Phải cân đối giữa chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên

- Thứ Năm, 24/03/2016, 18:12 - Chia sẻ
(ĐBNDO)- Trao đổi với báo chí xung quan vấn đề thu chi ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, chúng ta phải xác định được kế hoạch cân đối bố trí bao nhiêu cho chi đầu tư phát triển, bao nhiêu cho chi thường xuyên, phải hoàn phù hợp với mục tiêu tăng trưởng. Nhưng chúng ta không vì mục tiêu tăng trưởng mà làm cho tình hình kinh tế khó khăn. Vậy, cơ cấu giữa chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên phải cân đối.

- Ông đánh giá như thế nào về kết quả điều hành ngân sách nhà nước trong 5 năm qua?


Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển 

CN Phùng Quốc Hiển: Có thể nói nhiệm kỳ vừa qua diễn ra trong bối cảnh tình hình KT - XH của nước ta gặp rất nhiều khó khăn. Xét về mục tiêu 5 năm để tăng trưởng kinh tế chúng ta đặt mục tiêu 6,5-7%/ năm, nhưng thực tế chỉ đạt được 5,91%. Tiếp đó, khi tham gia vào FTA chúng ta phải thực hiện những cam kết theo lộ trình thì cũng làm giảm thu đối với thu thuế nhập khẩu. Trong khi đó, chúng ta trở thành nước có tốc độ phát triển trung bình, những ưu đãi vay ODA không được như trước nữa… Như vậy, có rất nhiều yếu tố tác động đến dự toán ngân sách hàng năm và cho kế hoạch tài chính 5 năm. Đây là một thực tế mà thực tế này gây áp lực rất lớn đến việc điều hành ngân sách nhà nước. Dư địa tài chính của chúng ta đã bị thu hẹp nhiều nên việc điều hành sẽ khó khăn hơn nhiều.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, trong 5 năm qua điều hành ngân sách có rất nhiều cố gắng. Mặc dù, tình hình khó khăn nhưng chúng ta vẫn thực hiện lộ trình cải cách về chính sách thuế theo hướng giảm dần những áp lực thu ngân sách, đó có thể là những mục tiêu khó khăn trong ngắn hạn nhưng sẽ thuận lợi cho mục tiêu dài hạn…

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số hạn chế, tỷ lệ huy động ngân sách của chúng ta năm vừa qua giảm sút, từ chỗ huy động 24,7%, xuống còn 21%, đây là mức khá thấp. Theo đánh giá chung, nếu mức huy động dưới 25% là gây áp lực cho ngân sách.

Về chi, chúng ta cũng đáp ứng được nhu cầu chi, bước đầu cơ cấu lại chi thường xuyên trong đó chú trọng đến chi cho an sinh xã hội, chi cho con người.

Một vấn đề khác nữa là chúng ta cơ cấu lại nợ, nhất là nợ công để giảm đi áp lực trả nợ. Có nhiều cái buộc chúng ta phải xử lý tình huống để đạt được kết quả, song, nhiều lúc chúng ta không đạt được như mong muốn, ví dụ là bội chi ngân sách, chúng ta đặt ra mục tiêu đến 2015 phải đưa bội chi xuống 4,5% nhưng vẫn ở mức 6,1%. Đó là tỷ lệ cao nhưng do chúng ta phải xử lý tình huống nên đã làm cho bội chi tăng vọt lên.

Bên cạnh đó, vấn đề nợ công của chúng ta không còn dùng từ “an toàn” nữa, mà là nằm trong giới hạn cho phép. Độ an toàn đã có những dấu hiệu khó khăn, chúng ta buộc phải đảo nợ, những khoản đáo nợ đến hạn phải trả nhưng không bố trí đủ ngân sách để trả phải sử dụng khoản vay mới để trả thì cũng coi là khó khăn. Tuy nhiên, việc xử lý đến thời điểm này tôi cho là tích cực, để từ đó chúng ta xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm tới có tầm chiến lược hơn, dài hơi hơn.

- Trong 5 năm tới, lần đầu tiên chúng ta xây dựng kế hoạch trung hạn, ông đánh giá như thế nào với một số mục tiêu đề xuất về giảm bội chi xuống 3,1% đến năm 2020?

CN Phùng Quốc Hiển: Tôi cho rằng, đó là những kế hoạch tài chính chúng ta đã xác định trong lâu nay. Kế hoạch 5 năm, tôi có thể khẳng định là chúng ta xử lý cơ cấu lại tất cả khoản thu, chi, nợ… Trong đó, tôi cho rằng phải bảo đảm được các yếu tố: Một là, nợ công, dứt khoát không được vượt quá 65% và phải giảm dần. Hai là, bội chi, chúng ta nói rằng trong báo cáo Chính phủ còn khoảng 4,% nhưng quan điểm của Ủy ban Tài chính và Ngân sách và trong báo cáo của Bộ Tài chính dùng bình quân còn khoảng 4%, có nghĩa là những năm đầu chúng ta có thể cao nhưng phải giảm những năm cuối 3,1% để đạt mục tiêu trung bình 4%. Nhưng đây là tiêu chí mới, bội chi không bao gồm nợ. Như vậy, vẫn là cao, nên chúng ta phải quyết tâm đến sau 2020 nợ công phải xuống dưới 60% và bội chi phải xuống dưới 3% theo tiêu chí mới. Đây là bội chi theo Luật Ngân sách mới. Tôi cho đây là một quyết tâm chúng ta phải làm.

- Vậy chi đầu tư khó khăn và “vênh” kế hoạch chi đầu tư trung hạn, thưa ông?

CN Phùng Quốc Hiển: Chúng ta phải xác định được kế hoạch cân đối bố trí bao nhiêu cho chi đầu tư phát triển, bao nhiêu cho chi thường xuyên, đó phải hoàn phù hợp với mục tiêu tăng trưởng của chúng ta. Nhưng chúng ta không vì mục tiêu tăng trưởng mà làm cho tình hình kinh tế khó khăn. Vậy cơ cấu giữa chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên phải cân đối.

Chúng ta phải xác định tổng mức đầu tư 5 năm tới là bao nhiêu. Phải xác định chính xác từ đó chúng ta mới phân bổ cho kế hoạch đầu tư trung hạn được.

-Vậy, giải pháp huy động nguồn vốn ngoài ngân sách là gì, thưa ông?

CN Phùng Quốc Hiển: Quan điểm chi ngân sách là những vấn đề lớn mà các thành phần kinh tế không tham gia được. Ngân sách không thể ôm hết được. Vốn ngân sách chỉ mang tính chất vốn bồi, đầu tư vào những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế không tham gia được.

Bên cạnh đó, quan điểm xã hội hóa của chúng ta phải thay đổi. Về y tế chẳng hạn, nay phải xã hội hóa, xử lý thông qua Bảo hiểm y tế - bảo hiểm toàn dân để chúng ta lấy số đông người khỏe mạnh để trợ giúp cho người ốm đau. Thông qua bảo hiểm y tế đó chúng ta mới giải quyết được.

Hay học phí cũng vậy, bậc tiểu học chúng ta đang phổ cập nhưng càng lên bậc cao phải thu phí. Nên không còn là phí nữa mà là giá dịch vụ. Như vậy, mới giảm được gánh nặng ngân sách.

- Như vậy, tình trạng “ngân sách kép” vẫn tồn tại, thưa ông?

CN Phùng Quốc Hiển: Chính vì hệ thống ngân sách của chúng ta là thống nhất từ trung ương đến địa phương nên vẫn có việc trùng. Nhưng Luật Ngân sách giờ phân cấp rất rõ ràng giữa ngân sách Trung ương và địa phương. Địa phương phải chịu trách nhiệm trong chi tiêu khoản ngân sách của mình.

Hay vay ODA, trước đây coi đó là việc cấp phát ngân sách trung ương cho địa phương, nhưng địa phương sử dụng, Trung ương trả nợ. Giờ địa phương phải là người quyết định vay và trả nợ và chịu trách nhiệm với khoản vay. Như vậy, mới hiệu quả.

Bây giờ xác định rõ ràng mục tiêu ngân sách Trung ương giải quyết những vấn đề của tầm quốc gia giữ vai trò chủ đạo, nhưng ngân sách địa phương rất quan trọng cho nên phân cấp lần này rõ ràng.

- Xin trân trọng cám ơn Ông!

Hà An – Nguyễn Thăng ghi