Nông sản “đi” Trung Quốc tiếp tục khó khăn

- Thứ Bảy, 15/01/2022, 05:52 - Chia sẻ
Trung Quốc sẽ tạm dừng làm thủ tục thông quan hàng hóa từ ngày 31.1.2022 đến ngày 6.2.2022 (tức từ 29 tháng Chạp đến 6 tháng Giêng). Trong khi đó, hiện còn 1.600 xe chở hàng hóa xuất khẩu tồn tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, để giải phóng hết cần 12 - 15 ngày. Vì vậy, từ ngày 17.1, Lạng Sơn dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi lên các cửa khẩu. Những diễn biến này khiến nông sản “đi” Trung Quốc tiếp tục gặp khó khăn và rớt giá ở thị trường trong nước.

Áp lực chồng chất

Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn, trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lực lượng Trung Quốc sẽ tạm dừng làm thủ tục thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh  từ ngày 31.1.2022 đến ngày 6.2.2022 (tức từ ngày 29 tháng Chạp đến ngày 6 tháng Giêng).

Hiện tại, ở các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn còn tồn 1.600 xe chở hàng hóa xuất khẩu, trong đó có hơn 600 xe chở hoa quả. Mỗi ngày, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Chi Ma chỉ thông quan được 85 - 110 xe/ngày. Như vậy, phải đến 26 - 29.1.2022 mới giải phóng hết lượng xe tồn này. Trong khi đó, hàng hóa vẫn tiếp tục được đưa lên Lạng Sơn để chờ xuất khẩu. Theo số liệu, từ ngày 5.1 đến 10.1.2022 đã có thêm 680 xe mới đưa lên cửa khẩu, trung bình mỗi ngày 120 xe.

Lạng Sơn dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi lên các cửa khẩu từ 17.1

Trong bối cảnh phía Trung Quốc đang tiếp tục thực hiện chiến lược “Zero Covid”, tăng cường kiểm soát dịch tại các địa phương có cửa khẩu biên giới, hoạt động xuất khẩu hàng hóa sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện nay chỉ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại 3 cửa khẩu là cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng - Lạng Sơn và cửa khẩu Chi Ma. Cửa khẩu trọng điểm xuất khẩu hoa quả là Tân Thanh vẫn đang tạm dừng hoạt động.

Mới đây, UBND tỉnh Lạng Sơn ra thông báo tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở mặt hàng hoa quả tươi lên cửa khẩu đường bộ của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc từ ngày 17.1.2022 đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Mục đích là nhằm giảm thiểu rủi ro cho hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là hàng hoa quả tươi phải lưu kho, lưu bãi trong thời gian dài, phát sinh chi phí, gây thiệt hại kinh tế cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó để bảo đảm hạ tầng bến bãi, công tác phòng chống dịch khu vực cửa khẩu, tạo điều kiện để các cơ quan, lực lượng chức năng của tỉnh Lạng Sơn giải phóng lượng phương tiện, hàng hóa chờ xuất khẩu rất lớn còn đang ùn ứ kịp thời trước Tết Nguyên đán.

Lập nhóm công tác giải quyết ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu

Hiện tại ở Long An vẫn có thương lái thu mua thanh long của nông dân với giá 3.000 - 4.000/kg để bán trong nước, nhưng số lượng rất nhỏ lẻ. Trong khi đó, từ nay đến Tết Nguyên đán 2022, tỉnh có hơn 20.000 tấn thanh long vào vụ thu hoạch. Thị trường chính tiêu thụ thanh long là Trung Quốc vẫn chưa được khơi thông khiến người trồng hết sức lo lắng.

Từ nay đến cuối tháng 2.2022, Bình Thuận thu hoạch khoảng 120.000 tấn thanh long trái vụ, sản lượng này tương đương 30% diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh. Những ngày qua, tiêu thụ thanh long gặp khó khăn và giá thanh long liên tục giảm, hiện còn khoảng 2.000 - 4.000 đồng/kg. Trong khi đó, với thanh long trái vụ, người trồng phải bán 10.000 đồng/kg mới đủ vốn.

Liên quan việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc nói chung và thanh long nói riêng gặp khó khăn, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An cho rằng các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, có giải pháp căn cơ để xử lý dứt điểm. Trong khi đó, các doanh nghiệp, nhà kho cũng cần mở rộng đầu tư hệ thống bảo quản để chủ động ứng phó rủi ro khi có biến động ở thị trường tỷ dân này.

Sau cuộc điện đàm ngày 13.1 với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có ý kiến chỉ đạo về việc giải quyết vấn đề ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu.

Theo đó, Bộ Công thương được Thủ tướng giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và 7 tỉnh biên giới tiếp giáp với Trung Quốc (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh) khẩn trương thành lập nhóm công tác do Thứ trưởng Bộ Công thương làm tổ trưởng, phối hợp với phía Trung Quốc tiếp tục giải quyết vấn đề ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu biên giới. Đồng thời, nâng cao hiệu suất thông quan, lưu thông hàng hóa ở cửa khẩu biên giới, duy trì thương mại thông suốt giữa hai nước, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, bảo đảm kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, khoa học, an toàn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Thanh Nam cho biết, phía Trung Quốc hạn chế thông quan nông sản của Việt Nam do một số lô hàng trên bao bì, nhãn mác bị dính virus SARS-CoV-2 trong quá trình vận chuyển, chứ không phải xuất phát từ vấn đề thủ tục. Do đó, vấn đề hiện nay là phải kiểm soát, không để hàng hóa bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trước đó, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã gửi văn bản lên Thủ tướng đề xuất Chính phủ xem xét giao các địa phương có các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc khẩn trương rà soát, khảo sát, thiết lập vùng đệm đối với hàng hóa trao đổi với Trung Quốc để quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh Covid-19 tại khu vực đệm này nhằm phát hiện sớm và cách ly người/vật mắc Covid-19 ngay tại đầu vùng đệm.

Hà Lan