Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Ngành Dầu khí Việt Nam (27.11.1961 - 27.11.2021)

PETROVIETNAM - Hành trình 60 năm khởi nguồn và phát triển

- Thứ Sáu, 26/11/2021, 05:34 - Chia sẻ
TS. Lê Mạnh Hùng, đại biểu Quốc hội - Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam
Trải qua 6 thập kỷ hình thành và phát triển, các thế hệ người lao động Dầu khí luôn nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện bằng được ước nguyện của Bác Hồ, của Đảng, Nhà nước ta đó là “xây dựng ngành công nghiệp dầu khí mạnh”. Đến nay, ngành dầu khí Việt Nam, chủ lực là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã tiến những bước dài, phát triển từ “không đến có”, trở thành niềm tự hào to lớn, là đầu tàu kinh tế của đất nước Việt Nam.

Hành trình của những người đi tìm lửa

Hiện, quy mô tài sản của Tập đoàn hợp nhất xấp xỉ 41 tỷ USD, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn là xấp xỉ 21 tỷ USD. Chỉ tính từ năm 1986 cho tới hết năm 2020, tổng doanh thu của Tập đoàn đạt gần 400 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước trên 110 tỷ USD. Có những thời kỳ nộp ngân sách chiếm tới gần 30% GDP của cả nước. Tập đoàn đã trở thành nòng cốt, là hạt nhân trong việc hình thành các khu công nghiệp tập trung tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai - Hiệp Phước, Cà Mau, Dung Quất - Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Vũng Áng - Hà Tĩnh, Nghi Sơn - Thanh Hóa...

Khởi nguồn từ tầm nhìn chiến lược thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự phát triển của Ngành Dầu khí trong tương lai, Đảng và Nhà nước ta sớm dành sự quan tâm đặc biệt cho ngành dầu khí; ngày 27.11.1961, Đoàn Thăm dò dầu lửa (Đoàn 36 dầu lửa hoặc gọi tắt là Đoàn 36) trực thuộc Tổng cục Địa chất được thành lập, đánh dấu sự ra đời của tổ chức Dầu khí đầu tiên tại Việt Nam. Thể theo nguyện vọng của người lao động dầu khí, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 27.11 hàng năm là Ngày truyền thống của ngành dầu khí Việt Nam.

Qua 6 thập kỷ, Petrovietnam trải qua các thời kỳ với mô hình hoạt động khác nhau là Tổng cục Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, đến nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Petrovietnam đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp khí, điện và dịch vụ dầu khí. Từ chỗ không có dầu khí, đến nay, công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí đã xác định được trữ lượng dầu khí của các phát hiện tới trên 1,4 tỷ tấn quy dầu và đã nghiên cứu đánh giá tiềm năng còn lại của Việt Nam là 1,6 - 2,8 tỷ tấn quy dầu; đã khai thác được 414,3 triệu tấn dầu và 168,6 tỷ mét khối khí. Với trữ lượng đã phát hiện và tiềm năng dầu khí đủ khả năng cân đối bền vững cho hoạt động khai thác, bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước trong những thập niên tới.

Petrovietnam hoàn chỉnh hệ thống chính trị hoạt động theo mô hình toàn Tập đoàn, thực hiện thành công tái cơ cấu doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi; xây dựng được đội ngũ những người làm dầu khí hùng hậu, với số lượng lao động gần 60 nghìn người có trình độ cao, đủ khả năng làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong và ngoài nước.

Petrovietnam luôn tiên phong trong hợp tác, hội nhập quốc tế. Song song với việc thu hút đầu tư từ các công ty dầu khí quốc tế để phát triển các hoạt động dầu khí ở trong nước, Tập đoàn đã tích cực tìm kiếm, mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền và biên giới quốc gia trên biển. Tập đoàn luôn ý thức, trách nhiệm cao trong chia sẻ với cộng đồng, trung bình hàng năm đóng góp vào công tác an sinh xã hội khoảng 500 tỷ đồng (riêng năm 2021, cùng với các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 là hơn 1.000 tỷ đồng).

Tập đoàn đã hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, luôn ở trong tốp đầu những doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với Petrovietnam

Ngoạn mục vượt “khủng hoảng kép”

Từ nửa cuối năm 2019, đặc biệt trong 2 năm 2020 và 2021, Việt Nam cũng như thế giới trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn khi dịch Covid-19 hoành hành. Đối với ngành dầu khí Việt Nam, có thể nói là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử hình thành và phát triển dưới “tác động kép” của đại dịch và giá dầu diễn biến bất thường, đã ảnh hưởng nặng nề đến tất cả 5 lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh chính. Trước tình hình đó, với phương châm hành động xuyên suốt năm 2020 là “Quản trị biến động - Tối ưu giá trị - Đẩy mạnh tiêu thụ - Nỗ lực vượt khó - Nắm bắt cơ hội - An toàn về đích” và năm 2021 là “Quản trị biến động - Tối đa giá trị - Mở rộng thị trường - Tận dụng cơ hội - Liên kết đầu tư - Phục hồi tăng trưởng”; Tập đoàn đã tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả Gói giải pháp đồng bộ với 5 nhóm giải pháp về quản trị; tài chính; đầu tư; thị trường; cơ chế chính sách. Đồng thời, triển khai và thực hiện hiệu quả 4 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm là bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động; bảo đảm sản xuất kinh doanh an toàn, liên tục; bảo đảm lưu thông nguyên nhiên vật liệu sản xuất, sản phẩm nhằm duy trì và ổn định thị trường; bảo đảm tiến độ các dự án đầu tư.

Kết quả năm 2019, 2020 - năm toàn cầu đối mặt những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều công ty dầu khí lớn trên thế giới lâm vào đình đốn, thua lỗ, thậm chí phá sản thì Petrovietnam là một trong số ít các doanh nghiệp dầu khí có lãi. Từ đầu năm 2021, trước đà suy giảm sản lượng tự nhiên của các mỏ dầu khí hiện hữu sau thời gian dài khai thác và công tác đầu tư phát triển mỏ mới gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, việc duy trì và hoàn thành kế hoạch sản lượng khai thác là thách thức rất lớn với Petrovietnam. Mặc dù vậy, Tập đoàn đã tập trung nỗ lực ứng dụng các giải pháp khoa học, kỹ thuật, công nghệ, áp dụng nhiều giải pháp nâng cao thu hồi dầu; kết quả khai thác 10 tháng đạt 9,09 triệu tấn, vượt 12,4% kế hoạch 10 tháng; đóng góp vào nguồn thu ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2021 là 75,4 nghìn tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch năm.

Đến đầu tháng 11.2021, Petrovietnam đã dành gần 1.000 tỷ đồng tham gia phòng, chống Covid-19, trong đó đóng góp vào Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 hơn 554 tỷ đồng; hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương các trang thiết bị, vật tư y tế giá trị như máy thở, xe cứu thương. Đặc biệt, ngày 19.11.2021, Tập đoàn đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch khai thác dầu trong nước năm 2021, về đích trước thời hạn 42 ngày và ngày 22.11.2021, đã hoàn thành chỉ tiêu sản lượng khai thác dầu cả trong và ngoài nước về đích trước thời hạn năm 2021 là 39 ngày.

Hướng tới tương lai

Nhìn lại lịch sử xây dựng và phát triển cho thấy, thế hệ người lao động Dầu khí luôn vững vàng vượt qua muôn vàn thử thách, khó khăn và sóng gió, để ngành dầu khí có được những bước phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay. Sức mạnh đó có được là nhờ sự đúc kết truyền thống và văn hóa của những người đi tìm lửa.

Trong giai đoạn hiện nay, nhằm phát triển bền vững, Tập đoàn đã và đang tập trung triển khai 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp là rà soát chiến lược và củng cố hệ thống quản trị; quản trị nguồn nhân lực và phát triển đội ngũ; quản trị tài chính và đầu tư; quản trị sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường; nâng cao việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ trong hệ sinh thái quản trị; quản trị và kiểm soát rủi ro; xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Đây cũng chính là thời kỳ Petrovietnam phải bám sát xu thế phát triển kinh tế - kỹ thuật - công nghệ của thế giới, chiến lược phát triển đất nước, hướng tới phát triển bền vững, chủ động thích nghi, ứng phó có hiệu quả với các biến động, khủng hoảng kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp; nguy cơ đe dọa hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn trên Biển Đông...

Để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, việc hoàn thiện thể chế để ngành dầu khí tiếp tục phát triển trong bối cảnh mới càng trở nên cấp thiết. Người Dầu khí luôn mong muốn các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dầu khí được đồng bộ; có cơ chế, chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, để Petrovietnam phát triển bền vững. Theo đó, cần tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực cốt lõi - thăm dò, khai thác dầu khí; chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cần có sự thay đổi theo hướng ổn định và mở hơn, khuyến khích hơn, đặc biệt trong tình hình hiện nay, để vừa góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông vừa thu hút được vốn, công nghệ tiên tiến từ quốc tế.

Tự hào 60 năm phát triển cùng đất nước, Petrovietnam luôn hướng đến tương lai để dấn thân cống hiến và sẽ tiếp tục đồng lòng thực hiện sứ mệnh cao cả: “Tối ưu hóa nguồn năng lượng dầu khí, phát triển bền vững các nguồn năng lượng mới, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; kiên định hướng tới mục tiêu: Xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện, phát triển Petrovietnam giữ vai trò nòng cốt, chủ lực, đầu tàu, có tiềm lực mạnh về tài chính và trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, có sức cạnh tranh cao, thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam.

Anh Sơn