Phải giữ chân nhà đầu tư!

- Thứ Hai, 18/10/2021, 07:00 - Chia sẻ
Bà Vũ Chi Mai, Trưởng hợp phần năng lượng tái tạo, dự án Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng thuộc Chương trình Hỗ trợ Phát triển Năng lượng của Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) cho rằng, việc chuyển dịch dần sang năng lượng tái tạo là tất yếu. Các nhà đầu tư cũng đã sẵn sàng, vấn đề làm thế nào để các nhà đầu tư tiếp tục ở lại Việt Nam.

Than, dầu khí vẫn có vai trò nhất định

- Bà đánh giá thế nào về tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam?

- An ninh năng lượng chính là an ninh kinh tế, an ninh quốc gia. Vì thế, thời gian tới một mặt phải bảo đảm nguồn năng lượng chạy nền, đồng thời phải tìm giải pháp dài hơi hơn thông qua năng lượng tái tạo. Năng lượng tái tạo nhiều chuyên gia đánh giá là “đỏng đảnh”nhưng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được bằng cách dự báo.

Chúng ta có nền tảng thủy điện và nhiệt điện nên có thể điều phối được một cách hợp lý. Ban đêm không có điện mặt trời nhưng có điện gió. Do đó, cần nhìn tổng thể bức tranh xem Việt Nam đang có những gì, phát huy vai trò vào thời điểm nào thì tất cả các dạng năng lượng sẽ hỗ trợ nhau rất tốt. Trong đó, than, dầu khí vẫn có vai trò nhất định trong giai đoạn sắp tới.

- Ngành năng lượng Trung Quốc đang ở thời kỳ quá độ và đang chuyển dịch dần. Do thiếu điện nên Trung Quốc phải tăng dần lượng chạy dầu, chạy khí. Việt Nam rút ra bài học thế nào, thưa bà?

- Việt Nam phải nhìn xem đang có những gì trong tay và những gì có thể có, từ đó cân nhắc rất rõ chứ không thể làm bằng mọi giá. Mọi người đang chờ tại Hội nghị biến đổi khí hậu COP26 vào tháng 11 tới, Việt Nam sẽ cam kết về việc giảm phát thải thế nào!

Tôi nghĩ lộ trình và việc chuyển dịch dần sang năng lượng tái tạo là tất yếu,  không thể tránh khỏi. Việt Nam cần cân nhắc để cam kết phù hợp nhưng cũng không nên quá thận trọng vì có thể khiến các tổ chức tài chính quốc tế cân nhắc có nên vào Việt Nam hay không nếu cam kết thấp trong khi các nước khác có những cam kết mở cho thị trường. Trong đầu tư, yếu tố thời điểm rất quan trọng, quyết định nhà đầu tư rút ra hay ở lại.

- Theo bà thách thức lớn nhất của Việt Nam trong phát triển năng lượng tái tạo là gì?

- Theo tôi, thách thức lớn nhất là cơ chế chính sách. Thời gian qua có thể thấy năng lượng tái tạo, cụ thể là điện mặt trời, hoàn toàn có khả năng phát triển! Tuy nhiên, hệ thống pháp luật chưa được xây dựng đầy đủ đã dẫn đến hệ lụy gây quá tải nghiêm trọng cho hệ thống truyền tải điện, cắt giảm công suất phát các nhà máy điện mặt trời gây thiệt hại cho nhà đầu tư và làm giảm động lực phát triển của điện mặt trời.

Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) sẽ diễn ra vào tháng 11 tới và dự kiến sẽ có nội dung thảo luận về đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Sử dụng năng lượng hiệu quả hơn nữa

- Dịch Covid-19 ảnh hưởng thế nào tới quá trình chuyển dịch năng lượng trên thế giới cũng như của Việt Nam, thưa bà?

- Do ảnh hưởng Covid-19, mức tiêu thụ năng lượng giảm đi rất nhiều. Việt Nam dự báo đến hết năm 2022 nền kinh tế sẽ phục hồi thì nhu cầu năng lượng sẽ tăng trở lại. Nhưng việc giá dầu tăng đột biến thời gian qua làm nền kinh tế đang bị đe dọa, nguồn năng lượng do phụ thuộc bên khác nên phải chấp nhận giá và rất khó để tác động. Từ đó, rút ra câu chuyện cho phải làm sao chủ động được nguồn năng lượng của mình để trong mọi hoàn cảnh có thể đứng bằng hai chân của mình.

- Nếu năm tới kinh tế phục hồi và lại thiếu điện thì Việt Nam phải làm gì?

- Con đường duy nhất là phải tăng cường hiệu quả năng lượng, làm sao để sử dụng hiệu quả hơn nữa năng lượng hiện có. Nhưng có một vấn đề là giá điện đang thấp quá không phản ánh đúng giá hệ thống và chi phí nên cần phải đối xử công bằng thì mới có thể tăng hiệu quả.

Năng lượng tái tạo là một nguồn dễ huy động và các nhà đầu tư đã sẵn sàng rồi. Vấn đề làm thế nào để các nhà đầu tư tiếp tục ở lại Việt Nam và các chính sách phải hài hòa!

- Xin cảm ơn bà!

Vũ Quang