NSND Trà Giang và ký ức về những lần gặp Bác Hồ

- Thứ Năm, 02/09/2021, 05:06 - Chia sẻ
Trong cuộc đời mỗi con người, việc được gặp gỡ, tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ trở thành những kỷ niệm khó phai. Với NSND Trà Giang, những lần được gặp Bác đều để lại những bài học giản dị mà thấm thía về tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, là hành trang, động lực để bà phấn đấu và cống hiến trên con đường nghệ thuật của mình.

Người Việt nên dùng từ ngữ của người Việt

NSND Trà Giang sinh năm 1942 tại Quảng Ngãi, khi còn nhỏ, sống cùng gia đình tại Bình Lâm (thuộc tỉnh Bình Thuận). Năm 12 tuổi, bà theo bố mẹ ra Bắc và học Trường Học sinh miền Nam - ngôi trường dành cho con em cán bộ miền Nam ra tập kết ở miền Bắc. Năm 1959, Trà Giang thi đỗ vào trường múa. Nhưng sau đó người cha của bà phát hiện ra rằng, con người Trà Giang hợp với nghề diễn viên. Và bà đã quyết định nghỉ học múa để đến với điện ảnh. Đúng thời gian này, Bộ Văn hóa tổ chức thi tuyển diễn viên cho khóa đầu tiên của Trường Điện ảnh Việt Nam. Là người rất ăn ảnh và có đôi mắt biết nói, Trà Giang nhanh chóng lọt qua vòng thi tuyển sinh, trở thành lớp diễn viên đầu tiên của Trường Điện ảnh Việt Nam, cùng thế hệ với Minh Đức, Thụy Vân, Kim Chi...

Bức ảnh “Nụ cười hạnh phúc của cô gái nhỏ miền Nam trong vòng tay Bác” chụp Bác Hồ với nghệ sĩ Trà Giang năm 1962
Nguồn: www.qdnd.vn

Nhờ công việc của mình, nghệ sĩ Trà Giang may mắn được gặp Bác Hồ nhiều lần. Khi còn nhỏ ở trong Nam, Trà Giang và các bạn hay hát bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng, ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên Việt Nam”. Bài hát đó luôn đồng hành cho đến lúc bà ra miền Bắc, rồi được học ở Trường Học sinh miền Nam, sau đó là lớp diễn viên điện ảnh đầu tiên của Việt Nam. Lúc ra miền Bắc, bà luôn mơ ước có dịp được gặp Bác Hồ, để sau này về lại miền Nam, bà sẽ kể cho các bạn nghe. Và vinh dự đã đến khi Trà Giang đang học năm thứ 2 Trường Điện ảnh Việt Nam.

Một hôm, Hiệu trưởng nhà trường thông báo: Ngày mai có một vị lãnh tụ đến thăm trường! Nghe thông báo, bà rất háo hức. Hôm sau, đúng giờ bà và các bạn đang học múa thì Bác Hồ xuất hiện (lúc bấy giờ bà mới biết vị lãnh tụ đó là Bác Hồ). Bác tới, đám diễn viên lúc đó chỉ khoảng 16 - 17 tuổi, không còn tập trung vào giờ học nữa. Tất cả chạy ùa ra. Mọi người hồi hộp, vui sướng, chen lấn để được gần Bác. Hồi đó bà gầy gò, ốm yếu, nên chỉ lấp ló ở phía sau.

Thấy mọi người vây quanh, Bác Hồ hỏi:

- Các cháu học diễn viên điện ảnh thì học những gì?

Mọi người tranh nhau nói:

- Dạ thưa Bác! Chúng cháu học diễn viên thì học kỹ thuật về biểu diễn rồi học nhạc, học hát, học vũ ạ.

Nghe nói “học vũ”, Bác dừng lại, giải thích:

- “Vũ” là từ Hán. Việt Nam mình gọi là học múa, học hát chứ không nói là học “vũ”.

Văn nghệ sĩ phải là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa

Học đến năm thứ 2 thì nghệ sĩ Trà Giang được đóng phim đầu tiên Một ngày đầu thu, sau đó là phim Chị Tư Hậu. Đóng xong phim Chị Tư Hậu, bà được Bộ Văn hóa chọn đi dự Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 3 (năm 1962). Đó là Đại hội quan trọng nhất trong đời của bà, bởi tại Đại hội, bà thực sự mới được gần, được nhìn và được vinh dự tặng hoa Bác Hồ. Khi Bác tới, những người tham dự Đại hội hô to “Bác Hồ muôn năm”. Ai cũng muốn chạy đến bắt tay và ôm Bác. Thấy vậy Bác nói:

- Bây giờ ai cũng muốn được bắt tay Bác, Bác đề nghị cử một đại biểu cao tuổi nhất và một đại biểu trẻ tuổi nhất lên gặp Bác.

Lúc đó, nhà thơ Bảo Định Giang (hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam - BTV) mời họa sĩ Nguyễn Phan Chánh là người cao tuổi nhất (Bà còn nhớ, lúc bấy giờ mọi người bảo là người già nhất thì Bác nói một cách hóm hỉnh: Không phải là người già nhất mà là người cao tuổi nhất), và bà là người trẻ tuổi nhất. Khi nghe nói như thế, bà rất vui mừng, sung sướng, hai chân không bước nổi nữa. Bấy giờ bà đứng trong cánh gà, còn Bác Hồ đã đứng ở ngoài sân khấu. Nhà thơ Bảo Định Giang dắt bà ra trước mặt Bác và nói:

- Dạ thưa Bác! Đây là nữ diễn viên trẻ tuổi nhất. Trà Giang là người con gái Nam Bộ ạ.

Bà được tặng hoa cho Bác và trong lúc rất hào hứng, sung sướng, bà đã ôm chầm lấy Bác. Trong buổi gặp đó, Bác nói chuyện với mọi người và bà nhớ nhất đoạn:

- Ngày xưa, khi đất nước còn nô lệ, thì văn nghệ sĩ cũng là nô lệ, những người làm văn nghệ bị xã hội coi thường và nói là “xướng ca vô loài”, tức là làm văn nghệ mà không có mục đích, không có lý tưởng. Nhưng bây giờ, đất nước đã giải phóng, văn nghệ sĩ cũng là những người giải phóng. Làm văn nghệ là đem niềm vui, nỗi buồn của cuộc đời thể hiện trong những vở kịch, những bộ phim. Việc đó có ý nghĩa lắm. Văn nghệ sĩ phải là chiến sĩ trên mặt trận đó.

Những lời căn dặn của Bác tại Đại hội làm cho bà hiểu rõ hơn trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với cuộc sống.

"Mình phải tự hào dân tộc"

Sau Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 3, nghệ sĩ Trà Giang còn có vinh dự được gặp Bác thêm mấy lần. Năm 1963, phim Chị Tư Hậu được chọn tham gia Liên hoan phim Mátxcơva và giành Huy chương Bạc - giải thưởng lớn đầu tiên của điện ảnh Việt Nam. Sau khi tham dự Liên hoan phim trở về, bà được Bác mời vào Phủ Chủ tịch. Hồi đó, thường sau mỗi phim mới làm xong, Bác hay mời những người làm phim đem phim đến chiếu cho Bác cùng bác Trường Chinh, bác Phạm Văn Đồng và những người phục vụ ở cơ quan của Bác xem. Hôm đó, nghệ sĩ Trà Giang và đạo diễn Kỳ Nam đem phim Chị Tư Hậu vào chiếu cho Bác xem. Bà đang hào hứng thì Bác hỏi:

- Cháu được đi dự liên hoan phim, cháu có thích không?

 Bà trả lời:

- Thưa Bác, cháu thích lắm ạ, nhưng cũng sợ lắm ạ.

 Bác hỏi:

- Tại sao lại sợ?

Bà kể với Bác cảm giác lần đầu tiên được đi dự liên hoan ở nước ngoài mà lại là một trong những liên hoan lớn của quốc tế lúc bấy giờ, trong lòng cũng tự ti. Diễn viên các nước mặc rất nhiều quần áo đẹp, còn bà thì chỉ có vài bộ áo dài... Bà nói xong, Bác ôn tồn bảo:

- Tại sao cháu lại tự ti? Mình phải tự hào dân tộc, bởi vì Bác nghĩ bộ áo dài của Việt Nam là đẹp lắm, căn bản là cái gốc của mình. Qua phim, cháu giới thiệu cho mọi người thấy được cuộc sống của người Việt Nam. Đó là việc rất tự hào, không có gì phải tự ti cả.

Lần gặp này, những lời dạy của Bác đã để lại cho bà nhiều bài học. Đó là cuộc sống của nghệ sĩ, việc quan trọng là tâm hồn gửi gắm vào nhân vật mình diễn, chứ không phải hình thức bên ngoài.

Lịch sử đã lùi xa, nhưng những lần gặp Bác đối với NSND Trà Giang luôn là kỷ niệm khó phai. Những lời dạy của Bác được bà khắc ghi suốt cả cuộc đời, để rồi bà luôn phấn đấu trong từng vai diễn, cống hiến cho nghệ thuật điện ảnh nước nhà.

Minh Phương
(ghi theo lời kể của NSND Trà Giang)