Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025

Phải có điểm nhấn và "đầu bài" rõ ràng hơn

- Thứ Bảy, 30/10/2021, 05:53 - Chia sẻ
Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 cơ bản tạo ấn tượng tốt đẹp với các đại biểu Quốc hội vì sự chuẩn bị công phu cũng như sự dày dặn của bộ hồ sơ trình Quốc hội. Song, dù tán thành với thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong 5 năm tới, nhiều đại biểu đề nghị, phải tính toán lại để đưa ra giải pháp thực hiện có điểm nhấn hơn, có "đầu bài" rõ ràng, thay vì một kế hoạch tròn trịa.
Đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông
Ảnh: Phan Tân

Vẫn cần thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế

Trong Báo cáo thẩm tra, một số ý kiến của Ủy ban kinh tế cho rằng, không cần thiết đưa nội dung cơ cấu lại nền kinh tế thành một kế hoạch riêng, vì khá nhiều nội dung của Kế hoạch trình Quốc hội lần này trùng lặp với nội dung đã được nêu tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công 5 năm 2021 - 2025. Song từ góc độ thực tiễn, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) tán thành xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, dù Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 "rất quen", "có chỗ lấy từ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chỗ khác lấy từ các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, tài chính - ngân sách 5 năm 2021 - 2025". Và, bởi bản Kế hoạch này "tròn trịa", nên một số ý kiến đặt vấn đề có cần ban hành thêm một bản Kế hoạch nữa hay không, vì rằng nếu không ban hành thì vẫn có chỉ tiêu, giải pháp như vậy và vẫn thực hiện bình thường.

Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, vẫn cần thiết xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, vì ngay với 3 trọng tâm tái cơ cấu nhiệm kỳ trước dù đã đạt kết quả tích cực song cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm. Cụ thể, dù tỷ lệ nợ công giảm xuống còn 43%, song đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, hiệu quả đầu tư công chưa cao, chưa phát huy được vai trò dẫn dắt của đầu tư công. “Trong 5 năm qua chưa thấy đầu tư công tạo sự thay đổi về hệ thống hạ tầng, có diện mạo mới, điều kiện phát triển”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định.

Với doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, cần thực hiện cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp này. Bởi, không thể để việc các doanh nghiệp nhà nước "ngồi ôm" nhiều nguồn tài nguyên, lĩnh vực, tài sản và những khu vực lẽ ra nên thoái vốn chuyển cho tư nhân mới tạo ra nguồn lực phát triển cho xã hội. 

Đồng tình với quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong đó có cơ cấu vốn đầu tư công để làm sao thực hiện theo chủ trương “một đồng vốn đầu tư công đưa ra sẽ dẫn dắt vốn đầu tư tư nhân đi theo”. Thực tế, giai đoạn vừa qua đã không đạt được và chưa có tầm nhìn dài hạn về đánh giá dự báo nền kinh tế nên Kế hoạch lần này cần cụ thể hơn. 

Một số đại biểu phân tích và đặt Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn tới trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu có những biến chuyển phức tạp. Vì thế, yêu cầu đặt ra là phải tính toán, tái cấu trúc để xác định rõ sẽ đón dòng vốn đầu tư nước ngoài nào? Nói cách khác, cần tái cơ cấu thành phần kinh tế, xác định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện ở ngành nghề, lĩnh vực nào, đâu là những nhà đầu tư tiềm năng...? Đặc biệt, với ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 đã và đang đòi hỏi phải phân bố lại các khu vực sản xuất, khoanh vùng như thế nào, thu hút đầu tư vào lĩnh vực sử dụng nhiều hay ít lao động…? 

Sớm đặt ra đầu bài

Tán thành với chủ trương thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, song nhiều đại biểu Quốc hội nhận thấy, trong đánh giá về thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn vừa qua chưa có sự gắn kết giữa phần hạn chế và nguyên nhân. Điều này dẫn tới khó xác định giải pháp để khắc phục hạn chế của giai đoạn 2016 - 2020, nhất là việc thực hiện ba nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu (đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng). ĐBQH Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) nhận thấy, những đánh giá về hạn chế trong thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng và đầu tư công ở bản Kế hoạch trình Quốc hội lần này tương tự như nhận định được Nghị quyết 24/2016/QH14 (về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020) đưa ra đối với thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 5 năm trước đó.

Trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ xác định lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá, lấy cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và vai trò dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn làm nhiệm vụ trọng tâm. Ghi nhận vai trò quan trọng của khung pháp lý với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, song, đại biểu Trần Thị Kim Nhung đề nghị, Chính phủ khẩn trương rà soát để đưa ra nhiệm vụ lập pháp thật cụ thể. "Phải xác định rõ để thực hiện những giải pháp nêu ra cần ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy định pháp luật cụ thể nào". Chính phủ cần kiến nghị cụ thể những luật, pháp lệnh, nghị quyết cần sửa đổi, ban hành mới để thực hiện trong 2 năm tới, hay nói cách khác là đưa "đầu bài" chi tiết.

“Khung pháp lý cần đi trước, không thể chỉ đưa vào cho đủ, đến cuối nhiệm kỳ cũng chưa thấy sửa đổi các luật liên quan. Nếu như vậy, đến khi tổng kết thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 lại đưa ra một lý do khách quan quen thuộc là do pháp luật chồng chéo, xung đột, trong khi các đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung luật đều do Chính phủ đưa ra, Quốc hội luôn sẵn sàng”. Cảnh báo nguy cơ này, đại biểu Trần Thị Kim Nhung yêu cầu, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 cần xác định luôn nhiệm vụ lập pháp, tránh để đến cuối nhiệm kỳ tiếp tục coi đây là một nguyên nhân khách quan lý giải việc không hoàn thành một số mục tiêu đặt ra.

ĐBQH Nguyễn Xuân Thắng (Quảng Ninh) đề nghị Kế hoạch này cần bám sát hơn vào thực tiễn, nhất là khi Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định, trong giai đoạn tới thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Quan điểm này làm thay đổi nhiều trong cách tiếp cận với cơ cấu lại nền kinh tế, trong cơ cấu lại với từng ngành, từng thành phần kinh tế. Để tạo ra những động lực tăng trưởng mới như mục tiêu đặt ra, theo nhiều đại biểu, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 cần tập trung hơn nữa vào các giải pháp để khuyến khích đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Sáng nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Thanh Hải