Phấn đấu 73% xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022

- Thứ Tư, 29/12/2021, 09:37 - Chia sẻ
Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu cả nước có khoảng 73% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó khoảng 15% số xã đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu. Để cụ thể hóa mục tiêu, một trong những giải pháp quan trọng là cần tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các văn bản hướng dẫn ngay trong 6 tháng đầu năm 2022, làm cơ sở để các địa phương thực hiện.

Hoàn thành vượt mục tiêu

Thực hiện Nghị quyết số 129/2020/QH14 của Quốc hội về việc phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; Quyết định số 1379/QĐ-TTg ngày 02.8.2021 về việc giao bổ sung kinh phí thường xuyên thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xâu dựng nông thôn mới (gọi tắt là Chương trình) năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện; xây dựng khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 – 2025.

Song song với đó, công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới tiếp tục được chú trọng và phát huy hiệu quả; tạo sự lan tỏa mạnh mẽ của phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, tác động tích cực đến nhận thức của cán bộ các cấp và người dân.

Năm 2021, cả nước có trên 68% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Nguồn: Báo Kon Tum

Nhờ những giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của các cấp ngành, địa phương, Chương trình đã đạt được những kết quả tích cực, hoàn thành vượt tất cả các mục tiêu phấn đấu năm 2021 được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao.

Cụ thể, năm 2021, cả nước có 5.615/8.233 xã (68,2%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 5,8% so với năm 2020), trong đó, có 503 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 17 tiêu chí/xã (tăng 0,6 tiêu chí so với năm 2020). Có 213 đơn vị cấp huyện thuộc 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 40 đơn vị so với năm 2020). 14 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn  nông thông mới, trong đó 4 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai và Hưng Yên) đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Mặc dù vậy, Chương trình vẫn còn một số vướng mắc trong triển khai thực hiện. Nguyên nhân bởi năm 2021 là năm chuyển giao giữa hai giai đoạn, hệ thống khung khổ pháp lý và văn bản hướng dẫn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 chưa được phê duyệt nên nhiều quy định thực hiện trong năm 2021 chưa thực sự rõ ràng (cơ chế phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước, cơ chế tài chính, nội dung, đối tượng hỗ trợ…).

Bên cạnh đó, do phải thực hiện các biện pháp giãn cách, phòng chống Covid-19 nên một số đề tài, dự án thuộc Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới bị chậm tiến độ và khó có thể hoàn thành các thủ tục nghiệm thu trong năm 2021. Kết quả đạt chuẩn nông thôn mới của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn, điển hình như đồng bằng sông Hồng đạt 99,1%, Đông Nam Bộ 86,4%; trong khi đó Miền núi phía Bắc mới đạt 41,3%, Tây Nguyên 52,2%...

Tập trung sớm hoàn thiện văn bản hướng dẫn

Trong năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu đạt mục tiêu cả nước có khoảng 73% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có khoảng 15% số xã đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu; có ít nhất 235 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng trên 20 đơn vị cấp huyện so với năm 2021), 7 - 8 tỉnh/thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Đông Hưng, Thái Bình chung sức xây dựng nông thôn mới.
Nguồn: thaibinh.gov.vn

Để cụ thể hóa mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định trước hết, tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các văn bản hướng dẫn triển khai Chương trình ngay trong 6 tháng đầu năm 2022, làm cơ sở để các địa phương thực hiện. Bộ cũng chỉ đạo các địa phương chủ động ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện các nội dung của Chương trình theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn về các nội dung mới, yêu cầu mới của Chương trình, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo các địa phương, căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 để chủ động xây dựng kế hoạch triển khai; lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, tập trung chỉ đạo và bố trí đủ nguồn lực thực hiện.

Cùng với đó, Bộ sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương kiện toàn hệ thống bộ máy tổ chức thực hiện Chương trình ở các cấp đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương (tỉnh, huyện, xã); nâng cao năng lực và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới chuyên trách ngày càng chuyên nghiệp.

Ngoài ra, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình...

Đ. Thanh