Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020

Ông Joe Biden và chính sách với Trung Quốc

- Thứ Bảy, 19/09/2020, 07:26 - Chia sẻ
Bất kỳ ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới cũng không làm thay đổi thực tế đang nổi lên rõ ràng: Mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ khó được cải thiện, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và chính quyền mới gần như chắc chắn sẽ tiếp tục đường lối cứng rắn trước Bắc Kinh. Đó là nhận định của hầu hết chuyên gia khi đánh giá về chính sách đối với Trung Quốc của Mỹ trong trường hợp ứng cử viên Dân chủ Joe Biden lên nắm quyền.

Lập trường không đổi

Đầu tháng 8 vừa qua, trợ lý chiến dịch tranh cử của ông Biden đã phải gấp rút làm rõ nội dung trả lời phỏng vấn của ông Biden với National Public Radio, trong đó một số báo đã dẫn lại, rằng “ông sẽ xóa bỏ thuế quan mà Tổng thống Donald Trump áp với hàng hóa Trung Quốc”. “Ông Biden sẽ đánh giá lại mức thuế nếu chiến thắng chứ không cam kết xóa bỏ chúng”, vị trợ lý đính chính. Nhưng phản ứng gay gắt trong dư luận với ý kiến cho rằng, vị ứng cử viên Dân chủ có vẻ đang tỏ ra “mềm yếu” trước Trung Quốc, hoặc trong vấn đề thương mại, cho thấy những thách thức mà ứng viên này phải đối mặt khi chạy đua vào Nhà Trắng trước đối thủ là Tổng thống đương nhiệm có lập trường chống Trung Quốc mạnh mẽ như ông Donald Trump.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Ảnh Reuters

Trong gần 4 năm cầm quyền, ông Donald Trump đã rũ bỏ chính sách thúc đẩy hợp tác Mỹ - Trung từng tồn tại trong nhiều thập kỷ. Coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh với sức mạnh ngày một lớn, tiếp đó chính quyền Donald Trump đã thực thi trừng phạt thuế, hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, gây sức ép buộc đồng minh từ bỏ công nghệ của Trung Quốc.

Giới cố vấn cho ứng cử viên Joe Biden cho biết họ chia sẻ cách tiếp cận của ông Donald Trump coi Trung Quốc là đối thủ. Điều này phần nào cho thấy, dù ông Biden có lên nắm quyền tại Nhà Trắng vào tháng 1.2021, rạn nứt trong quan hệ Mỹ - Trung vẫn sẽ ở mức cao. Nó sẽ gây ra những tác động lớn đối với chuỗi cung và hệ thống công nghệ trong một thế giới dường như được chia làm hai mạng lưới, thúc ép các nước phải chọn phe trước Mỹ hay Trung Quốc.

“Tôi nghĩ là có đồng thuận rộng rãi trong nội bộ đảng Dân chủ về việc ông Donald Trump cơ bản đã định danh chính xác cách hành xử của Trung Quốc” - Kurt Campell nói. Kurt Campell là trợ lý Ngoại trưởng Mỹ thời Barack Obama, kiến trúc sư trưởng của chiến lược “Tái cân bằng” tại châu Á - Thái Bình Dương và hiện là cố vấn cấp cao cho chiến dịch tranh cử của Joe Biden.

Giới phụ tá của ứng cử viên đảng Dân chủ cũng cho biết, Mỹ sẽ mở rộng chiến dịch dựa vào hỗ trợ của nhà nước để tăng sức cạnh tranh trong các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử và mạng 5G. Chính sách này nhằm mục tiêu hạn chế, kiểm soát sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng của Trung Quốc, giảm phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc.

Đòn trừng phạt thuế của ông Donald Trump có thể cũng vẫn sẽ được Mỹ duy trì dưới thời Tổng thống Joe Biden. Ông Biden lên tiếng chỉ trích việc ông Donald Trump phát động chiến tranh thương mại là hành động tự bắn vào chân mình. Nhưng chiến dịch tranh cử của ông không hề có cam kết xóa bỏ thuế. Giới nghị sĩ Dân chủ tại Quốc hội nói rằng họ sẽ gây sức ép để ông Joe Biden duy trì một số hình thức trừng phạt thuế nhằm bảo vệ việc làm cho người lao động Mỹ.

Tuyên bố tạo dựng "cơ hội mới cho công nhân và doanh nghiệp mới, trong khi hỗ trợ nhiều khu vực trên thế giới giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc" của ông Biden không khác nhiều so với cam kết "đưa 1 triệu công việc sản xuất từ Trung Quốc quay lại Mỹ" của Tổng thống Donald Trump. Điều đó khiến nhiều nhà phân tích cho rằng, sự khác biệt trong chính sách với Trung Quốc của 2 ứng viên này nằm ở nội dung chi tiết chứ không phải chiến lược chung.

Chiến thuật khác biệt

Không khác nhiều trong cách đánh giá về Trung Quốc, nhưng hai ứng cử viên tranh cử đang phát đi những tín hiệu cho thấy sự khác biệt về chiến thuật và thông điệp.

Đối với Trung Quốc, lập trường nổi bật của ông Biden là phải cạnh tranh trong những mặt nhất định và hợp tác trong những mặt khác nhằm chấm dứt sự thiếu sót trong quan điểm về chính sách thương mại "có tổng bằng 0" của Tổng thống Donald Trump.

Cựu Thứ trưởng Thương mại Frank Lavin nhận định: “Theo tôi, ông ấy sẽ giữ lại một số yếu tố trong chính sách của Tổng thống Donald Trump nhưng chắc chắn sẽ không tiếp tục lập trường cứng rắn hoặc kiểu cạnh tranh hiếu thắng như vậy”.

"Tôi nghĩ những khác biệt thực sự nằm ở chiến thuật ngắn hạn. Chiến dịch tranh cử của ông Biden chủ yếu chỉ trích chính sách thương mại dưới thời Tổng thống Donald Trump là Mỹ đã chọn chiến tranh thương mại với cả các đồng minh thay vì tập trung nguồn lực đối phó với Trung Quốc và Washington không nhất thiết phải xa rời các quốc gia mà nước này phải duy trì quan hệ thân thiết", Edward Alden - chuyên gia về chính sách thương mại thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại nhận định.

Bản thân ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ chỉ trích mạnh lối hành xử của ông Donald Trump trước đồng minh và đối tác. Ông Biden khẳng định, nếu thắng cử, nước Mỹ dưới quyền ông sẽ hợp tác chặt chẽ với đồng minh, nhằm thiết lập một chiến dịch điều phối toàn cầu để gây sức ép với Bắc Kinh. Chiến lược này sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc cùng lúc phát động chiến tranh thương mại với cả châu Âu, Canada, Mexico, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Với lập trường này, ông Biden được dự đoán sẽ dỡ bỏ 232 loại thuế quan gây tranh cãi đối với mặt hàng nhôm và thép được áp lên các đồng minh của Mỹ từ Hàn Quốc, Brazil cho tới Canada và Liên minh châu Âu.

Khác biệt trong phương thức hành động của hai ứng cử viên phản ánh tính đối lập về triết lý lãnh đạo. Joe Biden dành phần lớn 40 năm hoạt động chính trị cho việc hợp tác với các nhà lãnh đạo thế giới nhằm tạo dựng một trật tự toàn cầu hiện đại đặt dưới sự chi phối của Mỹ. Ngược lại, ông Donald Trump bước vào chính trường theo lối tay ngang, với đường hướng nổi bật là chống lại trật tự đó. Chính ông là người từng nghi ngờ về giá trị của quan hệ quân sự, thương mại giữa Mỹ với hai đồng minh chủ chốt là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hơn bốn thập kỷ qua, các đời Tổng thống Mỹ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cùng với giới lãnh đạo các tập đoàn xuyên quốc gia tìm cách khuyến khích Trung Quốc hội nhập với Mỹ và thế giới. Họ cho rằng điều này có lợi cho Mỹ và cũng sẽ đưa đến bước mở cửa lớn hơn của Bắc Kinh theo hướng tuân thủ luật lệ toàn cầu.

Nhưng giờ đây lại xuất hiện đồng thuận mới ở Washington: Không còn ai nhìn nhận Trung Quốc đang theo con đường hội nhập với hệ thống kinh tế, chính trị phương Tây. Căng thẳng, sự đối địch Mỹ - Trung không chỉ thể hiện trong thương mại, mà còn trong nhiều vấn đề khác...

“Bất kể ai chiến thắng, chính sách của Mỹ với Trung Quốc trong 5 năm tới sẽ cứng rắn hơn so với 5 năm vừa qua. Trung Quốc đã thay đổi và cách suy nghĩ của Mỹ về Trung Quốc cũng đã đổi thay”, Richard Haass, cựu quan chức Ngoại giao dưới thời chính quyền George W. Bush và hiện là Chủ tịch tổ chức Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) có trụ sở ở New York nhận định.

Theo SCMP, WJP

Đạt Quốc