận số 54-KL/TW ngày 7.8.2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn...

Nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ… được triển khai trên cả nước

Năm 2008, nước ta đã ra khỏi nhóm nước và vùng lãnh thổ thu nhập thấp để gia nhập nhóm nước và vùng lãnh thổ thu nhập trung bình thấp, đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Thị trường tiêu thụ nông sản của Việt Nam ngày càng được mở rộng, cơ cấu sản xuất hiệu quả hơn và gắn với nhu cầu thị trường. Nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ… được triển khai đem lại giá trị hàng hóa lớn, thân thiện môi trường.

Nếu như năm 1986, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt 486,2 triệu USD, thì năm 2000 kim ngạch xuất khẩu đã đạt 4,2 tỷ USD, năm 2016 đạt 32,18 tỷ USD. Đặc biệt, năm 2020 dù gặp nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn đạt 41,2 tỷ USD; gấp 85 lần so với năm 1986. Việt Nam trở thành một trong số 20 nước xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn trên thế giới. Hiện nay, nước ta đã có 10 mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu đạt kim ngạch hằng năm trên 1 tỷ USD, trong đó, có nhiều sản phẩm có vị thế cao trên thị trường thế giới.

Trong những lúc nền kinh tế gặp khó khăn nhất do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế và các cú sốc từ bên ngoài thì nông nghiệp trở thành bệ đỡ mặc dù chính ngành nông nghiệp cũng chịu nhiều ảnh hưởng của những biến động thị trường và những diễn biến bất lợi của thời tiết và thiên tai. Nông nghiệp phát triển đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Không những thế, nông nghiệp còn tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa đảm bảo tiêu dùng trong nước, thậm chí một số hàng nông sản xuất khẩu chiếm vị trí cao trong thị trường thế giới.

Nông sản Việt Nam đã có bước chuyển về chất, thâm nhập được các thị trường yêu cầu cao như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Nông nghiệp nước ta đã trở thành một nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc. Sự phát triển của nông nghiệp và nông thôn đã góp phần quan trọng vào thành công của công cuộc xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nông dân, làm cơ sở ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Cùng với đó là việc tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA với mức độ hội nhập sâu rộng và toàn diện nhất từ trước tới nay của Việt Nam. Những thành tựu này cũng góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữa tháng 5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải xác định trụ cột chính của ngành là nông nghiệp, nông thôn và nông dân, các trụ cột này sẽ góp phần tiếp tục ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Trong đó, nông dân phải là trung tâm, nông thôn là nền tảng và nông nghiệp là động lực. Mọi hoạt động của ngành phải xoay quanh người nông dân, phải nâng cao đời sống tinh thần vật chất cho họ, đó là điều quan trọng nhất.

Sau 52 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau 35 năm đổi mới, nền kinh tế nước ta nói chung, lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu phát triển khả quan. Từ một nước thường xuyên thiếu và đói, hàng năm phải nhập hàng triệu tấn lương thực của nước ngoài, nay Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Sự phát triển của ngành nông nghiệp và nông thôn đã góp phần quan trọng vào thành công của công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nông dân, làm cơ sở ổn định và phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Duy Anh