Tổng thống Mỹ công du châu Âu

Nước Mỹ trở lại

- Thứ Ba, 08/06/2021, 06:39 - Chia sẻ
Ngày mai, 9.6, ông Joe Biden sẽ có chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến châu Âu với tư cách là Tổng thống Mỹ. Nhìn vào lịch trình của ông, có thể thấy, chuyến công du được thiết kế để tái khẳng định với thế giới rằng Hoa Kỳ đã trở lại sân khấu toàn cầu.

Trong một bài viết trên tờ The Washington Post hôm 6.6, ông Biden tuyên bố, chuyến đi này nhằm hiện thực hóa cam kết mới của Mỹ với các đồng minh và đối tác, đồng thời thể hiện năng lực của các nền dân chủ trong việc đáp ứng những thách thức và mối đe dọa của thời đại mới. “Cho dù đó là kết thúc đại dịch Covid-19 ở khắp nơi, đáp ứng nhu cầu của một cuộc khủng hoảng khí hậu đang gia tăng, hoặc đối mặt với các hoạt động có hại của một số quốc gia, nước Mỹ phải dẫn dắt thế giới từ một vị thế mạnh mẽ”, ông Biden tuyên bố.

Dự kiến sau Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển (G7) ở Anh, ông Biden sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Bỉ và sẽ tham gia cuộc họp song phương với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Geneva. Và, trong khi châu Âu là địa điểm diễn ra hàng loạt sự kiện trên thì cuối cùng lại tập trung vào Trung Quốc.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Củng cố mục tiêu của G7

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7, ông Biden cho biết ưu tiên hàng đầu của các nước G7 sẽ là "chấm dứt đại dịch, bảo đảm an ninh y tế cho tất cả các quốc gia và thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu mạnh mẽ, bao trùm”. Nhóm các nền kinh tế và dân chủ hàng đầu này đã không gặp mặt trực tiếp trong hai năm do đại dịch Covid-19.

Trong bài viết của mình, ông Biden nhấn mạnh đến thỏa thuận lịch sử của G7 về việc đánh thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu ở mức tối thiểu 15% tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính của G7 ngày 4 - 6.6 vừa qua. Tổng thống Mỹ cho biết đây là “cam kết chưa từng có để chấm dứt cuộc đua xuống đáy về thuế doanh nghiệp”. Ông nói thêm rằng, "với việc nước Mỹ đã trở lại “ghế chủ tịch” về vấn đề biến đổi khí hậu, chúng tôi có cơ hội mang lại những tiến bộ đầy tham vọng nhằm kiềm chế cuộc khủng hoảng khí hậu và tạo ra việc làm bằng cách thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch trên toàn cầu”.

“Chúng tôi cũng sẽ tập trung vào việc bảo đảm rằng các nền dân chủ thị trường, chứ không phải Trung Quốc hay bất kỳ ai khác, viết ra các quy tắc của thế kỷ XXI xung quanh thương mại và công nghệ”, ông Biden khẳng định.

Ông Biden nói rằng, việc nâng cao khả năng cạnh tranh của các nền dân chủ và bảo vệ người dân trước những mối đe dọa không lường trước được đòi hỏi phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Các nền dân chủ lớn trên thế giới sẽ cung cấp một giải pháp thay thế Trung Quốc để nâng cấp cơ sở hạ tầng vật lý, kỹ thuật số và y tế.

Ngay trước chuyến thăm, Chính quyền Biden đã ban hành một sắc lệnh hành pháp hôm 4.6 nhằm mở rộng sắc lệnh trước đó của cựu Tổng thống Donald Trump về việc cấm đầu tư của Mỹ vào các công ty Trung Quốc có liên quan đến quân đội hoặc công nghệ giám sát.

Hồi sinh liên minh xuyên Đại Tây Dương

Hồi sinh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vốn đã trở nên nguội lạnh dưới thời Tổng thống Donald Trump, cũng là mục tiêu chính của chuyến thăm lần này.

“Trong thời gian ở Brussels, tôi sẽ gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu để thảo luận về cách Mỹ và châu Âu có thể phối hợp chặt chẽ trong các thách thức toàn cầu. Chúng tôi sẽ tập trung vào việc bảo đảm rằng các nền dân chủ thị trường, chứ không phải Trung Quốc hay bất kỳ ai khác, viết ra các quy tắc của thế kỷ XXI xung quanh thương mại và công nghệ”, ông Biden khẳng định.

Trước đó, ông Biden đã có một động thái ý nghĩa khi “nhổ đi chiếc gai” trong quan hệ với Liên minh châu Âu (EU). Từ lâu trong quan hệ với châu Âu, Tổng thống Biden đã coi Dòng chảy phương Bắc 2 (Nordstream 2) là “một thỏa thuận tồi”. Phát biểu tại lễ nhậm chức tháng 1.2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng cho biết, chính quyền tiếp theo sẽ “quyết tâm làm mọi thứ có thể để ngăn cản việc hoàn thành dự án này".

Tuy nhiên, những nỗ lực ngăn chặn Dòng chảy phương Bắc 2 có thể là cú đánh chí mạng vào liên minh xuyên Đại Tây Dương bởi chính quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel coi khí đốt của Nga là một nguồn cung thay thế cho kế hoạch loại bỏ từng giai đoạn việc sử dụng than đá.

Trong một động thái bất ngờ vào tháng trước, Mỹ đã dừng trừng phạt một công ty thi công dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Kể từ đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã công khai lên tiếng về “mối quan hệ vô cùng tốt đẹp mà chúng tôi đã xây dựng với chính quyền Tổng thống Biden”.

Những nội dung của thỏa thuận dường như đã rõ ràng: Đức sẽ không bị gây khó dễ về dự án Dòng chảy phương Bắc 2 và đạt được chính sách khí hậu mà nước này mong muốn, trong khi Mỹ sẽ có sự ủng hộ của Đức nhằm thực hiện chiến lược mới với Trung Quốc và bảo vệ trật tự thế giới dựa trên các quy tắc. Cựu Tổng thống Donald Trump cho rằng Mỹ không cần các đồng minh ở châu Âu để đạt được các mục tiêu về kinh tế và chính trị nhưng chính quyền Tổng thống Biden thì lại cho rằng liên minh xuyên Đại Tây Dương chính là nền tảng an ninh quốc gia và kinh tế của Mỹ. Đó là lý do ông sẵn sàng nhượng bộ về vấn đề Dòng chảy phương Bắc 2 để thúc đẩy sự đoàn kết của phương Tây trong lập trường với Trung Quốc.

Với Nga, Tổng thống Biden dường như đang thể hiện rằng phương Tây có khả năng kiềm chế Nga song sẽ thực hiện một cách chừng mực để không đẩy Moscow xích lại quá gần Bắc Kinh. Tại Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới ở Geneva, Tổng thống Biden có thể sẽ gửi tới Tổng thống Putin một thông điệp rằng, ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc sẽ không phục vụ cho lợi ích an ninh quốc gia của Nga. “Trong các cuộc điện đàm với Tổng thống Putin mới đây, tôi đã nói rõ ràng và trực tiếp rằng nước Mỹ không tìm kiếm xung đột. Chúng tôi muốn có một mối quan hệ ổn định và có thể dự đoán được, nơi chúng tôi có thể làm việc với Nga về các vấn đề như ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí. Đó là lý do tôi đã hành động ngay lập tức để gia hạn Hiệp ước START mới trong 5 năm”, ông Biden nói hôm 6.6.

Tái khẳng định cam kết với NATO

Trong một nỗ lực nhằm trấn an các nước đồng minh, ông Biden cho biết, tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO sắp tới tại Brussels, ông “sẽ khẳng định cam kết kiên định của nước Mỹ đối với Điều 5 Hiến chương NATO và bảo đảm liên minh của chúng ta vững mạnh khi đối mặt thách thức, bao gồm các mối đe dọa như tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng quan trọng”.

Tuyên bố này là lời khẳng định quan trọng đối với vị trí và vai trò sen đầm của Mỹ trong mối quan hệ với NATO sau thời kỳ Mỹ gần như áp dụng chủ trương “nước Mỹ là trên hết” dưới thời ông Donald Trump. Trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông Trump thường xuyên chỉ trích NATO và các thành viên khác đã không chi trả công bằng cho chi tiêu quốc phòng. Thậm chí ban đầu, ông Trump còn từ chối khẳng định Điều 5 của Hiệp ước thành lập NATO tháng 5.2017, trong đó nêu rõ: “Các bên đồng ý rằng một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều người trong số họ ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả”. Chính vì vậy, các thành viên NATO vẫn cảnh giác và không chắc chắn về cam kết của ông Trump với tổ chức này trong suốt nhiệm kỳ. Việc lấy lại ảnh hưởng của Mỹ ở NATO cũng như lòng tin của đồng minh và Mỹ sẽ là mục tiêu quan trọng của ông Biden tại hội nghị sắp tới.

Đạt Quốc