Cuộc đua vào ghế Chủ tịch đảng cầm quyền Nhật Bản

Phác thảo tương lai

- Thứ Sáu, 10/09/2021, 06:22 - Chia sẻ
Các ứng cử viên cho chiếc ghế thủ tướng Nhật Bản đang dần lộ diện sau khi đương kim Thủ tướng Suga Yoshihide thông báo sẽ không ra tranh cử chức chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) khi nhiệm kỳ chủ tịch kết thúc vào ngày 30.9 tới. Trong các cuộc thăm dò hiện đang nổi lên hai gương mặt là cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida và cựu Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Sanae Takaichi. Một người kêu gọi thúc đẩy kiểu chủ nghĩa tư bản mới để giải quyết những khoảng cách về thu nhập và xã hội do đại dịch gây ra; một hứa hẹn xây dựng một Nhật Bản mạnh mẽ để đối phó với các cuộc tấn công của kẻ thù, thiên tai và đại dịch.

Ứng cử viên Fumio Kishida: Chủ nghĩa tư bản kiểu mới

Một trong những ứng cử viên sáng giá trong cuộc bầu cử Chủ tịch đảng LDP lần này là cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida, là người đầu tiên thông báo tranh cử chức Chủ tịch LDP từ ngày 26.8. Là cựu Trưởng Ban nghiên cứu chính sách của đảng LDP, năm nay 64 tuổi, ông cho biết, ông ra tranh cử để chứng tỏ LDP “lắng nghe người dân và vẫn còn nhiều lựa chọn”.

Tập trung vào chính sách kinh tế, ông cho rằng Nhật Bản cần hướng đến chủ nghĩa tư bản kiểu mới mà ông mô tả sẽ là một bước ngoặt so với chính sách tự do hóa kinh tế và phi điều tiết mà cựu lãnh đạo cải cách Koizumi Junichiro đã áp dụng từ đầu những năm 2000.

“Trong khi chính sách tự do hóa kinh tế, hạn chế sự điều tiết của chính quyền trung ương cùng những cải cách cơ cấu đã giúp củng cố nền kinh tế Nhật Bản, thúc đẩy tăng trưởng sau thời kỳ giảm phát đầu những năm 2000; chúng cũng tạo ra khoảng cách giữa các tầng lớp trong xã hội, giữa người giàu và người nghèo, giữa người có của và người không sở hữu gì cả”, ông Kishida nói. Đại dịch Covid-19 càng khiến cho tình trạng chênh lệch giàu nghèo này trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là đối với các nhóm bị ảnh hưởng lớn nhất như nhân viên ngành du lịch, lao động hợp đồng và phụ nữ…, ông nói. “Chúng ta phải xoay chuyển nền kinh tế trong tình huống này. Nếu chúng ta vẫn duy trì chính sách cũ, khoảng cách sẽ càng bị nới rộng gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội”, ông nói.

Tuần này, ông đã kêu gọi soạn thảo gói kích thích kinh tế trị giá “hàng chục nghìn tỷ yen” để đối phó với dịch Covid-19. Ông cũng cho rằng Nhật Bản cần phải duy trì lãi suất siêu thấp để hỗ trợ cho nền kinh tế đang gặp khó khăn vì dịch bệnh.

Ông Kishida từng được coi là nhân vật có khả năng kế nhiệm cựu Thủ tướng Abe Shinzo, người đã từ chức vào cuối tháng 8.2020. Tuy nhiên, nghị sĩ đến từ tỉnh Hiroshima này chỉ đứng ở vị trí thứ hai trong cuộc chạy đua tranh chức chủ tịch LDP năm ngoái, sau Thủ tướng Suga.

Ông Fumio Kishida và bà Sanae Takaichi, hai ứng cử viên sáng giá cho chiếc ghế Thủ tướng Nhật Bản

Ứng cử viên Sanae Takaichi: Giấc mơ nữ Thủ tướng đầu tiên

Chính thức thông báo sẽ tranh cử chức Chủ tịch LDP hôm 8.9, cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông, Hạ nghị sĩ  Sanae Takaichi đang nổi lên như một ứng cử viên sáng giá khi đặt mục tiêu trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản.

Phát biểu với các phóng viên trong cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo, Takaichi cho biết bà sẽ tập trung vào việc nới lỏng tiền tệ và chi tiêu công trong các tình huống khẩn cấp, đồng thời đầu tư cho quản lý khủng hoảng, trong đó có năng lực quốc phòng và ứng phó với thảm họa. “Tôi quyết tâm bảo vệ Nhật Bản và mở ra tương lai”, Takaichi nói. Cô cam kết sẽ bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân cũng như “chủ quyền và danh dự của quốc gia chúng ta. Điều đó bao gồm nỗ lực tăng cường phản ứng của Nhật Bản đối với các cuộc tấn công mạng, đại dịch và các mối đe dọa an ninh, bà nói.

Tốt nghiệp Đại học Kobe, bà có một bề dầy hoạt động chính trị. Kể từ khi chính thức bước chân vào chính trường Nhật Bản năm 1993, bà đã trúng cử vào Hạ viện 8 lần liên tiếp. Bà lần đầu tiên đảm nhận vị trí Bộ trưởng trong nội các vào năm 2006 sau khi ông Abe lần đầu tiên được bầu làm Thủ tướng. Khi đó, bà giữ chức Bộ trưởng phụ trách các vấn đề về Okinawa và vùng lãnh thổ phía Bắc. Sau khi ông Abe trở lại vị trí Thủ tướng vào tháng 12.2012, bà Takaichi đã nhiều lần được bổ nhiệm vào các vị trí cao trong nội các và đảng cầm quyền như Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu chính sách LDP và Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông.

Với nhiều nguồn tin cho rằng cựu Thủ tướng Abe Shinzo - người có ảnh hưởng lớn trong LDP - có ý định ủng hộ bà Takaichi, nữ chính trị gia này có triển vọng nhận được sự ủng hộ của ít nhất 20 nghị sĩ LDP - điều kiện tiên quyết để ra tranh cử trong cuộc bầu cử này. Đây sẽ là một lợi thế lớn đối với chính trị gia vốn không thuộc bất cứ phe phái nào trong LDP.

Cũng giống như ông Abe, ứng cử viên 60 tuổi đến từ tỉnh Nara này được biết đến như một nhân vật được yêu thích trong số những người thuộc phe bảo thủ và có quan điểm diều hâu về quốc phòng và ngoại giao. Cả hai đều từng là thành viên của một nhóm nghị sĩ phi đảng phái ủng hộ tổ chức cực hữu có tên Hội nghị Nhật Bản (Nippon Kaigi).

Trong thời gian làm Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông, bà Takaichi đã gây chú ý khi đến thăm đền Yasukuni. Các chuyến thăm của một số nhân vật chủ chốt trong chính phủ Nhật Bản tới ngôi đền này, nơi thờ hàng triệu binh lính Nhật đã bỏ mạng trong các cuộc chiến tranh hiện đại cũng như tội phạm chiến tranh loại A, thường gây ra sự phẫn nộ của Trung Quốc và Hàn Quốc - những nước coi đền Yasukuni là biểu tượng của quá khứ quân phiệt của đất nước mặt trời mọc.

Trong cuốn sách của bà có tựa đề tạm dịch là “Đến với một quốc gia tươi đẹp, hùng cường và thúc đẩy tăng trưởng: Kế hoạch của tôi nhằm củng cố nền kinh tế Nhật Bản”, dự kiến sẽ lên kệ vào cuối tháng 9, nữ chính trị gia này sẽ trình bày về chính sách "Abenomics mới". Việc nhắc tới các chính sách của cựu Thủ tướng Abe trong cuốn sách này là nỗ lực rõ ràng của bà Takaichi nhằm thể hiện rằng bà là một "tín đồ" nhiệt thành của nhà lãnh đạo này.

Trong cuốn sách, bà Takaichi cũng sẽ kêu gọi thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để chống lại “những rủi ro nghiêm trọng từ Trung Quốc”, trong đó có nguy cơ bị đánh cắp công nghệ tiên tiến của Nhật Bản.

Tuy nhiên, danh tiếng chính trị của bà Takaichi với tư cách là một nhân vật bảo thủ trung thành lại xuất phát từ việc nữ chính trị gia này phản đối gay gắt luật cho phép các cặp vợ chồng giữ lại họ của mình sau khi kết hôn.

Dưới sự dẫn dắt của bà Takaichi, một nhóm nghị sĩ LDP phản đối việc luật hóa việc cho phép các cặp vợ chồng giữ lại họ của mình sau khi kết hôn với lập luận rằng, điều đó có nguy cơ phá hoại hệ thống gia đình truyền thống của Nhật Bản. Ủng hộ vai trò giới truyền thống và các giá trị gia đình phụ hệ, bà cam kết sẽ tiếp tục chính sách đó như là nền tảng của "quyền lực đế quốc và tính hợp pháp”.

Nổi tiếng với cá tính mạnh, thời trẻ, bà là một người đam mê nhạc heavy metal và tự xưng là fan của Yoshiki - người sáng lập ban nhạc rock huyền thoại X Japan. Bà Takaichi từng khao khát trở thành một nhạc sĩ rock và từng chơi trống khi còn ở tuổi niên thiếu. Thời đại học, bà còn nhuộm tóc màu hồng và thường xuyên lái xe phân khối lớn - một sở thích mà bà Takaichi nói rằng bà đã phải từ bỏ vài năm sau khi trúng cử vào Hạ viện.

Đạt Quốc