Chương trình thủy điện :

Phải đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường

- Thứ Sáu, 14/06/2013, 09:11 - Chia sẻ
Trao đổi về việc thực hiện chính sách pháp luật về thủy điện thời gian qua, ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC (UVTT) ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG TRẦN THỊ QUỐC KHÁNH cho rằng, thực trạng quy hoạch thủy điện trước đây là đáng lo ngại, nhiều dự án thủy điện nhỏ được các chủ đầu tư lập quy hoạch xây dựng tràn lan, chưa tính đến những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường, nhất là những tác động đối với vùng hạ du; nhiều dự án thủy điện nhỏ, giá trị kinh tế thấp và thiếu tính khả thi cũng được đưa vào quy hoạch.

- Thưa Ủy viên, Báo cáo kết quả giám sát bước đầu tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển thủy điện của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường có đưa ra nhận định, chất lượng quy hoạch, phát triển thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ, còn nhiều bất cập. Khoảng 40% số dự án thủy điện nhỏ trong quy hoạch phải loại bỏ hoặc chưa có nhà đầu tư quan tâm. Đây là thực trạng đáng lo ngại?

UVTT Trần Thị Quốc Khánh: Thời gian qua, Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã làm việc ở một số địa phương về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển thủy điện. Trên cơ sở báo cáo của các Bộ, ngành hữu quan, UBND các tỉnh có thủy điện và kết quả giám sát thực tiễn ở các địa phương, tôi thấy có hai điểm đáng chú ý. Thứ nhất, nhiều dự án thủy điện nhỏ trước đây được các chủ đầu tư lập quy hoạch xây dựng tràn lan, chưa tính đến những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường, nhất là những tác động đối với vùng hạ du. Ngoài ra còn có nhiều dự án thủy điện nhỏ, giá trị kinh tế thấp và thiếu tính khả thi cũng được đưa vào quy hoạch. Thứ hai, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, của ĐBQH trong các kỳ họp gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì rà soát, thống kê cụ thể tình hình xây dựng, phát triển thủy điện ở các địa phương. Vì vậy, đến nay chúng ta mới có được con số khoảng 40% dự án thủy điện nhỏ trong quy hoạch không đạt yêu cầu cần phải loại bỏ hoặc không có nhiều giá trị kinh tế nên nhà đầu tư chưa quan tâm.

Như vậy, thực trạng chất lượng quy hoạch thủy điện trước đây thật đáng lo ngại. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan quản lý Nhà nước đã nhìn thấy những bất cập, hạn chế này và đưa ra giải pháp khắc phục, tôi thấy điều đó là đáng mừng.

- Những năm qua, để phục vụ cho việc xây dựng 57 dự án thủy điện, mỗi dự án có công suất trên 50MW đã có hơn 46.000 hộ dân phải di dời đến các khu tái định cư. Điều đáng nói là chất lượng sống tại một số khu tái định cư không bằng, thậm chí thấp hơn so với nơi ở cũ, trong khi chủ trương là nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Có ý kiến cho rằng đã đến lúc cần nghiên cứu chia sẻ lợi ích giữa chủ đầu tư và người dân chịu tác động bởi các dự án thủy điện, thưa Ủy viên?

 
Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thăm một gia đình trong khu tái định cư thủy điện Tuyên Quang

UVTT Trần Thị Quốc Khánh: Theo quy định của Luật Điện lực, chủ đầu tư khi lập dự án đầu tư công trình điện lực phải xác định rõ diện tích đất cần sử dụng và phương án đền bù, giải phóng mặt bằng; UBND các cấp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư lập và thực hiện kế hoạch giải pháp mặt bằng, di dân, tái định cư, bồi thường về đất đai, tài sản... Hiện nay chưa có đầy đủ đánh giá toàn diện về việc bồi thường di dân, tái định cư của các dự án thủy điện trong cả nước, chỉ với 57 dự án thủy điện có công suất trên 50MW mà Bộ Công thương thống kê bước đầu thì đã có gần 46 nghìn hộ dân phải di dời đến các khu tái định cư. Luật Đất đai cũng quy định khu tái định cư phải có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Vì thế nhìn chung các khu tái định cư đều có cơ sở hạ tầng, nhà ở được xây dựng tốt hơn nơi ở cũ của các hộ dân. Ở nhiều nơi chúng tôi đến, phần lớn đồng bào đều phấn khởi, sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của các hộ dần đi vào ổn định.

Tuy nhiên, ở một số địa phương, việc thực hiện pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, di dân tái định cư còn chưa đúng quy định hoặc chưa thật sự hợp lý như bố trí đất sản xuất quá dốc, chất lượng thấp, đất vườn quá nhỏ, không đủ để trồng cây, nuôi súc vật… nên một số hộ dân không chịu nhận đất, nhận nhà hoặc muốn chuyển đi nơi khác. Một số khu tái định cư còn thiếu nước sinh hoạt cho người dân.

Về việc chia sẻ lợi ích của chủ đầu tư và người dân chịu tác động bởi các dự án thủy điện, tôi cho rằng, có lẽ cũng cần phải tính đến. Hầu hết các dự án thủy điện đều ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nghèo với sản xuất nông nghiệp là chính. Thực tế hiện nay Tập đoàn cao su Việt Nam có cơ chế cho phép người dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Dự thảo Luật Đất đai sắp trình Quốc hội thông qua cũng mở ra hướng cho phép người sử dụng đất có quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất, nhằm tránh bức xúc cho người dân trong quá trình thu hồi đất. Vì vậy, nên chăng Tập đoàn điện lực Việt Nam cũng có thể nghiên cứu đề xuất xử lý vấn đề này như thế nào?

- Báo cáo giám sát cũng chỉ rõ, công tác đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) ở nhiều công trình thủy điện bị xem nhẹ, chất lượng chưa cao cho dù đây là quy định, yêu cầu bắt buộc. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến rất nhiều hệ lụy xấu đối với môi trường hạ du các lưu vực sông có các đập thủy điện, thưa Ủy viên?

UVTT Trần Thị Quốc Khánh: Đúng là trước năm 2005, việc đánh giá môi trường chiến lược (ĐTM) ở nhiều công trình thủy điện bị xem nhẹ, vì pháp luật chưa quy định. Tuy nhiên, từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 có hiệu lực thì việc đánh giá ĐMT các dự án thủy điện mới được đặt ra. Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay, mới thẩm định ĐTM của 49 dự án thủy điện lớn nhỏ. Tôi nghĩ đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến những tác động xấu đối với môi trường hạ du các lưu vực sông mà dư luận nhân dân rất bức xúc.

- Thưa Ủy viên, thực tế vừa qua xảy ra tình trạng một số đập thủy điện miền Trung tích nước hồ chứa khiến người dân vùng hạ du thiếu nước sản xuất và sinh hoạt. Vậy làm thế nào để phân bổ nguồn nước hài hòa giữa nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân và thủy điện?

UVTT Trần Thị Quốc Khánh: Theo quy định hiện hành, nhiều công trình thủy điện ngoài việc sản xuất, đóng góp cho hệ thống điện quốc gia, còn có chức năng tích nước chủ động cắt giảm lũ để bảo vệ và phát triển KT-XH ở vùng hạ du. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đối khí hậu, tình trạng khô hạn diễn ra trên diện rộng làm cho mực nước sông, suối bị thiếu hụt từ 20- 60%, mực nước các hồ chứa thủy điện thời gian qua cũng bị sụt giảm từ 1-2m, thấp hơn nhiều so với những năm trước. Để bảo đảm an toàn cho các công trình thủy điện, một số nhà máy thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên chỉ lo tích nước mà không xả nước, làm cho việc sản xuất, sinh hoạt của người dân ở các vùng hạ du gặp khó khăn, thậm chí xuất hiện tình trạng xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền. Vì thế dẫn đến việc tranh chấp, bức xúc trong cán bộ, nhân dân ở một số địa phương như thủy điện Đăk Mi 4, An Khê- Ka Nak.

Để khắc phục tình trạng này, tôi cho rằng Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương cần sớm triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị trung ương 7 về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong các Chương trình, kế hoạch công tác hàng tháng, quý, năm; tổ chức thực hiện nghiêm pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ rừng, đa dạng sinh học, xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh; phát động toàn dân tăng cường trồng và bảo vệ rừng để trữ nước, phòng chống hạn. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cần chủ động rà soát, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung văn bản và thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, bảo đảm đủ nước cho sản xuất điện, đồng thời bảo đảm nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân ở vùng hạ du.

- Xin cám ơn Ủy viên!

Tự Cường thực hiện