Phải làm bằng được

- Thứ Hai, 21/09/2020, 05:33 - Chia sẻ
Cả nước hiện có 335.765 hộ dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cần hỗ trợ. Bên cạnh đó, còn có 222.891 hộ nằm trong vùng thiên tai, cư trú trong khu rừng đặc dụng phải di dời, sắp xếp, bố trí tái định cư. Thiếu tư liệu sản xuất cơ bản, thiếu nơi chốn định cư lâu dài, ổn định khiến cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn, sinh kế bấp bênh và kèm theo đó là rất nhiều hệ lụy phức tạp khác về xã hội, về an ninh trật tự...

Đó cũng là lý do trên diễn đàn của Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã nhắc đi nhắc lại yêu cầu đối với Chính phủ trong việc phải quan tâm hơn nữa để sớm giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tất nhiên, mong muốn và yêu cầu thì rất lớn, nhưng giải quyết dứt điểm câu chuyện này lại không đơn giản. Bởi vấn đề quan trọng nhất phải trả lời được là: Lấy quỹ đất ở đâu để giao cho đồng bào dân tộc thiểu số?

Một “nguồn” hết sức quan trọng để tạo quỹ đất sản xuất, đất ở giao cho đồng bào dân tộc thiểu số được nêu tại Nghị quyết số 112 năm 2015 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng.

Cụ thể, Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết này yêu cầu: “Năm 2016, xây dựng và hoàn thiện đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng. Tổ chức thực hiện nghiêm túc đề án trong giai đoạn 2016 - 2020.

Quy hoạch, sắp xếp các điểm dân cư tập trung, tách ra khỏi diện tích đất đã giao cho các công ty nông, lâm nghiệp quản lý theo quy định của pháp luật. Tiếp tục rà soát, thu hồi diện tích đất sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích và giao lại cho địa phương để giao cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất ở địa phương quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai”.

Dẫu vậy, sau 5 năm, kết quả thực hiện các nhiệm vụ tại Nghị quyết 112, theo ghi nhận của Hội đồng Dân tộc, vẫn “còn rất hạn chế, nhiều việc thực hiện chậm, kết quả, hiệu quả thấp, nhiều việc để kéo dài gây bức xúc trong nhân dân và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự”.

Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết 112, Chính phủ cũng thừa nhận, kết quả sắp xếp, đổi mới của công ty nông, lâm nghiệp để tổ chức thực hiện theo mô hình mới thực hiện chậm, hiệu quả thấp. Diện tích đất đã bàn giao cho địa phương đạt thấp so với yêu cầu. Nhiều nông, lâm trường chủ yếu mới thực hiện việc bàn giao trên giấy tờ, chưa bàn giao trên thực địa. Việc thu hồi đất của các nông, lâm trường sau khi sắp xếp lại thực hiện còn chậm, dẫn đến tình trạng đất “vô chủ” kéo dài, làm gia tăng tình trạng lấn chiếm đất trái phép. Diện tích đất bàn giao cho địa phương chủ yếu là đất các công trình hạ tầng công cộng hoặc đất xa, xấu, khó canh tác, đất đang có tranh chấp hoặc vi phạm khó giải quyết nên chính quyền địa phương không muốn tiếp nhận.

Trong khi đó, việc thực hiện giao khoán đất lâm nghiệp và đất sản xuất nông nghiệp đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tiến trình xây dựng đề án thiếu sự tham gia của chính quyền và người dân nên có nhiều bất cập, nhất là việc quy hoạch, rà soát đất đai, xác định phần diện tích công ty để lại và diện tích giao cho địa phương. 

Tháng 6 vừa qua, với việc thông qua Nghị quyết số 120/2020/QH14 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Quốc hội đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Chính phủ phải tập trung nguồn lực đầu tư để giải quyết các vấn đề bức thiết của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo thứ tự ưu tiên. Đứng đầu danh sách ưu tiên này chính là tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.

Thời hạn để giải quyết cơ bản vấn đề khó khăn, phức tạp này cũng được Quốc hội xác lập là "đến năm 2025". Phải giải quyết được cơ bản vấn đề này thì tiếp theo đó, câu chuyện sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mới có thể bền vững, mới có thể vươn lên thoát nghèo và xa hơn, có thể làm giàu. Vì thế, dù khó cũng phải dốc sức làm và phải làm bằng được. Bởi như cách nói của các đại biểu Quốc hội khi thông qua Nghị quyết 120, đó là tình cảm nhưng cũng là "món nợ" của chúng ta với đồng bào dân tộc thiểu số.

Hải Lam