Nước ngầm không thể mãi “miễn phí”

- Thứ Tư, 17/10/2018, 09:19 - Chia sẻ
Khai thác nước ngầm quá mức là một trong những nguyên nhân gây sụt lún tại đồng bằng sông Cửu Long, vốn chỉ cao hơn 1 - 2m so với mực nước biển. Hơn 25 năm qua, vùng đất này đã chìm khoảng 18cm, đặc biệt những năm gần đây tốc độ sụt lún lên tới 1 - 3cm/năm. Các nhà nghiên cứu nhận định kết quả này “nghiêm trọng hơn dự tính” trong khi nguồn nước ngầm đang bị khai thác, sử dụng không hiệu quả.

“Nghiêm trọng hơn dự tính”

Tháng 6.2017, ông Tom Kompier- đại diện Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan đã trao kết quả nghiên cứu “Tác động của 25 năm khai thác nước ngầm ở Đồng bằng sông Cửu Long” trong khuôn khổ Dự án Rise and Fall cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nghiên cứu đã chỉ ra tình trạng khai thác nước ngầm là nguyên nhân chính khiến đồng bằng song Cửu Long lún 1 - 3cm/năm và tốc độ ngày càng tăng, cùng với cảnh báo “kết quả này nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì chúng tôi dự tính ban đầu”.

Thực tế, dự báo về việc khai thác nước ngầm quá mức đã diễn ra từ lâu. Ngay từ năm 2008, báo cáo của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Nam đã chỉ ra là nhu cầu về nước ngầm đang tăng khoảng 10%/năm. Dự kiến đến năm 2020, tổng nhu cầu nước ngầm cho tất cả các hạng mục dự kiến là khoảng 5 triệu m3. Tuy nhiên, tổng dự trữ nước ngầm ước tính hàng năm chỉ là 4,5 triệu m3, tương đướng 88% nhu cầu dự kiến. Điều này nhanh chóng dẫn đến việc khai thác nước ngầm quá mức.

Bên cạnh sự suy giảm thì ô nhiễm cũng là tình trạng báo động đối với nguồn nước ngầm ở nước ta hiện nay. Các kết quả quan trắc về chất lượng nước của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia cho thấy sự gia tăng ô nhiễm với các chỉ số kim loại nặng cao hơn mức cho phép nhiều lần tại Đồng bằng song Cửu Long. Khi bị khai thác nhiều, nước sẽ chảy mạnh, tốc độ thấm nước nhanh, kéo theo các chất bẩn ngấm vào nguồn nước. Cùng với đó, các giếng khoan hộ gia đình sau khi không sử dụng không được lấp đúng cách khiến các chất độc hại theo đường giếng ngấm vào mạch nước ngầm, gây ô nhiễm, ảnh hưởng lớn tới đời sống và sức khỏe người dân.

Hiện tại việc hạn chế việc khai thác nước ngầm tự phát của hộ gia đình vẫn chưa được chú trọng. Hiện mới chỉ mới có TP Hồ Chí Minh có Quyết định số 69/QĐ-UBND nhằm hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất ở một số khu vực trên địa bàn thành phố vào năm 2007. Tuy nhiên, các quy định này vẫn không được tuân thủ chặt chẽ, tình trạng khai thác nước ngầm trái phép vẫn diễn ra phổ biến; dù quy định rất cụ thể về khu vực nào hạn chế, cấm và ở mức độ nào.

Đề xuất thu phí nước ngầm

Luật Tài nguyên nước 2012 cung cấp khung pháp lý để tính phí sử dụng nước ngầm cho mục đích thương mại, nhưng các công ty chỉ phải trả tiền một lần cho phí đăng ký và đánh giá. Họ không phải trả tiền cho khối lượng nước ngầm sử dụng, trong khi chi phí xử lý nước ngầm trung bình khoảng 600 VNĐ/m3, so với 11.265 VNĐ/m3 của nước máy bơm. Chi phí sử dụng quá thấp, thậm chí là bằng không như vậy dẫn đến tình trạng người dùng không có động lực để sử dụng nước ngầm hiệu quả.

Để đối phó với tình trạng này, nhiều chuyên gia đề xuất cần phải coi nước là hàng hóa khan hiếm và người dùng phải trả giá để được sử dụng nước, theo đúng giá trị gia tăng mà nó tạo ra cho xã hội. Tính phí sử dụng nước ngầm sẽ là biện pháp hiệu quả nhất để hạn chế tình trạng khai thác, sử dụng nước ngầm bừa bãi, lãng phí. Bên cạnh đó, chuyển dần từ khai thác nước ngầm sang sử dụng nước mặt. Đây là việc cần thiết, song giảm sử dụng nguồn nước ngầm tại khu vực nào, giảm đến mức độ bao nhiêu cần phải gắn với việc đánh giá về chất lượng và trữ lượng tại khu vực đó, cũng như lộ trình đầu tư các nhà máy nước mặt mới.

Theo nghiên cứu của TS. Lê Việt Phú, ĐH Fulbright Việt Nam về giá trị của nước ngầm phục vụ tưới tiêu ở Việt Nam đã ước tính ra mỗi ha tiêu tốn khối lượng nước ngầm có giá trị là 6,32 triệu VNĐ/năm, tương đương khoảng 1/3 thu nhập ròng trên mỗi ha đất. Như vậy, tổng giá trị của nước ngầm cho tưới tiêu nông nghiệp không thấp hơn 1.200 tỷ VNĐ trong năm 2010. Điều này là những cơ sở vững chắc ban đầu cho việc đề xuất thu phí sử dụng nước ngầm. Tuy nhiên, điều này sẽ đòi hỏi nhiều nguồn lực, thời gian và phải đối mặt với nhiều thách thức. Vì vậy, việc tuyên truyền, giáo dục về các tác hại của việc sử dụng nước ngầm cũng như phát triển các giải pháp tiết kiệm nước sạch, xử lý nước mặt cũng cần được tiến hành đồng thời và song song.  

Thành An