Phản ánh đầy đủ sự vận động của nền kinh tế vào GDP

- Thứ Ba, 05/10/2021, 06:11 - Chia sẻ
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) là chỉ tiêu quan trọng, có tính quyết định đến nhiều chỉ tiêu, mục tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội. Quy mô GDP tăng sẽ góp phần tăng khả năng đóng góp, vị thế của đất nước trong khu vực và trên trường quốc tế. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, GDP nên điều chỉnh theo hướng đo lường cả khu vực kinh tế chưa được quan sát và theo chuẩn mực quốc tế để phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn sự vận động của nền kinh tế.
Kinh tế không chính thức của Việt Nam chiếm 15 - 18% GDP
Nguồn: ITN

Thu hẹp phạm vi chưa được quan sát

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết, bất kỳ nền kinh tế nào cũng tồn tại song song các hoạt động kinh tế được quan sát và chưa được quan sát. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) chia khu vực kinh tế chưa được quan sát thành 5 hoạt động: kinh tế ngầm; kinh tế bất hợp pháp; kinh tế phi chính thức; kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình; và hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản.

Việc xác định thành tố của khu vực kinh tế chưa được quan sát phụ thuộc vào mức độ phát triển kinh tế, thể chế chính trị của mỗi quốc gia. Một hoạt động có thể là phạm pháp ở quốc gia này (không được đo lường trong GDP) nhưng lại hợp pháp (được đo lường trong GDP) ở quốc gia khác. Ví dụ, hoạt động mại dâm được thừa nhận ở Thái Lan, Hà Lan nhưng bị xem là phạm pháp ở một số nước. Việc làm rõ phạm vi, nội hàm giữa hai khu vực kinh tế, đồng thời phân định ranh giới giữa các hoạt động trong mỗi thành tố của khu vực kinh tế chưa được quan sát do đó đóng vai trò rất quan trọng để mở rộng phạm vi quan sát và thu hẹp phạm vi chưa được quan sát, giúp đo lường sát thực hơn bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước về quy mô, cơ cấu cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Hiện nay, ở nước ta vẫn còn 2/5 hoạt động trong khu vực kinh tế chưa được quan sát là kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp chưa được rà soát, đánh giá. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét tình hình cụ thể về đặc điểm, quy mô và tính chất của các hoạt động này. Từ đó, xây dựng chủ trương, giải pháp phù hợp và hiệu quả nhằm kiểm soát và hạn chế dần tỷ trọng của 2 hoạt động này với quan điểm vì sự phát triển lành mạnh, bền vững của nền kinh tế, không phải vì mục tiêu bổ sung, tăng thêm quy mô GDP.

“Theo ước tính của một số tổ chức quốc tế (OECD, IMF), kinh tế không chính thức của Việt Nam chiếm 15 - 18% GDP trong điều kiện bình thường và có thể cao hơn, thu hút khoảng trên 50% lao động trong giai đoạn suy thoái hoặc khó khăn. Với quy mô và đóng góp ngày càng lớn của khu vực kinh tế không chính thức, việc thống kê được khu vực này sẽ giúp quy mô GDP Việt Nam tăng đáng kể”.

TS. Cấn Văn Lực

 

Chuẩn hóa theo chuẩn mực quốc tế

Đến nay đã có những bước tiến nhất định trong đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát. Cụ thể, quy mô GDP đánh giá lại của giai đoạn 2010 - 2017 (bao gồm 3/5 bộ phận của khu vực kinh tế chưa được quan sát) tăng thêm 25,4%/năm so với số liệu đã công bố. Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát được Chính phủ ban hành ngày 1.2.2019, theo đó, từ năm 2020 đã bắt đầu đo lường chính thức khu vực kinh tế chưa được quan sát và có lộ trình theo từng năm để bổ sung dần các thành phần của hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cần xác định rõ việc thống kê chỉ tiêu GDP hiện nay và thời gian tới đã bao gồm khu vực kinh tế chưa được quan sát, đặc biệt là kinh tế không chính thức, kinh tế ngầm hay chưa. Việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát nói chung và kinh tế ngầm nói riêng rất phức tạp, đòi hỏi khối lượng thông tin lớn, chi tiết, điều tra thống kê chuyên sâu, vì vậy, cần nhiều nỗ lực và phối hợp chặt chẽ giữa Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành, doanh nghiệp và địa phương trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, cần khắc phục chênh lệch trong thống kê GDP giữa hai phương pháp sản xuất và sử dụng/chi tiêu. Mặc dù chênh lệch giá trị GDP giữa hai phương pháp hiện vẫn nằm trong giới hạn khuyến nghị của cơ quan thống kê Liên hợp quốc (dưới 6%), tuy nhiên cần chuẩn hóa, thống nhất số liệu giữa các phương pháp theo chuẩn mực quốc tế. Ngoài ra, GDP hàng tháng, quý, năm công bố hiện nay được hiểu là GDP danh nghĩa, chưa phản ánh thực chất tổng giá trị thực tế của sản phẩm, dịch vụ quốc gia (chưa điều chỉnh lạm phát). Cần xem xét bổ sung thống kê và công bố GDP thực để phù hợp với chuẩn mực quốc tế, góp phần tăng khả năng so sánh quốc tế, bởi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) thường chú trọng đánh giá, so sánh GDP thực giữa các quốc gia, khu vực trong các báo cáo, tài liệu tư vấn.

Hoàng Tuấn