Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi):

Phân định rõ người sử dụng, người nghiện và tội phạm ma túy

- Thứ Hai, 23/11/2020, 08:21 - Chia sẻ
Thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn xung quanh khái niệm “người sử dụng trái phép chất ma túy”, “người nghiện ma túy” và “tội phạm về ma túy”. Các đại biểu nhấn mạnh, cần phân định chính xác các đối tượng này để có những biện pháp tương xứng về mặt pháp luật.

Đối tượng nào thì biện pháp đó 

So với Luật hiện hành, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được trình Quốc hội tại Kỳ họp này đã tách khái niệm “tội phạm về ma túy” ra khỏi “tệ nạn ma túy” nhằm xác định đúng tính chất của "tội phạm về ma túy” và “tệ nạn ma túy”. Đồng thời, dự thảo Luật bổ sung khái niệm: Người sử dụng trái phép chất ma túy là người tự ý hoặc đồng ý cho người khác đưa chất ma túy vào cơ thể mình mà không được sự cho phép của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền (Khoản 16, Điều 3). Việc bổ sung khái niệm này để phân biệt với “người nghiện ma túy”, ngăn chặn họ tiếp tục sử dụng và dẫn đến nghiện ma túy, kịp thời giám sát, quản lý, giáo dục không để họ gây rối trật tự, đe dọa tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và tài sản của người khác.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu tại hội trường  

Ảnh: Quang Khánh 

Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) chỉ ra, tại Khoản 1, Điều 23 dự thảo Luật có nêu "người bị coi là người sử dụng trái phép chất ma túy là người có xét nghiệm dương tính với chất ma túy. Việc sử dụng chất ma túy của người đó không được pháp luật cho phép và chưa xác định được tình trạng nghiện". Quy định này không thống nhất với nội dung tại Khoản 16, Điều 3 dự thảo Luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại quy định người sử dụng trái phép chất ma túy trong dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất trong các điều khoản. 
Trên thực tế, có những người sử dụng ma túy trong một thời gian khá dài mà chưa rơi vào tình trạng nghiện, chưa bị lệ thuộc vào ma túy. Bên cạnh đó có những người chỉ sử dụng ma túy vài lần đã thành người nghiện. Còn việc xét nghiệm một người cho kết quả dương tính với ma túy chỉ là cơ sở để kết luận người đó có sử dụng ma túy, chứ không phải là cơ sở để kết luận người đó nghiện ma túy. Nêu thực tế này, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nhấn mạnh sự cần thiết phải phân định chính xác hai trường hợp này để có những biện pháp tương xứng về mặt pháp luật là rất cần thiết và rất quan trọng. “Đối tượng nào thì biện pháp đó”, đại biểu nói. 

Trước năm 2009, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy đã được quy định thành một tội trong Bộ luật Hình sự và có tính răn đe khá cao. Tuy nhiên, sau đó, do có sự thay đổi trong nhận thức về hành vi này và coi họ là nạn nhân của tệ nạn ma túy nên Bộ luật Hình sự đã bỏ tội danh nêu trên. Cùng với đó là trong toàn bộ hệ thống pháp luật không có bất cứ quy định nào về quản lý cũng như giúp đỡ họ từ sớm, do đó, đã dẫn đến gia tăng nhanh chóng thành người nghiện như trong thời gian vừa qua. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Công an năm 2009, cả nước có khoảng 146.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Sau 10 năm, đến năm 2019 con số này là khoảng 225.000 người, tức là tăng 72.000 người. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Thủy tán thành với hướng đi của dự thảo Luật tập trung cho mục tiêu ngăn ngừa việc phát sinh thêm người nghiện ma túy và can thiệp sớm hơn bằng việc bổ sung chế định quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

Rõ trách nhiệm với những người có liên quan đến ma túy

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị, cần hết sức lưu ý phân biệt rõ 2 trạng thái: Người nghiện do ăn chơi đến gây nghiện khác với những người bị phơi nhiễm. Ví dụ, một số các chiến sĩ trong mặt trận phòng, chống ma túy phải vào tận hang ổ của tội phạm về ma túy và rồi chính họ bị phơi nhiễm, đây được gọi là bệnh. Còn những người cố tình ăn chơi mà nghiện, hiện nay chúng ta coi là nạn nhân của tệ nạn ma túy và không xử lý, trong khi dự thảo Luật quy định rất rõ người nghiện là người vi phạm pháp luật, người sử dụng ma túy là người vi phạm pháp luật, nghiện còn ở trên cấp độ sử dụng ma túy. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị, vấn đề này phải có chính sách rất rõ ràng.

Chăm sóc, giáo dục, tạo niềm tin cho học viên Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 trực thuộc lực lượng Thanh niên xung phong TP Hồ Chí Minh  

Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), Điều 3 dự thảo Luật giải thích rất rõ ràng khái niệm về người nghiện ma túy, tội phạm về ma túy. Như vậy, người nghiện ma túy là bệnh nhân, cần phải được điều trị về thể chất và tâm thần để hết nghiện. Song, những người nghiện ma túy đó cũng có thể là tội phạm, nếu họ có những hành vi phạm tội và khi đó thì họ phải bị xử phạt như một tội phạm.

ĐBQH Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) đề nghị, cơ quan soạn thảo thiết kế tại quy định tại Khoản 1, Điều 23 dự thảo Luật theo hướng bao hàm 3 ý sau: Một là, người bị coi là người sử dụng trái phép chất ma túy, không được pháp luật cho phép. Hai là, có xét nghiệm dương tính với chất ma túy. Ba là, xác định hoặc chưa xác định trong tình trạng nghiện. Việc thiết kế lại quy định này nhằm bảo đảm thống nhất với quy định tại Khoản 16, Điều 3 dự thảo Luật. Hơn nữa, việc quy định rõ như vậy bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống ma túy.

Giải trình làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, cơ quan soạn thảo đã có đặt vấn đề này theo hướng từng bước, từng mức độ khác nhau. Đối với người sử dụng ma túy trái phép thì chưa có biện pháp xử lý về hành chính, kể cả quản lý lập danh sách nhưng hoàn toàn không phải biện pháp hành chính. Đây chủ yếu là vận động, giáo dục với mức độ quản lý nhẹ nhất, chưa đến phạm vi của các biện pháp về xử lý hành chính. Bắt đầu có "bóng dáng" các biện pháp, chế tài xử lý hành chính. Còn tội phạm thì rõ ràng xử lý hình sự, xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và luật pháp về hình sự.

Trước những ý kiến của các đại biểu Quốc hội đặt ra về việc chúng ta quan niệm như thế nào, thái độ của xã hội đối với người sử dụng ma túy trái phép cũng như người nghiện ma túy thế nào, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu rất kỹ vấn đề này, với xu hướng hiện nay cho rằng những người nghiện ma túy là rất đa dạng. “Trí thức có, cán bộ có, trong nhân dân rất nhiều, thanh niên có, thậm chí trẻ em cũng có. Đây là những người rất đáng thương, cần phải có những biện pháp xã hội”, Bộ trưởng cho biết. 

Song, cũng có ý kiến cho rằng, đây phần lớn là những người có thân nhân xấu, có tiền án, tiền sự, có những vi phạm pháp luật khác. Phần lớn những người nghiện ma túy là những người có bệnh tật khác, bệnh nền HIV, lao, phổi… Vừa là con nghiện, vừa là con bệnh, bị gia đình, xã hội xa lánh. “Thái độ của chúng ta, của xã hội như thế nào đối với người nghiện và người người sử dụng trái phép chất ma túy? Tôi cho rằng, phải thể hiện điều đó trong luật này rất rõ ràng", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh và cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, làm sao để cân đối hài hòa, thể hiện rõ trách nhiệm đối với những người có liên quan đến ma túy.

Nhật An