Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng tiếp xúc cử tri Quận Hồng Bàng

Phải đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân

- Chủ Nhật, 10/10/2021, 10:14 - Chia sẻ
Trao đổi với cử tri quận Hồng Bàng về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng tại cuộc tiếp xúc cử tri chiều nay, 9.10, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu đấu tranh không khoan nhượng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân bởi đây là căn nguyên của mọi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Trung ương cũng sẽ ban hành mới Quy định về những điều đảng viên không được làm theo hướng ngày càng chặt chẽ hơn. Tinh thần công dân được phép làm những gì mà pháp luật không cấm còn cán bộ, đảng viên chỉ được làm những gì pháp luật cho phép phải được thực hiện cao hơn một mức nữa.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri tại quận Hồng Bàng (Hải Phòng)
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với cử tri quận Hồng Bàng
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Cùng dự cuộc tiếp xúc cử tri có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng Trần Lưu Quang.

Không thể để hoang phí nguồn lực quốc gia

Sau khi nghe Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Lã Thanh Tân báo cáo về dự kiến chương trình, các nội dung trọng tâm sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, cử tri quận Hồng Bàng tin tưởng, với trí tuệ và tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và sự ủng hộ của cử tri cả nước, Kỳ họp sẽ thành công tốt đẹp.

Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Thay mặt Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận các kiến nghị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và nêu rõ, Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XIII vừa qua đã đề cập sâu đậm đến công tác xây dựng Đảng, có nhiều vấn đề mới hoặc nhấn mạnh hơn so với các Nghị quyết Trung ương 4 trước đây. Trong đó, Trung ương xác định xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị; chúng ta không chỉ "phòng", "chống" mà còn phải tích cực tấn công, cương quyết phát hiện và xử lý các sai phạm. Nhắc lại ví dụ cử tri nêu về việc vừa quan Trung ương đã xử lý cùng lúc 9 tướng lĩnh trong lực lượng cảnh sát biển, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, quyết tâm của Đảng ta phải làm như vậy. Lần này, Trung ương cũng nhấn mạnh hơn nữa mối quan hệ giữa “xây” và “chống”, “xây” là căn bản, lâu dài, “chống” là phải quyết liệt và phải có tính đột phá.

“Trung ương cũng nhấn mạnh chống tham nhũng phải gắn với chống tiêu cực, thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ phải đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân, chống chủ nghĩa cá nhân, không khoan nhượng với chủ nghĩa cá nhân bởi suy cho cùng đây là căn nguyên của mọi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Trung ương cũng sẽ ban hành mới Quy định về những điều đảng viên không được làm theo hướng ngày càng chặt chẽ hơn. Tinh thần công dân được phép làm những gì mà pháp luật không cấm, còn cán bộ, đảng viên chỉ được làm những gì pháp luật cho phép phải được thực hiện cao hơn một mức nữa”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Trao đổi với cử tri về tình trạng lãng phí hiện nay, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội đang triển khai giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung vào các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, mua sắm công, chi tiêu ngân sách, quy hoạch treo, dự án treo… Quốc hội sẽ làm đến nơi, đến chốn, chỉ rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong vấn đề này bởi hệ quả của lãng phí nhiều khi còn nặng nề hơn cả tham nhũng. Quốc hội đã huy động Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh cũng sẽ tiến hành giám sát để chỉ rõ lãng phí ở đâu chứ không thể để hoang phí nguồn lực của đất nước như vừa qua. Vấn đề nào vướng về pháp lý thì Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền phải tập trung tháo gỡ, còn sai phám thì phải xử lý nghiêm minh.

Cơ hội để hiện đại hóa ngành y tế

Về nguồn lực cho y tế dự phòng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, qua đại dịch lần này đã bộc lộ rõ những bất cập trong vấn đề này. Nhấn mạnh yêu cầu phải thực hiện nghiêm quy định chi cho y tế dự phòng tối thiểu 30% tổng chi ngân sách cho ngành y tế, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, căn cứ vào mức độ xã hội hóa, tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, ban đầu cơ quan quản lý trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến chi ngân sách cho ngành y tế giai đoạn tới chỉ bằng một nửa so với trước đây (tăng về số tuyệt đối nhưng giảm về tỷ lệ - PV); các Ủy ban của Quốc hội yêu cầu phải bảo đảm tỷ lệ này tối thiểu là 75%. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giữ nguyên, không giảm tỷ lệ ngân sách chi cho ngành y tế để tập trung đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, dịp này là cơ hội để chúng ta hiện đại hóa ngành y tế. Các nhà đầu tư nước ngoài đang nhìn thấy ở Việt Nam cơ hội trở thành một trung tâm nghiên cứu, sản xuất vaccine, sản xuất trang thiết bị y tế. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài để tới đây sẽ triển khai các dự án xây dựng nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư y tế để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Tại cuộc tiếp xúc cử tri Quận Hồng Bàng chiều nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chứng kiến Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trao tặng Thành phố Hải Phòng 10 máy thở, 100.000 bộ kít xét nghiệm nhanh Covid - 19 và khẩu trang y tế để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố. 

Thông tin tại lễ trao tặng, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, ngay trong tháng 10 này, Chính phủ sẽ phân bổ cho Hải Phòng thêm 1,7 triệu liều vaccine phòng Covid - 19 để bảo đảm bao phủ cho hơn 3 triệu người thuộc đối tượng phải tiêm chủng.

Ghi nhận kiến nghị của cử tri Quận Hồng Bàng về việc Quốc hội phải giám sát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện các gói hỗ trợ phòng, chống dịch Covid – 19, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cử một Phó Chủ tịch Quốc hội, hai Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid – 19; đồng thời còn thành lập một Tổ công tác đặc biệt không chỉ làm nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các cơ chế, chính sách về phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế mà còn có trách nhiệm tham mưu cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực thi, huy động, quản lý, sử dụng, phân bổ các nguồn lực phòng, chống dịch.

Cử tri cũng đề nghị Quốc hội sớm thông qua đề xuất, cơ chế, chính sách phát triển đặc thù của thành phố Hải Phòng trong một số lĩnh vực. Cho biết hồ sơ dự án Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho Hải Phòng vừa được Chính phủ trình và sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ Tư tuần tới. Nếu bảo đảm yêu cầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết này tại Kỳ họp thứ Hai cùng với Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương khác như Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Nghệ An.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thành phố Hải Phòng quan tâm giải quyết vấn đề cử tri kiến nghị về chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên, nhân viên nuôi tại tất cả các cơ sở giáo dục mầm non hoặc có chính sách đặc thù để giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề. Ngoài quy định chung của Trung ương thì các địa phương có thể chủ động điều chỉnh các chính sách này ở mức cao hơn. Vừa qua, cùng với các thành quả về phát triển kinh tế, Hải Phòng cũng đã làm tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thành phố. Trong thời gian tới, Thành phố có thể nghiên cứu có thêm các chính sách khuyến khích để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non.  

Quan tâm đến dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai, có cử tri đề nghị Quốc hội khi xem xét thông qua dự luật này cần làm rõ hơn khái niệm bảo hiểm qua biên giới vì đây là vấn đề mới liên quan đến quyền của người tham gia bảo hiểm. Cùng với đó, cần bổ sung nguyên tắc tham gia bảo hiểm; quy định rõ hình thức hoạt động của các loại hình kinh doanh dịch vụ bảo hiểm để tránh tình trạng biến tướng thành kinh doanh đa cấp trái pháp luật, nhất là loại hình kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các kiến nghị này đều hợp lý và phù hợp với yêu cầu Quốc hội đặt ra khi sửa đổi đạo luật quan trọng này. Trong đó, dự luật sẽ thiết kế các “khóa”, “van” để khắc phục tình trạng biến tướng kinh doanh đa cấp và trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm; cân bằng lợi ích của người cung cấp dịch vụ bảo hiểm và người mua bảo hiểm; đồng thời có những quy định để bảo đảm hoạt động kinh doanh bảo hiểm phát triển trong nền kinh tế số.

Phạm Thúy