Nuôi động vật hoang dã làm thú cưng: Nhiều rủi ro

- Thứ Ba, 28/09/2021, 19:23 - Chia sẻ
Trào lưu nuôi động vật hoang dã làm thú cưng đang dần trở nên phổ biến ở nước ta, đặc biệt trong giới trẻ. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro không chỉ cho động vật được nuôi, người nuôi mà còn đối với môi trường sinh thái.

"Nhiều người nổi tiếng cũng nuôi động vật hoang dã"

Chia sẻ tại toạ đàm trực tuyến “Khi động vật hoang dã là thú cưng” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Tổ chức Động vật châu Á (AAF) và Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) phối hợp tổ chức ngày 28.9, ông Nguyễn Tam Thanh, đại diện AAF cho biết: Việt Nam đứng 16 trên thế giới về đa dạng sinh học nhưng hoạt động khai thác, săn bắt cũng rất mạnh mẽ. Việt Nam cũng là nơi trung chuyển, tiêu thụ động vật hoang dã song hiện chưa có nhiều khảo sát, do đó chưa đưa ra được bức tranh về buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp đầy đủ tại Việt Nam.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu kiểm tra cơ sở gây nuôi động vật hoang dã cầy vòi hương trên địa bàn. Ảnh: TTXVN
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu kiểm tra cơ sở gây nuôi động vật hoang dã cầy vòi hương trên địa bàn.
Ảnh: TTXVN

Trên thực tế, trào lưu nuôi động vật hoang dã làm thú cưng dần trở nên phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là trong giới trẻ. “Nhiều người nổi tiếng cũng nuôi động vật hoang dã. Thị hiếu nuôi động vật hoang dã rất phổ biến dù đã có nhiều quy định pháp luật. Nhiều người nuôi không quan tâm tới vấn đề pháp lý hay nguồn gốc loài”, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Trung tâm Hành động vì động vật hoang dã Việt Nam (WildAct) cho biết.

Kết quả khảo sát của ATP cho thấy, thị trường thú cảnh 12 tháng qua (từ tháng 9.2020 – 9.2021) có 1.912 cá thể bị rao bán trên online, tập trung vào các loài ở miền Nam (rùa ba gờ, rùa núi vàng, rùa hộp lưng đen…). Internet trở thành phương tiện chính để quảng cáo, giao dịch, buôn bán rùa trái phép. Việc mua bán diễn ra từ cách đây hơn 10 năm khá công khai nhưng nay chuyển sang các hình thức hội/nhóm kín hơn, sử dụng thuật ngữ để tránh bị lọc theo từ khóa hoặc bị phát hiện vi phạm, bà Nguyễn Thu Thủy, đại diện ATP xác nhận.

Ông Nguyễn Tam Thanh bổ sung, khi muốn tìm hiểu thông tin quảng cáo, buôn bán động vật hoang dã trái phép thì không quá khó khăn bởi hiện có rất nhiều kênh quảng cáo. Đáng chú ý, hầu hết động vật hoang dã bị bắt từ tự nhiên (chẳng hạn để bắt khỉ con, người đi săn có thể phải săn/giết cả gia đình khỉ). Điều này khiến các cá thể dễ mắc chứng sợ hãi, khó tái thả tự nhiên hoặc có những hành vi rập khuôn, bất thường, trầm cảm, dễ bị nhiễm bệnh, khó sống sót qua tuổi trưởng thành.

Việc nuôi động vật hoang dã đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. TS. Phạm Đức Phúc, Đại học Y tế công cộng cho biết: Tất cả động vật hoang dã đều có tác nhân gây bệnh. 60% bệnh truyền nhiễm trên người hiện nay có nguồn gốc từ động vật. 70% bệnh truyền nhiễm mới nổi cũng có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Đáng chú ý, động vật hoang dã có thể mang vi khuẩn và các gene như gene kháng kháng sinh…

Còn theo Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), mua bán thú nuôi hoang dã đang là một trong những lý do khiến hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp trở thành mối đe doạ lớn đối với đa dạng sinh học và là mối đe doạ trực tiếp lớn thứ hai đối với sự sinh tồn của các loài, chỉ sau việc môi trường sống ngoài tự nhiên của chúng bị phá huỷ. Bởi lẽ, nhu cầu nuôi động vật hoang dã sẽ thúc đẩy nhu cầu săn bắt và buôn bán các loài này, đẩy các loài hoang dã tới sự suy giảm loài và có nguy cơ tuyệt chủng. Việc nuôi động vật hoang dã cũng gây ra nhiều rủi ro cho loài động vật bị nuôi nhốt do nhu cầu khác biệt về dinh dưỡng, điều kiện sinh sống và yếu tố tâm lý…

Rà soát các loài chưa được bảo vệ

Theo các chuyên gia, hiện đã có nhiều quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã như Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, các văn bản hướng dẫn thi hành và các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia… Tuy vậy, việc thực thi vẫn còn nhiều vấn đề. Đơn cử, theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nghiêm cấm nhập các loài ngoại lai xâm hại. Song, thực tế vẫn có sai phạm như một doanh nghiệp ở Cần Thơ nhập một tấn rùa tai đỏ và đã bị cảnh cáo.

 Do vậy, để hạn chế tình trạng buôn bán, nuôi động vật hoang dã, các chuyên gia kiến nghị, cần rà soát các loài hoang dã chưa được bảo vệ, nghiên cứu thực trạng để đưa vào các phụ lục. Bên cạnh đó, cần rà soát cơ sở gây nuôi; giám sát khu vực nhạy cảm (sân bay, bến xe, nhà hàng…); đẩy mạnh hợp tác quốc tế (vấn nạn nhập khẩu động vật hoang dã làm thú cưng từ các quốc gia). Đồng thời, cần nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi pháp luật trong việc nhận diện loài, qua đó giúp họ nhận diện được các loài bị buôn bán trái phép, nhất là khi có thể đưa các loài động vật rừng thông thường vào nhóm được bảo vệ.

TS. Phạm Đức Phúc bổ sung, dưới góc nhìn y tế, trước tiên cần có quy định pháp luật rõ ràng, dễ thực thi, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa là thách thức vừa là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách có hướng dẫn chi tiết hơn dựa trên bằng chứng khoa học, dịch bệnh, phúc lợi động vật, mất đa dạng sinh học.

Cũng theo ông Phúc, hiện Việt Nam chưa có hệ thống dữ liệu đủ mạnh để góp ý cho các nhà hoạch định chính sách. Do đó, cần xây dựng liên minh thu thập dữ liệu trong nước và quốc tế, tận dụng dữ liệu sẵn có và thực tế tại Việt Nam. Ngoài ra, cần khắc phục tình trạng thiếu sự hợp tác giữa các bên và thúc đẩy chia sẻ thông tin, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về bảo tồn động vật hoang dã cho người dân.

Minh Châu