Nuôi dưỡng sáng tạo từ nhà trường

- Thứ Năm, 22/07/2021, 06:20 - Chia sẻ
Tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên cho Hà Nội nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới hấp dẫn hơn. Theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu này, thành phố cần có nguồn nhân lực sáng tạo, và phải bắt đầu từ giáo dục.

Coi trọng giáo dục sáng tạo

Cuối năm 2019, Hà Nội vinh dự trở thành một trong 246 thành phố của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO về lĩnh vực thiết kế. Đây là cơ hội lớn để Hà Nội định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong các lĩnh vực của công nghiệp văn hóa; thúc đẩy cạnh tranh thu hút đầu tư; kích thích tái tạo đô thị; phát triển các chương trình giáo dục và sự kiện văn hóa gắn với tầm nhìn phát triển bền vững.

Tuy nhiên, để Hà Nội là Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế, từ đó nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn, theo PGS. TS. Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, điều quan trọng là có nguồn nhân lực. Con người là chủ nhân của sáng tạo, là động lực để sáng tạo hình thành, phát triển và cũng con người là đối tượng duy trì sáng tạo. Vì thế, với mong muốn sáng tạo bền vững, chúng ta cần có công dân sáng tạo, làm chủ và nâng tầm sáng tạo, bắt đầu từ trẻ em được giáo dục sáng tạo.

“Giả sử, với vị trí là Thủ đô - trung tâm hàng đầu về chính trị, văn hóa, kinh tế, Hà Nội sẽ thu hút được các nhân tài sáng tạo. Nhưng nếu người Hà Nội không cộng lực, không phát triển thì sáng tạo sẽ ra sao? Vì thế, công dân Hà Nội cần tôn trọng và sẵn sàng chào đón sự sáng tạo, biết tôn vinh, hưởng thụ thành quả sáng tạo và cùng sáng tạo. Do đó, trước hết là giáo dục, và bằng giáo dục để tạo ra người Hà Nội như vậy” - PGS. TS. Chu Cẩm Thơ khẳng định.

Những nghiên cứu gần đây đã làm rõ vai trò của người trẻ trong sự phát triển của thế giới, đặc biệt nhấn mạnh họ là chủ thể của sáng tạo. Chỉ tính trong 10 năm gần đây, những phát kiến về công nghệ của người trẻ đã thay đổi toàn cầu. Hơn nữa, có rất nhiều sáng kiến được tạo ra ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, và đều tập trung ở các quốc gia coi trọng giáo dục sáng tạo.

Bởi vậy, ngày càng có nhiều quốc gia quan tâm thực hiện đổi mới giáo dục. Với Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, một điểm hạn chế trong giáo dục được chỉ ra là chưa tạo ra nhiều năng lượng sáng tạo với học sinh, sinh viên. Trong trường học vẫn còn phổ biến câu chuyện thầy đọc, trò chép, học viên chỉ ghi nhớ, nắm kiến thức mà giảng viên trao, ít tự tìm tòi, khám phá. Thực tế này đòi hỏi nếu muốn có động lực mới trong phát triển phải thay đổi mô hình, cách thức giáo dục.

Hà Nội cần hướng tới giáo dục phát triển tư duy sáng tạo
Nguồn: ITN 

Tập trung phát triển tư duy

Để Hà Nội thực sự trở thành Thành phố sáng tạo, cần có sự quan tâm đầu tư và phát triển giáo dục sáng tạo trong các nhà trường của Hà Nội. Theo PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: “Khi xây dựng Thành phố sáng tạo, chúng ta cũng mong muốn thay đổi giáo dục sáng tạo. Vì vậy, 2 vấn đề này phải song hành và tạo điều kiện cho nhau”.

Trong khi đó, PGS. TS. Chu Cẩm Thơ cho rằng, Hà Nội cần ban hành chương trình giáo dục địa phương hướng tới giáo dục phát triển tư duy sáng tạo, tư duy thiết kế. Trong phạm vi quyền hạn của mình, UBND TP. Hà Nội được chủ trì xây dựng và đưa vào chương trình giáo dục phổ thông chương trình giáo dục địa phương. Những năm qua, Hà Nội tập trung vào giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch và đã thu được những thành tựu nhất định. Trong giai đoạn tiếp theo, Hà Nội cần chuyển đổi, tập trung vào giáo dục văn minh, thanh lịch với nền tảng là tư duy sáng tạo, tư duy thiết kế, gồm giáo dục giá trị sáng tạo, tôn trọng thẩm mỹ. Hà Nội có thể chọn các nội dung giáo dục như các phương pháp sáng tạo (TRIZ); tư duy thiết kế (STEM/STEAM - vì một trong cách thức thiết kế bài học STEM/ STEAM là dựa trên tư duy thiết kế); dự án học tập tập trung cho người học thiết kế các sản phẩm sáng tạo dựa trên văn hóa truyền thống và tích hợp công nghệ hiện đại.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần tạo ra các trung tâm kết nối hệ sinh thái sáng tạo từ triển lãm thiết kế đến thực hành thiết kế cho mọi người, thúc đẩy học tập sáng tạo suốt đời. Thành lập của các trung tâm sáng tạo là cần thiết. Tuy nhiên vai trò, trách nhiệm và nội dung hoạt động của các trung tâm này cần được cân nhắc để đạt tới mục tiêu là trung tâm kết nối nguồn lực xã hội phục vụ phát triển thiết kế sáng tạo.

Cũng theo PGS. TS. Chu Cẩm Thơ, cần thúc đẩy giáo dục mở - nhà trường sáng tạo trên nền tảng hợp tác doanh nghiệp - xã hội. Các bài học từ thành phố sáng tạo cho thấy, giáo dục cần được triển khai theo nghĩa rộng, nghĩa là trường học mở cửa các dự án học tập để doanh nghiệp và tổ chức xã hội có thể tham gia vào quá trình xây dựng - thiết kế. Thực tế cho thấy, xu hướng này bắt đầu được phát triển tại Việt Nam. Nhiều trường đại học và doanh nghiệp, tổ chức xã hội đã triển khai các dự án liên trường, vừa thực hiện chiến lược của đơn vị, tổ chức, vừa thúc đẩy liên cấp các mục tiêu giáo dục nhắm tới sự sáng tạo, tạo ra sản phẩm có giá trị.

Trong tương lai, những mô hình như vậy cần được mở rộng, đẩy mạnh, nhằm tạo ra lớp trẻ khát khao sáng tạo, cũng như môi trường lấy giới trẻ làm trung tâm trong ngành công nghiệp sáng tạo.

Ngọc Phương