Phải có mục tiêu cụ thể

- Thứ Ba, 22/06/2021, 06:23 - Chia sẻ
Cách đây chưa lâu, một số tỉnh như Hà Giang, Quảng Trị, Bình Thuận, An Giang, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Cao Bằng, Lai Châu... đã đề xuất được bổ sung sân bay vào quy hoạch... với những lý do về sự cần thiết được đưa ra khá thuyết phục.

Khi đó, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cũng đã lý giải việc này là theo quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay trong cả nước đến năm 2050 và không có nghĩa cứ có quy hoạch là đầu tư. Đặc biệt, sân bay để khai thác liên vùng chứ không phải bay từ tỉnh này sang tỉnh kia...

Và trong "động thái" mới nhất, Bộ Giao thông Vận tải đã từ chối đề nghị xây dựng sân bay của 11 địa phương với lý do là qua rà soát, đối chiếu các tiêu chí quy hoạch cảng hàng không mới, đơn vị tư vấn đánh giá không cao về vị trí và nhu cầu vận chuyển hành khách không lớn để cần thiết phải xây dựng sân bay.

Cụ thể, theo dự thảo Tờ trình của Bộ gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì dự báo đến năm 2030, tổng nhu cầu sản lượng hành khách dự kiến thông qua các cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 278 triệu hành khách/năm; tổng nhu cầu sản lượng hàng hóa dự kiến thông qua các cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 4,1 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn đến năm 2050, dự báo tổng nhu cầu sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không ước khoảng hơn 490 triệu hành khách/năm; tổng nhu cầu sản lượng hàng hóa ước dự báo thông qua các cảng hàng không đến năm 2050 khoảng 16 triệu tấn hàng hóa/năm.

Để xác định và quy hoạch điều chỉnh hoặc bổ sung các sân bay trong mạng cảng hàng không toàn quốc, Tư vấn ADPi của Pháp đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, cơ sở dự báo nhu cầu vận tải của các loại hình vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải, hàng không cũng như điều kiện tự nhiên, hiệu quả kinh tế và các phương pháp khoa học. Qua đó đề xuất 6 tiêu chí chính về sự cần thiết và mức độ khả thi đối với cảng hàng không mới gồm nhu cầu sản lượng, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, khẩn nguy cứu trợ, điều kiện tự nhiên, cự ly bố trí… Nếu theo các tiêu chí này thì đề nghị của 11 tỉnh về việc bổ sung quy hoạch sân bay mới có điểm đánh giá không cao, không nằm trong 30 tỉnh, thành phố có tổng điểm cao nhất cả nước. Vì vậy, ADPi đề nghị không bổ sung các sân bay theo đề nghị của các địa phương.

"Động thái" này của Bộ Giao thông Vận tải là cần thiết và đúng đắn, bởi không thể để việc đề xuất bổ sung sân bay vào quy hoạch diễn ra một cách tràn lan, thiếu căn cứ hoặc chỉ bởi các lý do như có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch; có truyền thống lịch sử - văn hóa, phong cảnh, danh thắng nổi tiếng; là đang tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tăng cường hợp tác đầu tư nước ngoài... Để xây dựng một sân bay, điều đầu tiên là phải xác định được vùng dân cư sân bay sẽ phục vụ. Đặc biệt với khoảng cách giữa các sân bay chỉ một vài trăm km thì rõ ràng không hợp lý, đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng quy hoạch.

Quy hoạch hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 và giai đoạn tiếp theo không thể theo kiểu phong trào mà phải có mục tiêu cụ thể. Như quan điểm của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải là phải hợp lý, theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải, hội nhập quốc tế sâu rộng và bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế...

Linh Trang