Phát triển bền vững ngành dệt may

Phải cạnh tranh về chất lượng, công nghệ, năng suất

- Thứ Bảy, 18/12/2021, 09:16 - Chia sẻ
“Để phát triển bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng tầm nhìn mới, phải có khát vọng khẳng định vị thế của mình. Ngành dệt may Việt Nam không cạnh tranh lao động giá rẻ mà cạnh tranh về chất lượng, công nghệ, năng suất, thời gian giao hàng, minh bạch, tiết giảm tối đa năng lượng, tài nguyên, môi trường”. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang nhấn mạnh.

Không sợ thiếu đơn hàng, chỉ sợ thiếu lao động

Dịch Covid-19 tác động nặng nề tới các doanh nghiệp dệt may, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam khi phải thực hiện giãn cách xã hội. Tại hội thảo trực tiếp kết hợp trực tuyến Phát triển bền vững ngành dệt may trong bối cảnh Covid-19 do VITAS tổ chức ngày 17.12, Chủ tịch HĐQT, Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công Trần Như Tùng cho rằng, chính những yêu cầu về phòng chống dịch đã khiến các doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn.

Chẳng hạn, tại nhà máy ở miền Tây, khi công nhân test nhanh phát hiện dương tính Covid-19 thì phải ở lại công ty, chờ kết quả PCR khẳng định mới được đi cách ly tập trung. Khi đó, người lao động thường phải ở lại công ty từ 3 - 5 ngày. Điều này đồng nghĩa, doanh nghiệp phải xây dựng khu lưu trú tạm thời, chăm lo sức khỏe cho người lao động, chi phí cũng bị đội lên. Không những thế, chi phí dịch vụ hậu cần (logistics) tăng đã khiến các doanh nghiệp dệt may như Thành Công gặp rất nhiều khó khăn.

Toàn cảnh hội thảo

Cũng theo ông Tùng, mặc dù chịu tác động của Covid-19 song thực tế, đơn hàng ở Việt Nam không thiếu. Tuy nhiên, “chúng tôi không dám nhận vì không chủ động được lực lượng sản xuất, bởi không bảo đảm tiến độ có thể phải giao hàng bằng đường hàng không với chi phí rất lớn”. Nói cách khác, doanh nghiệp không sợ thiếu đơn hàng mà chỉ sợ không đủ lực lượng lao động để sản xuất.

Dẫn kết quả khảo sát ngành dệt may trong làn sóng Covid-19 năm 2021, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động Đỗ Quỳnh Chi cho biết, có 83,3% nhà mua hàng cho rằng thiếu lao động là thách thức lớn nhất với việc phục hồi chuỗi cung ứng. Điều này dẫn đến những rủi ro vi phạm như tăng ca quá nhiều (do dồn các đơn hàng từ lúc giãn cách), an toàn lao động, sức khỏe người lao động, nhất là lao động nữ. Đặc biệt, không đối thoại với người lao động, quản lý áp đặt dễ phát sinh tranh chấp. Do vậy, doanh nghiệp cần chú trọng đến đối thoại với người lao động, hỗ trợ họ khi khó khăn để nhanh chóng phục hồi lao động, tìm cách sống chung với dịch.

Coi lao động có tay nghề là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp

Hiện, các doanh nghiệp dệt may đang khôi phục và đẩy mạnh sản xuất. Các đại biểu cho rằng, đến lúc cần phát triển ngành dệt may theo hướng bền vững.

Ở góc độ nghiên cứu, bà Đỗ Quỳnh Chi chỉ rõ, các doanh nghiệp phải nâng cao giá trị sản xuất thì mới có được nguồn lực đầu tư cho thực hành tiêu chuẩn về lao động và môi trường. Bên cạnh đó, xây dựng được quan hệ trực tiếp, lâu dài với các nhãn hàng để chủ động thương lượng về chia sẻ khó khăn trong tình hình dịch bệnh. Nếu doanh nghiệp chỉ làm gia công, lợi nhuận thấp, thường xuyên bị ép giá thì không có được nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững, thậm chí bị loại khỏi chuỗi cung ứng.

Cần coi lao động có tay nghề là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp
Nguồn ITN

Dưới góc độ doanh nghiệp sản xuất, theo ông Trần Như Tùng, trước mắt, việc đầu tư thực hành các tiêu chuẩn phát triển bền vững có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp. Song, về lâu dài, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp sẽ ngày càng tốt hơn, có thể nhận được sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư mới. Khi các doanh nghiệp được đánh giá là phát triển bền vững sẽ mang lại giá trị cho cả ngành dệt may Việt Nam, nhờ đó đơn hàng từ các quốc gia khác được chuyển sang Việt Nam là điều có thể xảy ra.

Còn theo Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang, muốn phát triển bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng tầm nhìn mới, phải có khát vọng khẳng định vị thế của mình. Ngành dệt may Việt Nam không cạnh tranh lao động giá rẻ mà phải cạnh tranh về chất lượng, công nghệ, năng suất, thời gian giao hàng, minh bạch, tiết giảm tối đa năng lượng, tài nguyên, môi trường. Đồng thời, phải đầu tư công nghệ hiện đại, đáp ứng chuẩn mực quốc tế về lao động và môi trường theo tư vấn của các tổ chức đánh giá toàn cầu.

Để cụ thể hóa yêu cầu trên, ông Giang lưu ý, các doanh nghiệp cần phải có nguồn lực, con người; phải coi lực lượng lao động có tay nghề là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp. “Doanh nghiệp cần xây dựng nguồn lực quản trị và nguồn lực sản xuất có khả năng cạnh tranh với dòng sản phẩm tương tự của các nước trong khu vực. Đồng thời, tận dụng hiệu quả những lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do mang lại bằng cách ưu tiên tìm kiếm, đầu tư và sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước”, ông Giang phát biểu.

Đan Thanh