Gợi mở kịch bản khôi phục kinh tế

Phải dựa trên số liệu cụ thể

- Thứ Ba, 21/09/2021, 06:43 - Chia sẻ
“Để xây dựng được kịch bản khôi phục kinh tế hiệu quả, khả thi, chúng ta cần có số liệu thống kê càng chi tiết càng tốt về dịch bệnh lẫn kinh tế - xã hội như ai, ngành nào bị ảnh hưởng, mức độ chịu ảnh hưởng, khả năng phục hồi… ”, PGS.TS VŨ SỸ CƯỜNG, chuyên gia kinh tế chia sẻ.

Trước tiên cần thống nhất quan điểm

- Ông hình dung thế nào về một kịch bản khôi phục kinh tế trong tình hình mới, khi vaccine đã bao phủ diện rộng?

- Tôi cho rằng, yếu tố quan trọng trước tiên để có được một kịch bản hiệu quả là phải thống nhất quan điểm từ trên xuống dưới về việc: Chúng ta phải kiểm soát hoàn toàn để sạch bóng Covid-19 hay là chấp nhận sống chung với nó bằng những cách làm khéo léo? Hiện nay văn bản của các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa thể hiện rõ quan điểm về vấn đề này.

Trên cơ sở đó, kịch bản phải được xây dựng kỹ lưỡng. Muốn vậy, cần có số liệu thống kê càng chi tiết càng tốt về dịch bệnh lẫn kinh tế - xã hội, cả phía cung và phía cầu… và huy động được sự tham gia của nhiều bên khi làm chính sách như doanh nghiệp, chuyên gia… Nếu không, chúng ta sẽ không thể có một kịch bản khôi phục kinh tế hiệu quả, khả thi. Thực tế đã minh chứng cho điều này.

Tiếp đến, trong kịch bản đó, chúng ta cần xác định bối cảnh bất thường phải có các giải pháp bất thường, tức là cần có các chính sách mạnh mẽ, tổng thể, thống nhất chứ không thể chỉ là những chính sách riêng lẻ và còn nhiều hạn chế như đã áp dụng thời gian qua. Không thể áp dụng chính sách cũ trong tình hình mới!

Đặc biệt, kịch bản đó phải càng chi tiết, càng cụ thể càng tốt, tránh sơ sài, chung chung. Ví dụ như gần đây, Hà Nội lên phương án mở dần các hoạt động kinh tế ở “những quận, huyện, thị xã chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng”, nhưng đó là những quận, huyện nào lại không rõ. Để chính sách được thực thi tốt phải là những chính sách có hướng dẫn chi tiết nhiều chục trang thay vì chỉ một tờ A4.

Kịch bản khôi phục kinh tế cũng phải tính đến thay đổi cơ cấu kinh tế. Bởi lẽ, trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 nhưng việc áp dụng nền tảng số vào sản xuất còn hạn chế, mà một trong những nguyên nhân chính là do rào cản hành chính, từ chính sách đến thực thi. Do vậy, cần khắc phục triệt để rào cản này!

- Có ý kiến cho rằng, trong kịch bản đó, gói hỗ trợ kích thích kinh tế phải được cụ thể hóa và là một phần không thể tách rời chứ không phải là một nhiệm vụ được thực hiện sau khi đã có kịch bản này. Ông nghĩ sao?

- Tôi hoàn toàn nhất trí! Gói hỗ trợ kích thích kinh tế này cũng phải dựa trên số liệu về từng ngành, để ưu tiên những ngành chịu tác động nặng hơn, có tầm ảnh hưởng lớn hơn.

Thực tế, gói hỗ trợ kích thích kinh tế này chúng ta đã làm nhưng ở góc độ là người phân tích chính sách, tôi cảm thấy thất vọng vì mức độ cũng như quy mô triển khai còn rất nhỏ, tác động không lớn, chỉ đủ cho người ta cầm cự, chưa đủ cho hồi phục và phát triển. Tới đây, gói này cần làm mạnh hơn, bởi như trên tôi đã nói, bối cảnh bất thường cần giải pháp bất thường.

Đặt chỉ tiêu kinh tế bên cạnh phòng, chống dịch

- Ông nhấn mạnh đến việc phải có giải pháp bất thường. Vậy đó là giải pháp gì?

	Du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Nguồn Báo Đầu tư
Du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Nguồn Báo Đầu tư

- Chúng ta cần có trợ cấp tổng thể cho những cá nhân, doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19 một cách nhanh chóng, toàn diện hơn. Ví dụ cần xem xét miễn giảm thuế trên diện rộng hay không? Hay hỗ trợ người dân với quy mô rộng và số tiền cao hơn?

Bên cạnh đó, gói hỗ trợ chi phí đào tạo, đào tạo lại cũng phải đẩy mạnh hơn. Bởi Covid-19 làm thay đổi lớn đến cơ cấu kinh tế cũng như cơ cấu nghề nghiệp, hàng triệu lao động bị ảnh hưởng, mất việc làm hoặc phải đổi việc, rời thành phố về quê. Chính sách phải trợ giúp họ tái hòa nhập.

- Nhưng nguồn lực của Nhà nước có hạn, thưa ông?

- Tôi không cho rằng nguồn lực nhà nước hiện nay là không thể hỗ trợ nhiều hơn. Trong bối cảnh Covid-19, giờ là lúc Nhà nước cần chấp nhận bội chi cao hơn, không còn cách nào khác! Vay nợ hiện nay cũng có thuận lợi là lãi suất vay rất thấp, vay để hỗ trợ và sẽ có điều kiện trả nợ khi tăng trưởng cao trở lại.

- Theo ông, làm thế nào để khi kịch bản khôi phục kinh tế được ban hành sẽ thực sự khả thi và hiệu quả?

- Về mặt nguyên tắc, khi ban hành một chính sách, bao giờ người ta cũng phải tính đến lợi ích và chi phí một cách cụ thể, chi tiết. Do vậy, kịch bản khôi phục cũng phải tính toán kỹ điều đó.

Sau khi đánh giá lợi ích và chi phí của kịch bản khôi phục kinh tế, Nhà nước cũng nên xây dựng Chỉ số đánh giá hiệu quả công việc (KPI) cho các bộ, ngành, địa phương như lâu nay doanh nghiệp vẫn áp dụng. Theo đó, cùng với tiêu chí đánh giá về phòng, chống dịch như phải có ít ca mắc, giảm số ca nhập viện và tử vong, cần đưa ra thêm các tiêu chí đánh giá về kinh tế, xã hội như nghèo đói, việc làm, doanh nghiệp phá sản, sản lượng công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… Chỉ khi đó, chúng ta mới tránh được tình trạng địa phương chống dịch quá mức làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh như đã từng xảy ra là dù xã, phường, quận, huyện không có ca mắc Covid-19 song vẫn phải dừng toàn bộ các hoạt động kinh tế.

Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực thi kịch bản khôi phục kinh tế cũng phải làm thường xuyên, liên tục.

- Xin cảm ơn ông!

Đan Thanh thực hiện