Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê

Phải thực sự chính xác, hữu dụng, phục vụ toàn xã hội

- Thứ Năm, 21/10/2021, 06:44 - Chia sẻ
Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê chiều 20.10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhấn mạnh, yêu cầu ngành thống kê cần hướng đến mục tiêu cao nhất là phục vụ toàn xã hội theo đúng tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về xây dựng kinh tế số, Chính phủ số và xã hội số. Số liệu thống kê phải thực sự chính xác, hữu dụng, là đầu vào không thể thiếu trong việc ra quyết định ngay trong tình huống cấp bách, trở thành nguồn tài nguyên số, nguồn lực quan trọng của đất nước.

ĐBQH Phạm Thị Hồng Yến (Bình Thuận):
Phản ánh hiện trạng, phục vụ công tác hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế - xã hội

Dự thảo Luật sửa đổi hai điều là Điều 17 và Điều 48 của Luật Thống kê hiện hành, bước đầu cũng đáp ứng được các yêu cầu đặt ra đối với việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất.

ĐBQH Phạm Thị Hồng Yến (Bình Thuận) phát biểu tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê
​​​​​Ảnh: T.Chi

Nhóm chỉ tiêu thứ 3 trong danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia phản ánh các chủ thể kinh tế tham gia nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện nay phụ lục danh mục đi kèm dự thảo Luật mới chỉ dừng lại ở việc ghi nhận doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp, mà chưa ghi nhận các hộ kinh doanh, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã vào cùng với nhóm, tên chỉ tiêu doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân… Trong khi đó, Hiến pháp, các nghị quyết của Đảng và các văn bản pháp luật hiện hành đều quy định rõ các thành phần kinh tế, các chủ thể hoạt động trên thị trường. Việc Ban soạn thảo không khẳng định việc có bổ sung "hộ kinh doanh, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã” vào nhóm chỉ tiêu này hay không sẽ ảnh hưởng đến quá trình xây dựng ban hành chính sách, đánh giá tác động chính sách bởi sẽ rất khó khi muốn đánh giá hoặc có chính sách phù hợp để bảo đảm định hướng của Nhà nước đối với từng thành phần kinh tế và các chủ thể tham gia nền kinh tế.

Tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến xem xét thông qua kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có nhiều lĩnh vực mới, ngành nghề mới sẽ trở thành động lực giúp tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh “bình thường mới”. Theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ban soạn thảo đã lập ra danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, trong đó có chỉ tiêu liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số… hay những chỉ tiêu liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, khi so sánh các chỉ tiêu và nhóm chỉ tiêu này trong danh mục thì chưa thể hiện được tính đặc thù của những lĩnh vực này. Ví dụ, đối với các chỉ tiêu liên quan đến kinh tế tuần hoàn hay kinh tế số, đòi hỏi những chỉ tiêu thể hiện tính đặc thù, đo lường được khu vực kinh tế tuần hoàn, kinh tế số được hiểu như thế nào. Thực tế cũng cho thấy, kinh tế số có thể được tính trong tổng hợp các lĩnh vực, ngành nghề từ y tế, giáo dục, dịch vụ, ngân hàng… Đối với những chỉ tiêu đó, cần thể hiện được trong danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia nhằm giúp việc hoạch định chính sách, điều hành kinh tế đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỉ trọng kinh tế số đạt 20% GDP như chủ trương, nghị quyết của Đảng đã đề ra.
Danh mục, chỉ tiêu thống kê phải đo lường được hiện trạng, diễn biến xảy ra qua thời kỳ, qua các năm, nhằm phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự tăng trưởng. Đặc biệt, các danh mục, chỉ tiêu thống kê cần chuyển từ việc thể hiện yếu tố sản lượng sang yếu tố đo lường được chất lượng, năng suất, hiệu quả.

ĐBQH Đặng Xuân Phương (Nghệ An):
Số liệu thống kê phải thực sự hữu ích

Tôi thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Theo tôi, 2 nhóm đối tượng rất quan trọng mà công tác thống kê cần hướng tới là hộ kinh doanh và doanh nghiệp - những chủ thể làm ra của cải vật chất cho xã hội, nhưng chưa được quan tâm đúng mức trong cách làm thống kê hiện nay. Đơn cử, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thì số liệu thống kê có thực sự hữu ích không. Thực tế, số liệu thống kê của các Cục Thống kê địa phương không đáp ứng được yêu cầu đơn giản là xác định chính xác số người lao động và các doanh nghiệp cần hỗ trợ. Mỗi khi lãnh đạo, chính quyền địa phương ra quyết sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp thì lại phải huy động cán bộ cơ sở, tổ dân phố đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Cách làm rất thủ công. Hệ quả khác nữa là khả năng nhũng nhiễu, tiêu cực trong công tác thống kê, đối tượng hỗ trợ có thể sai, hoặc người dân và doanh nghiệp phải chờ đợi, xác minh có đúng đối tượng hỗ trợ hay không.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các doanh nghiệp, người dân phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, thì số liệu thống kê phải thực sự hữu ích trong việc hỗ trợ người kinh doanh, doanh nghiệp đưa ra quyết định đầu tư thế nào, sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ ra sao. Điều này đòi hỏi ngành thống kê phải có sự đổi mới mạnh mẽ, hướng tới phục vụ cho cộng đồng, người dân, doanh nghiệp. Tham khảo kinh nghiệm các nước phát triển, sau khi có quyết sách thông qua gói hỗ trợ, thì chỉ trong thời gian rất ngắn, ngành thống kê đã định vị giúp dòng tiền "chảy" vào tài khoản của cá nhân, doanh nghiệp, từ đó giúp họ có cơ hội cầm cự, vượt qua khó khăn, thay vì mất vài tháng mới nhận được hỗ trợ. Do vậy, ngành thống kê cần hướng đến mục tiêu cao nhất là phục vụ toàn xã hội theo đúng tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về xây dựng kinh tế số, Chính phủ số và xã hội số. Số liệu thống kê phải thực sự chính xác, hữu dụng, là đầu vào không thể thiếu trong việc ra quyết định ngay trong tình huống cấp bách, trở thành nguồn tài nguyên số, nguồn lực quan trọng của đất nước.

ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (TP. Hồ Chí Minh):
Cần bổ sung chỉ tiêu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Tôi đồng ý phạm vi dự thảo Luật lần này chỉ sửa đổi, bổ sung các hệ số chỉ tiêu thống kê, còn những vấn đề lớn khác liên quan đến Luật Thống kê như tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế, tổ chức bộ máy… nên tính toán dài hơi và tiến hành sửa đổi tổng thể gắn với quá trình hội nhập trong thời gian tới, bởi thống kê đóng vai trò rất quan trọng phục vụ công tác điều hành, đưa ra các quyết sách lớn.

Bộ chỉ số và các chỉ số sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật đề cập tương đối nhiều đến các lĩnh vực mới theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra như chuyển đổi số, hội nhập tương thích với những cam kết quốc tế của nước ta. Tuy nhiên, một lĩnh vực trong 5 năm vừa qua chúng ta vẫn khẳng định tiếp tục thực hiện là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhưng lại chưa thấy trong các chỉ số bổ sung. Phải làm rõ được nội hàm của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là gì? Số doanh nghiệp đổi mới sáng tạo gia nhập/rút lui khỏi thị trường hàng năm là bao nhiêu? Đây là số liệu hết sức quan trọng, từ đó mới thấy được môi trường hoặc hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở nước ta trong từng năm thay đổi thế nào? Có chiều hướng tốt hay không?

Hiện nay, số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của nước ta rất thấp, không phải vì tiềm năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hạn chế mà vì môi trường, thể chế, một số mô hình thử nghiệm cho các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa thực sự thuận lợi. Do đó, cần bổ sung chỉ số này để đánh giá và có chính sách hiệu quả hơn. 

H.Ngọc, T. Thành, T.Chi